Trên địa bàn thành phố Biên Hòa mới đây đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Bệnh nhân nữ tên N.T.T.T., 12 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.Yên |
Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, bệnh nhân có triệu chứng nóng, sốt, chóng mặt, nôn, đau ngực, khó thở, đi ngoài nhiều lần. Gia đình có mua thuốc bên ngoài cho bé uống nhưng không đỡ. Ngược lại, các triệu chứng có tiến triển nặng, bé ói ngày càng nhiều, tím tái.
Gia đình bệnh nhi sau đó đưa bé đến phòng khám tư nhân trên địa bàn để khám, rồi đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để tiếp tục điều trị. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chuyển từ Khoa Cấp cứu đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc trong tình trạng sốt cao, nôn ói, ban hoại tử hình sao toàn thân, sốc.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng do não mô cầu. Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh gửi về cho thấy, bệnh nhân dương tính với não mô cầu. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc với chẩn đoán sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan…
Theo tin từ người nhà, bệnh nhân chưa được tiêm vaccine có thành phần chứa não mô cầu.
Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa sau đó đã lập danh sách những người có tiếp xúc với bệnh nhân. Hướng dẫn người nhà bệnh nhân xử lý môi trường xung quanh và tự theo dõi, nếu những người tiếp xúc với bệnh nhân có dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, gáy cứng, nhạy cảm với ánh sáng cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để được hỗ trợ. Đồng thời, khi tiếp xúc với bệnh nhân phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn.
Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em và có khả năng lây lan thành dịch. Bệnh viêm màng não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%, tỷ lệ tử vong có thể từ 8-15%.
Để phòng bệnh viêm màng não mô cầu, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh có thành phần não mô cầu; dinh dưỡng tốt, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ…
An Yên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin