Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục - đào tạo có vị trí xứng tầm

Công Nghĩa
07:20, 26/09/2024

Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã được xác định có vị trí quan trọng với những bước đầu tư cụ thể.

Đoàn công tác của Chính phủ Đức tham quan mô hình đào tạo của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Đoàn công tác của Chính phủ Đức tham quan mô hình đào tạo của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: THANH PHÚC

Phó giám đốc Sở GDĐT Đỗ Đăng Bảo Linh chia sẻ: “Những năm qua ngành GDĐT đã được đầu tư mạng lưới trường lớp từ mầm non đến đại học khá hoàn chỉnh. Hiệu quả mang lại là đã đáp ứng được nhu cầu học tập cơ bản của đông đảo người dân, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh”.

Nâng tầm giáo dục Đồng Nai

Hiện Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có quy mô ngành GDĐT lớn thuộc tốp đầu cả nước với trên 920 trường từ mầm non đến phổ thông. Trong số đó, có 376 trường mầm non, 288 trường tiểu học, 181 trường trung học cơ sở và 77 trường trung học phổ thông. Chỉ tính riêng giáo viên và học sinh ở bậc học mầm non và phổ thông đã lên đến trên 33 ngàn giáo viên và trên 73 ngàn học sinh.

Không chỉ phát triển bậc học mầm non và phổ thông, Đồng Nai còn là một trong những địa phương phát triển mạnh hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, đứng thứ 2 ở vùng Đông Nam Bộ (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó có 5 trường đại học, 1 phân hiệu trường đại học, 9 trường cao đẳng. Bên cạnh đó, còn có 1 trường đại học thuộc Bộ Quốc phòng, 1 trường cao đẳng của Bộ Công an đứng chân trên địa bàn.

Đồng Nai sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục hiện đại

Trong định hướng của tỉnh, Đồng Nai sẽ có thêm một loạt cơ sở giáo dục mới, trong đó có Phân hiệu Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (tại huyện Long Thành), Phân hiệu Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (tại thành phố Biên Hòa), các khu đô thị GDĐT tại huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh.

Với dân số đông, nhu cầu về trường lớp rất lớn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách hàng năm cho giáo dục lại có hạn, do đó những năm qua Đồng Nai đã có sự chủ động và linh hoạt thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục ở tất cả các cấp học.

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, toàn tỉnh hiện có 188/922 trường từ mầm non đến trung học phổ thông được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (chiếm 20,6% tổng số cơ sở giáo dục toàn tỉnh). Việc thu hút xã hội hóa giáo dục chẳng những tạo ra sự đa dạng lựa chọn môi trường học tập cho phụ huynh và học sinh, mà còn giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách.

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, mạng lưới trường học ngoài công lập của tỉnh đang đáp ứng chỗ học cho 145 ngàn học sinh các cấp học từ mầm non đến phổ thông (chiếm khoảng 19% số học sinh toàn tỉnh). Ngoài ra, còn có trên 7 ngàn  giáo viên làm việc trong hệ thống trường ngoài công lập. Nếu không có hệ thống trường ngoài công lập “gánh đỡ” thì ngân sách sẽ vô cùng khó khăn.

Tại Hội nghị Phát triển GDĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Bộ GDĐT tổ chức vào tháng 4 năm 2023), Đồng Nai đã được Bộ GDĐT đánh giá là một trong những địa phương đi sớm và đi đầu cả nước về xã hội hóa giáo dục. Tỷ lệ trường, lớp được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa ở Đồng Nai cao hơn 15% so với mức độ xã hội hóa bình quân chung của cả nước. Không chỉ thực hiện tốt việc thu hút xã hội hóa hệ thống trường mầm non và phổ thông, tỉnh còn thu hút đầu tư được nhiều trường đại học tư thục, các trường phổ thông chất lượng cao hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Kỳ vọng diện mạo mới

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, trong quá trình đóng góp ý kiến xây dựng Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lĩnh vực GDĐT đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Sở GDĐT cùng các sở, ngành, địa phương đã có đánh giá đúng thực tế sự phát triển giáo dục của tỉnh trong những năm qua, đề xuất nhu cầu đầu tư cho những năm sắp tới và cả tầm nhìn dài hạn. Đây là điều rất quan trọng bởi GDĐT quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.

Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3-7-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phương hướng phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, với lĩnh vực này cần ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp các cấp theo hướng hiện đại, giáo dục số, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản cho mọi đối tượng.

Cùng với đó là chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học. Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng ở các cấp học và bậc học. Phương hướng phát triển trong giai đoạn mới có tính kế thừa những bài học kinh nghiệm và hướng đến những mục tiêu cao hơn vì người dân và sự phát triển bền vững.

Qua nghiên cứu nội dung quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, bày tỏ phấn khởi khi Chính phủ đã ủng hộ tỉnh về chiến lược đưa Đồng Nai trở thành trung tâm GDĐT, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực có kỹ năng cho phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) Nguyễn Khánh Cường cho rằng, những hướng đi tiếp tục nâng tầm giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trong quy hoạch tỉnh không chỉ tạo ra động lực, mà còn chỉ ra những phương hướng rất cụ thể cho các trường yên tâm đầu tư và phát triển. Đơn cử là những “từ khóa” như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Hay xây dựng, triển khai các mô hình đào tạo theo chuỗi, gắn kết với các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn…

Công Nghĩa

Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên:

Quyết liệt xử lý tình trạng quá tải, đồng thời hiện đại hóa trường lớp

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thể hiện tầm nhìn toàn diện, trong đó có giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Địa phương sẽ căn cứ vào định hướng của tỉnh để tiếp tục giải quyết đồng bộ những vấn đề đang đặt ra, đó là giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải trường lớp ở gần các khu công nghiệp, tiếp tục đầu tư nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia. Với những trường đã đạt rồi thì phải tiếp tục đầu tư hiện đại hơn nữa để đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học.

Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai:

Tôi thấy nhiệm vụ của mình trong quy hoạch của tỉnh

Tôi nhận thấy có 2 vấn đề lớn trong quy hoạch tỉnh về giáo dục rất phù hợp với tình hình hiện nay. Thứ nhất là tỉnh tiếp tục quan tâm khuyến khích phát triển xã hội hóa giáo dục nhưng yêu cầu đưa ra là cao hơn. Thứ hai là hướng đi cho các cơ sở giáo dục đại học là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và ứng dụng, liên kết với doanh nghiệp. Nghiên cứu Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, tôi thấy được nhiệm vụ của mình trong đó cần phải làm gì để chung sức và đóng góp cho tỉnh ở giai đoạn mới. 

Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Lê Thị Nam Nhạn:

Người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau

Trong Quy hoạch tỉnh, ở giai đoạn mới, tôi thấy tỉnh đã rất sâu sắc khi vạch ra cho ngành những phương hướng, giải pháp, cách làm cụ thể và chi tiết. Dù số học sinh khuyết tật của tỉnh chiếm tỷ lệ không lớn nhưng điều đáng mừng là tỉnh đã rất quan tâm đến phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người khuyết tật.

Tin xem nhiều