Báo Đồng Nai điện tử
En

Để học sinh sử dụng điện thoại có ích

Thành Nam
08:24, 15/11/2024

Trong thời đại số, ngành giáo dục đang tích cực chuyển đổi số trong trường học, thế nhưng việc đưa ra quy định cấm, hoặc hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong lớp nghe có vẻ “nghịch lý”.

Học sinh Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn - Tân Mai (thành phố Biên Hòa) sử dụng điện thoại ghi lại các tư liệu trong một chuyến tham quan phục vụ học tập môn Lịch sử. Ảnh: Lê Ngân
Học sinh Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn - Tân Mai (thành phố Biên Hòa) sử dụng điện thoại ghi lại các tư liệu trong một chuyến tham quan phục vụ học tập môn Lịch sử. Ảnh: Lê Ngân

Câu chuyện được nhiều trường đặt ra là làm thế nào để học sinh có ý thức khai thác chiếc điện thoại đúng cách mà không ảnh hưởng đến quá trình học tập.

Không cẩn trọng, hậu quả lâu dài

Trong Lễ Khai giảng năm học mới 2024-2025 của Trường phổ thông Năng khiếu (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), người đứng đầu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là PGS-TS Vũ Hải Quân đã có bài chia sẻ rất được chú ý, trong đó có nội dung mong muốn “Trường phổ thông Năng khiếu phải là nơi không có điện thoại di động trong lớp học”.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân: “Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành “tù binh” của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi xanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em. Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những công việc phi thường”.

Còn trong một buổi hội thảo khoa học về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với học đường được Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS-TS Trần Thành Nam từng chia sẻ, phụ huynh phải là người chủ động bảo vệ con mình khi giao cho con chiếc điện thoại thông minh. Bởi, chiếc điện thoại thông minh trong “đại dương số” mênh mông có vô số nguy hiểm rình rập, trong khi các em không được trang bị “chiếc áo pháo” để đề phòng trước những cám dỗ, mê hoặc. Nếu các em đến trường với chiếc điện thoại thông minh luôn trong tay thì không thể nào tập trung cho học tập một cách chỉn chu được.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) Kiều Mạnh Hà thì cho rằng, trong môi trường giáo dục số hiện nay, học sinh cần có những thiết bị kết nối nhưng không nhất thiết phải luôn mang trong mình chiếc điện thoại để tránh việc mất tập trung. Bởi thực tế, không phải lúc nào và học môn gì cũng phải cần đến điện thoại để truy cập. Nếu cần, các em có thể đến thư viện với hệ thống máy tính để bàn luôn mở, hoặc các em cũng có thể nhờ máy tính của giáo viên để truy cập. Phải hết sức đề phòng những hậu quả mà học sinh phải gánh chịu từ chiếc điện thoại không được sử dụng vào đúng mục đích học tập, coi đây là hành động bảo vệ các em từ xa.

Định hướng cho học sinh

Theo hiệu trưởng nhiều trường phổ thông, với việc sở hữu điện thoại thông minh ngày càng dễ dàng đã tạo điều kiện cho học sinh dấn sâu vào mạng xã hội và giải trí. Từ thực thế này đã khiến không ít học sinh bị ảnh hưởng trong quá trình học tập, thậm chí có học sinh sa sút về học tập lẫn tinh thần. Trách nhiệm trong việc tạo điều kiện cho con mình sở hữu thiết bị thông minh và quản lý con sử dụng như thế nào trước hết thuộc về gia đình. Còn nhà trường chỉ góp phần vào việc định hướng cho các em nên và không nên sử dụng thiết bị thông minh này trong từng trường hợp cụ thể.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tam Phước 3 (thành phố Biên Hòa) Phạm Thị Nam cho rằng: “Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020 ngày 15-9-2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo không cấm học sinh mang điện thoại đến trường, mà ghi rất rõ “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Do đó, bà Phạm Thị Nam cho rằng: “Nếu cấm tuyệt đối sử dụng điện thoại trong lớp lại không thật phù hợp. Vì vậy, cần trang bị cho các em ý thức chấp hành và giờ giấc rõ ràng khi nào được dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập. Việc này cần được thông báo trước với phụ huynh để cùng nhau phối hợp tạo điều kiện cho học sinh. Bên cạnh đó, cần quy định rõ những hành vi vi phạm để xử lý với học sinh nếu các em được tạo điều kiện mang điện thoại vào lớp nhưng có vi phạm khi sử dụng.

Thành Nam


Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Võ Ngọc Thạch:

Gia đình phải kiểm soát thay vì thoái thác hoàn toàn cho nhà trường

Việc cùng nhau phối hợp định hướng, giáo dục cho học sinh ý thức sử dụng điện thoại thông minh trong trường học là việc mà một mình nhà trường làm sẽ rất khó. Do đó, cần sự chung tay từ phụ huynh trong việc trang bị thiết bị thông minh cho con thì phải luôn đi kèm với nhắc nhở ý thức dùng thiết bị này sao cho hợp lý. Nếu không kiểm soát tốt, đồng thời xây dựng ý thức sử dụng thiết bị thông minh đúng nơi, đúng thời điểm thì hệ quả để lại cho các em trong học tập và sức khỏe tinh thần là rất lớn.

Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh):

Hình thành thói quen lành mạnh khi sử dụng thiết bị thông minh

Chiếc điện thoại thông minh đã trở thành thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống. Vì vậy, cần hình thành thói quen lành mạnh khi sử dụng thiết bị thông minh cho học sinh. Cần giúp các em hiểu được tác hại nếu chỉ tập trung vào chiếc điện thoại mà không phục vụ cho việc học hành sẽ để lại hậu quả ra sao. Cha mẹ cần quy ước sẵn với con, từ đó con hình thành thói quen sử dụng điện thoại đúng và hiệu quả hơn. 

Anh Huỳnh Bảo Quốc, phụ huynh có con học tại Trường trung học cơ sở Bình Sơn (huyện Long Thành):

Ủng hộ việc cấm học sinh dùng điện thoại trong trường

Con tôi rất mê chơi game online, ngay cả ở nhà khi đã “cắt” sóng Wi-Fi thì con vẫn dùng ké của hàng xóm để chơi. Dù được cha mẹ kiểm soát khá chặt chẽ trong việc dùng điện thoại nhưng con vẫn không kiềm chế được “đam mê”. Vì vậy, nếu ở trường không kiểm soát được nữa thì chuyện học của con chẳng biết sẽ ra sao. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học để tập trung học hành.

Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều