Áp dụng dạy học theo hướng tiếp cận giáo dục STEM ở bậc mầm non, trẻ được tự do sáng tạo, khám phá và học thông qua hoạt động chơi. Tiết học vì vậy trở nên nhẹ nhàng hơn, trẻ hứng thú hơn với việc học.
Học sinh lớp Lá 3, Trường mầm non An Bình (thành phố Long Khánh) sử dụng các loại vật liệu khác nhau để khám phá trong giờ học môn Toán. Ảnh: H.Yến |
Dạy học theo hướng tiếp cận giáo dục STEM ở bậc mầm non đã được Sở Giáo dục và đào tạo tập huấn từ năm học 2023-2024, bắt đầu thực hiện ở các trường mầm non từ năm học này.
Học thông qua chơi
Tại lớp Lá 3, Trường mầm non An Bình (thành phố Long Khánh), các góc hoạt động trong lớp được bố trí rất nhiều đồ chơi, nguyên vật liệu. Đây là góc vui chơi, đồng thời là góc học tập yêu thích của trẻ.
Ở góc làm quen với toán học, ngoài các chữ số còn có rất nhiều nguyên vật liệu khác như: que tính, dây kẽm nhung, nắp chai, các loại mô hình rau, củ, quả… Lớp đang làm quen với số 6, tùy theo sở thích riêng, học sinh có thể dùng con số để làm phép cộng trong phạm vi 6 hoặc dùng số lượng các mô hình đồ chơi để biểu thị số 6, có học sinh thì dùng dây kẽm và nắp chai để tự làm thành 6 con cua…
Ở góc làm quen với chữ cái, có em dùng phấn để viết lên bảng chữ cái “e”, có em tìm chữ “e” trong số các chữ cái được cho sẵn, có em dùng kẽm nhung để tự tạo hình chữ “e”…
Từ năm học 2023-2024, giáo viên mầm non đã được tập huấn, trong đó nghe triển khai về định hướng tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong hoạt động giáo dục mẫu giáo; quy trình thiết kế hoạt động giáo dục STEM trong chương trình giáo dục mẫu giáo; khai thác đồ dùng thiết bị giáo dục trong giáo dục STEM cho trẻ mẫu giáo; định hướng đánh giá kết quả hoạt động của trẻ trong giáo dục STEM. |
Đó là cách học theo hướng tiếp cận giáo dục STEM mà cô giáo Nguyễn Thị Ánh Minh áp dụng cho lớp học. Cô Minh cho biết, cô được tham gia tập huấn dạy học theo hướng tiếp cận giáo dục STEM ở bậc mầm non từ năm học trước và đã áp dụng trong dạy học.
Việc áp dụng chủ yếu qua hoạt động tạo hình và khám phá. Theo đó, khi dạy học theo giáo dục STEM, trẻ được tạo hình trên nhiều nguyên vật liệu khác nhau, giúp trải nghiệm nhiều hơn, học tích cực và sáng tạo hơn.
“Trước đây, hoạt động tạo hình chủ yếu là xé và dán giấy, tạo hình với đất sét, còn bây giờ trẻ được sử dụng nhiều nguyên, vật liệu như: các loại hạt, cành cây khô, gỗ, lá, tận dụng vật liệu tái chế… Từ vật liệu này, trẻ sẽ tham gia hoạt động sáng tạo theo nội dung đề tài mà cô giáo yêu cầu” - cô Minh giải thích.
Đối với hoạt động khám phá, cô giáo sẽ thiết kế hoạt động đa dạng hơn, trẻ có thể được tiếp cận trực tiếp với thực tế hoặc thông qua tivi, máy tính… Từ quan sát, trẻ tự nêu ra nhận xét hoặc miêu tả về những gì quan sát được, thảo luận với các bạn…, sau đó cô giáo sẽ là người tổng kết, rút ra bài học.
Giúp trẻ phát triển toàn diện
Ngày 2-10-2023, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số 2860/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt tài liệu Tổ chức hoạt động giáo dục tích hợp theo tiếp cận STEM cho trẻ mẫu giáo. Các cơ sở giáo dục mầm non có thể lựa chọn, sử dụng tài liệu này để tập huấn cho giáo viên tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo.
Giáo dục STEM cho trẻ mẫu giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển toàn diện của trẻ. Hoạt động này giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề; vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn; khả năng làm việc nhóm, hợp tác; giúp trẻ hứng thú và có niềm đam mê với khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Tiếp cận STEM trong giáo dục mầm non có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền tảng khái niệm, kiến thức và kỹ năng cho trẻ em. Việc tiếp cận STEM phù hợp với giáo dục mầm non vì đều có những điểm chung sau: bản chất tích hợp; lấy trẻ làm trung tâm; học qua chơi, qua trải nghiệm và tương tác với vật liệu. |
Từ giáo dục STEM, trẻ mẫu giáo được phát huy năng lực Toán học, có nhiều nhận thức về môi trường, kỹ năng sống, tăng thêm khả năng cạnh tranh toàn cầu. Những hoạt động ứng dụng STEM tạo môi trường cho các trẻ nhỏ và cả giáo viên được trải nghiệm nhiều kỹ năng, được suy nghĩ, được tư duy, được phép làm thử và được phép sai… Từ đó sẽ cho mỗi người phát huy năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp.
Ở trường mầm non có 3 hoạt động chính: hoạt động học, hoạt động chơi, hoạt động lao động. Loại hình hoạt động nào cũng có thể tích hợp giáo dục STEM. Nếu giáo viên xác định được thành tố STEM nào là chính, thành tố nào có thể tích hợp được vào hoạt động thì có thể thiết kế và tổ chức được hoạt động tích hợp STEM một cách dễ dàng.
Theo cô Minh, khi mới tiếp cận dạy học STEM, việc thiết kế bài dạy có phần khó khăn vì còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, khi đã thực sự quen với dạy học STEM thì bản thân cô thấy việc soạn giảng nhẹ nhàng hơn, giáo án ngắn gọn hơn chứ không dài dòng như trước, vì chủ yếu hướng vào hoạt động của học sinh.
Cô Minh cho hay: “Khi tổ chức theo hướng tiếp cận STEM, tôi thấy tiết học nhẹ nhàng hơn. Tiết học lấy trẻ làm trung tâm, trẻ vừa học, vừa chơi, được tự khám phá, tự sáng tạo nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn, phát triển trí tưởng tượng và hứng thú hơn”.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin