Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã công bố đề thi minh họa để các nhà trường định hướng giảng dạy và ôn luyện cho học sinh lớp 12.
Học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tân Phú trong giờ học. Ảnh:H.Yến |
Tại các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNNGDTX), công tác chuẩn bị để học sinh có nền tảng tốt nhất tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã được triển khai.
Nghiên cứu kỹ đề minh họa
Theo dự thảo Quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ dự thi 4 môn; trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ công nghiệp).
Ngay từ đầu tháng 10, Bộ GDĐT đã công bố 18 đề thi tốt nghiệp THPT minh họa. So với những năm trước, năm nay đề thi tham khảo được công bố sớm hơn gần 5 tháng nhằm giúp nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong quá trình dạy, học và ôn tập để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Bộ GDĐT dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp, trong đó sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học của học sinh theo tỷ lệ 50-50, tức là tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở các năm THPT nhằm đánh giá toàn diện các năng lực theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Đề thi có cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hóa để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Một thay đổi rất lớn là ngữ liệu sử dụng ra đề thi không có trong một bộ sách giáo khoa nào. Môn Ngữ văn thi tự luận lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm), viết (6 điểm).
Để giúp học sinh đáp ứng được yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường nghề, trung tâm GDNNGDTX đã triển khai để các tổ bộ môn, giáo viên nghiên cứu kỹ dạng thức đề nhằm chủ động thay đổi phương pháp dạy học, đổi mới trong đánh giá học sinh. Việc nghiên cứu kỹ cấu trúc đề giúp giáo viên có thể nắm chắc yêu cầu của kỳ thi, đồng thời thiết kế đề kiểm tra theo cấu trúc mới, yêu cầu mới, phù hợp với cấu trúc, định dạng bộ đề thi minh họa các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GDĐT đã công bố.
Phân hóa học sinh, chuẩn bị cho công tác ôn tập
Năm học này, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi có khoảng 700 học sinh lớp 12. Hiện nay, trong đợt ra đề kiểm tra giữa học kỳ 1 vừa qua, giáo viên vẫn ra đề theo hướng dẫn và tập huấn của Sở GDĐT từ đầu năm học. Song song đó, giáo viên của trường tiếp tục nghiên cứu đề thi minh họa, cho học sinh chọn môn tổ hợp, môn thi để chuẩn bị dần cho công tác ôn tập.
Học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tân Phú trong giờ học. Ảnh: H.Yến |
Tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, với hơn 1,3 ngàn học sinh lớp 12, công tác ôn thi, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được nhà trường hết sức quan tâm và chú trọng.
Theo thầy Cao Thanh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, trường hiện đang xây dựng kế hoạch để chuẩn bị cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Nhà trường sẽ xây dựng tài liệu ôn thi tốt nghiệp theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GDĐT đã ban hành.
“Chúng tôi sẽ phân hóa đối tượng học sinh theo trình độ, năng lực học tập để tổ chức các lớp ôn thi cho phù hợp. Trước mắt sẽ tập trung ôn thi sớm cho đối tượng học sinh chưa đảm bảo trình độ năng lực theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Về mặt bằng chung, trường sẽ tập trung cho ôn thi 2 môn Ngữ văn và Toán trước. Đối với 2 môn tự chọn thì qua đầu học kỳ 2 mới tăng tốc để ôn thi” - thầy Tuấn nói.
Cũng theo thầy Tuấn, dự kiến, từ cuối học kỳ 1, công tác ôn thi sẽ bắt đầu. Hiện nay, các tổ bộ môn của trường đã triển khai đề thi minh họa cho giáo viên, giáo viên triển khai xuống cho học sinh. Trong quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giáo viên sẽ bám theo cấu trúc của đề minh họa để ra đề, giúp học sinh quen dần với cấu trúc đề thi mới.
Chia sẻ về công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT, ông Võ Ngọc Vinh, Phó giám đốc Trung tâm GDNNGDTX huyện Trảng Bom, cho biết khó khăn chung của các trung tâm GDNNGDTX và các trường nghề là thiếu giáo viên cơ hữu, hiện chủ yếu là giáo viên dạy hợp đồng. Bên cạnh đó, phần lớn học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa nên cũng bị hạn chế về mặt thời gian học tập, ôn thi.
Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, trung tâm vẫn đang dạy học theo tiến độ của chương trình. Song song đó, giáo viên vận dụng các tiết chuyên đề để vừa định hướng, vừa ôn tập cho học sinh. Bắt đầu từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trung tâm mới tập trung cho công tác ôn thi.
Ông Võ Ngọc Vinh cho biết: “Nhiệm vụ của tổ bộ môn, giáo viên cơ hữu của trung tâm là nghiên cứu kỹ đề, xây dựng ma trận, xây dựng đề kiểm tra thường xuyên theo cấu trúc của đề thi minh họa để giúp học sinh quen với cách thi mới. Giáo viên thỉnh giảng được phổ biến để thực hiện theo mục tiêu của trung tâm”.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin