Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính trên thế giới cứ 6 người trưởng thành sẽ có 1 người bị vô sinh, hiếm muộn ở một thời điểm nào đó. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.
Khám sức khoẻ tiền hôn nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: HD |
Nhiều cặp vợ chồng kết hôn đã lâu, quan hệ tình dục thường xuyên, không dùng biện pháp tránh thai nhưng sau nhiều năm vẫn chưa có con.
Nguyên nhân từ 2 phía
Anh N.T.N. (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) năm nay đã 40 tuổi nhưng vẫn chưa có con. Anh N. tâm sự, trước khi lấy người vợ hiện tại, anh đã có một đời vợ nhưng do 2 người không có con nên ly hôn. Khi kết hôn lần nữa, cả anh N. và vợ mong muốn có con cho vui cửa vui nhà, tình cảm vợ chồng thêm gắn kết nên đã cùng nhau đến bệnh viện chuyên điều trị vô sinh, hiếm muộn ở Thành phố Hồ Chí Minh để khám. Kết quả thăm khám cho thấy, anh N. có chất lượng tinh trùng không đảm bảo, còn sức khỏe sinh sản của vợ anh hoàn toàn bình thường. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, vợ chồng anh N. đang cố gắng thay đổi lối sống, sinh hoạt, nâng cao sức khỏe để có thể thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung).
Cũng đang “đau đầu” về vấn đề con cái là vợ chồng chị H.M.L. (34 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Chị L. chia sẻ, chị kết hôn đã 7 năm nhưng chưa có con. Áp lực với chị L. càng nặng nề hơn khi chồng chị là con trai duy nhất trong nhà. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, hễ có ai “mách” ở đâu có thầy, có thuốc chữa vô sinh, vợ chồng chị đều tìm đến, nhưng vẫn không có kết quả. Mới đây, vợ chồng chị L. đã đến Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) để khám, tìm nguyên nhân. Kết quả, bác sĩ kết luận chị L. bị tắc vòi trứng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tuổi trung bình kết hôn lần đầu của người Việt vào năm 2023 là 27,2 tuổi (nam giới là 29,3 tuổi và nữ giới là 25,1 tuổi). Kết hôn muộn cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam ngày càng cao.
Vô sinh không chỉ gặp ở những cặp vợ chồng chưa từng có con (vô sinh nguyên phát) mà còn gặp ở nhiều cặp vợ chồng đã từng sinh con, được gọi là vô sinh thứ phát.
Chị T.T.T. (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) tâm sự, vợ chồng chị cùng tuổi, kết hôn năm 30 tuổi. Một năm sau khi kết hôn, chị T. sinh con gái đầu lòng. Vợ chồng chị dự kiến sẽ sinh thêm con thứ 2 khi kinh tế gia đình ổn định. Cách đây 2 năm, khi con gái đã vào lớp 1, chị T. muốn sinh thêm con nhưng “thả” mãi mà không có thai. Đi khám tại bệnh viện, bác sĩ cho hay chị bị vô sinh thứ phát.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân vô sinh không chỉ do nữ giới hoặc nam giới, mà chia đều cho cả nam và nữ là 40%. 20% nguyên nhân còn lại do cả vợ và chồng hoặc không rõ nguyên nhân.
Nên thăm khám, điều trị ở những cơ sở uy tín
Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Thị Thúy, chuyên ngành sản phụ khoa, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết thụ thai là cả một quá trình dài của cả tinh trùng (ở nam giới) và trứng (ở nữ giới).
Cụ thể, tinh trùng di chuyển từ buồng tử cung ra vòi trứng gặp trứng. Quá trình thụ thai ở 1/3 ngoài vòi trứng tạo thành phôi. Sau đó, phôi di chuyển vào lòng tử cung để làm tổ. Tuy nhiên, sự phát triển bình thường của phôi thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như bệnh lý miễn dịch của mẹ hay bệnh lý di truyền của cả cha và mẹ… Như vậy, muốn thụ thai, toàn bộ quá trình trên phải thông suốt, tinh trùng và trứng phải đảm bảo chất lượng, vòi trứng không bị tắc…
Bác sĩ Thúy nhấn mạnh, nhóm nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nam giới gồm: do bệnh lý (tắc nghẽn đường dẫn tinh; giãn tĩnh mạch thừng tinh; xuất tinh ngược dòng; bệnh lý do nhiễm trùng…); do yếu tố di truyền; do môi trường ô nhiễm; do lối sống không khoa học như: hút thuốc lá, uống nhiều bia, rượu, lạm dụng chất kích thích. Đặc biệt, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây giảm chất lượng, số lượng tinh trùng.
Nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nữ giới như: viêm tắc vòi trứng, rối loạn rụng trứng, bất thường về tử cung, lạc nội mạc tử cung, bệnh lý về di truyền, rối loạn chuyển hóa… Ở cả nam và nữ, việc thừa cân, béo phì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng có con.
Để điều trị vô sinh, hiếm muộn, bác sĩ khuyến cáo cả vợ và chồng đều cần đi khám để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Lưu ý, nếu chồng có các biểu hiện như rối loạn xuất tinh, rối loạn cương dương, giảm ham muốn, tinh hoàn sưng to hoặc teo nhỏ; vợ có các biểu hiện như: rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh thưa hơn, đau bụng vùng dưới, khí hư bất thường… thì cần nhanh chóng đến các bệnh viện có chuyên khoa hiếm muộn để điều trị, tránh sử dụng các biện pháp dân gian chưa được khoa học kiểm chứng.
“Thời điểm khám hiếm muộn rất quan trọng. Phụ nữ nên đi khám vào ngày thứ 5 - thứ 7 của chu kỳ kinh vì liên quan đến chu kỳ của nang trứng. Ngoài ra, cả vợ và chồng nên có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia, giảm căng thẳng, tăng cường các biện pháp để cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, thoải mái. Những điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thụ thai” - bác sĩ Thúy nhấn mạnh.
Bác sĩ Thúy cũng khuyến cáo những cặp nam, nữ nếu có ý định kết hôn nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thông qua các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ phát hiện một trong 2 người hoặc cả 2 người mang gen lặn hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, cũng như các vấn đề liên quan đến dị tật thai nhi, nếu có.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin