Phó giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng. |
Số ca mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây cho thấy nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Đồng Nai rất lớn.
Phó giám đốc Sở Y tế LƯU VĂN DŨNG cho biết, để ngăn ngừa dịch bệnh sởi bùng phát, giảm số ca mắc bệnh sởi, trong quý III và quý IV-2024, ngành y tế sẽ triển khai Chiến dịch Tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi với quy mô toàn tỉnh.
Đồng Nai có nguy cơ bệnh sởi rất cao
Nguy cơ dịch bệnh sởi trên địa bàn Đồng Nai đến nay như thế nào, thưa ông?
- Hồi tháng 6-2024, dựa vào bộ công cụ đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỉnh Đồng Nai được đánh giá nguy cơ dịch bệnh sởi rất cao. Trong đó có 3 địa phương ở nguy cơ rất cao là Xuân Lộc, Tân Phú và Nhơn Trạch; 4 địa phương có nguy cơ cao là Biên Hòa, Long Thành, Vĩnh Cửu, Định Quán. Huyện Trảng Bom được xếp đồng nên trong năm 2024, số người mắc bệnh sởi liên tục gia tăng tại Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung.
Tuy nhiên, đến nay cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh đều ghi nhận số ca mắc bệnh sởi tăng cao. Do vậy, trừ huyện Trảng Bom được đánh giá nguy cơ cao, còn lại 10 huyện, thành phố đều được đánh giá nguy cơ bệnh sởi rất cao. Thực tế ghi nhận tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ đầu tháng 8-2024, số ca bệnh sởi liên tục tăng cao.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến hết ngày 19-9, tổng số ca bệnh sởi được ghi nhận trong toàn tỉnh là 235 ca, tăng 234 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Địa phương có số ca mắc sởi cao nhất là thành phố Biên Hòa với 83 ca. Tiếp đó là huyện Trảng Bom với 40 ca. Thành phố Long Khánh có số ca mắc sởi thấp nhất với 4 ca.
Nguyên nhân nào khiến cho số ca bệnh sởi tăng nhanh trong thời gian gần đây?
Phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ tại Trung tâm Y tế huyện Long Thành. Ảnh: H.DUNG |
- Nguyên nhân chính dẫn đến số ca bệnh sởi tăng là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người không thể đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi đúng lịch, đủ liều. Tình trạng thiếu hụt vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2023 cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine của trẻ, trong đó có vaccine sởi. Chính “lỗ hổng” tiêm chủng ảnh hưởng trực tiếp đến miễn dịch cộng đồng nên trong năm 2024, số người mắc bệnh sởi liên tục gia tăng tại Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mắc bệnh sởi là trẻ 4,5 tháng tuổi, lớn nhất là 14 tuổi, tập trung nhiều nhất là trẻ từ 1-10 tuổi, nhất là đối tượng dưới 5 tuổi.
Ngoài khuyến khích người dân đi tiêm vaccine sởi dịch vụ, ngành y tế sẽ làm gì, thưa ông?
- Thực hiện kế hoạch triển khai Chiến dịch Tiêm vaccine sởi của Bộ Y tế, trong quý III, IV-2024, ngành y tế Đồng Nai sẽ triển khai Chiến dịch Tiêm vaccine sởi trên địa bàn toàn tỉnh.
Mới đây, WHO đã cấp cho Đồng Nai 113 ngàn liều vaccine phòng bệnh sởi. Số vaccine này sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phân bổ cho các địa phương để triển khai chiến dịch tiêm chủng. Trong tuần này, ngành y tế tổ chức hội nghị tập huấn để phổ biến đến tất cả các cơ sở y tế tham gia chiến dịch nắm rõ những nội dung liên quan nhằm triển khai đạt hiệu quả cao nhất.
Đảm bảo an toàn, không bỏ sót đối tượng
Đối tượng được tiêm vaccine phòng sởi trong chiến dịch lần này là ai?
- Đối tượng sẽ được tiêm vaccine sởi trong chiến dịch lần này là trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng có nguy cơ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vaccine sởi (số liệu thống kê của các địa phương là hơn 81,4 ngàn trẻ), ưu tiên tiêm cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi (hơn 29,8 ngàn trẻ).
Ngoài ra, sẽ tiêm vaccine cho hơn 2 ngàn nhân viên y tế có nguy cơ mắc bệnh sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và điều trị bệnh nhân mắc sởi mà chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
Mục tiêu mà chiến dịch hướng tới là sẽ có 95% số trẻ và 95% nhân viên y tế chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định ở vùng nguy cơ, vùng đang có ca bệnh sởi xảy ra, nơi khám, điều trị bệnh sởi được tiêm 1 mũi vaccine sởi - rubella. Việc tiêm chủng này hoàn toàn miễn phí.
Làm gì để không bỏ sót đối tượng thuộc diện tiêm vaccine, thưa ông?
- Ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo để lập danh sách toàn bộ trẻ theo từng lớp học, độ tuổi, kết hợp thu thập tiền sử tiêm chủng vaccine có thành phần sởi của trẻ. Ngoài ra, sẽ đặc biệt chú trọng thống kê, lập danh sách trẻ ở những vùng khó khăn trong quản lý đối tượng như: khu công nghiệp, khu nhà trọ, nông trường, cơ sở nuôi dạy trẻ, ở vùng sâu, vùng xa. Những trẻ trong độ tuổi mà không đi học cũng sẽ được thống kê. Riêng với đối tượng là nhân viên y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm lập danh sách và tiền sử của những nhân viên y tế có nguy cơ.
Virus sởi có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng. Sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể; có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài, thậm chí là suốt đời như: viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…
Để vaccine đảm bảo chất lượng, ngành y tế sẽ triển khai phân bổ vaccine như thế nào?
- Vaccine sởi - rubella được dùng trong Chiến dịch Tiêm vaccine sởi lần này do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế sản xuất và WHO viện trợ. Việc tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vaccine tại các tuyến phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận và bảo quản vaccine tại kho của tỉnh, thực hiện cấp phát vaccine cho trung tâm y tế các huyện, thành phố ít nhất từ 3 ngày trước khi tổ chức tiêm chủng. Trung tâm y tế các huyện, thành phố tiếp nhận vaccine từ kho của tỉnh về kho của huyện, thành phố để bảo quản và cấp phát cho trạm y tế các xã 1 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm chủng. Tuyến xã tiếp nhận vaccine và bảo quản, vận chuyển vaccine cho các điểm tiêm chủng.
Thưa ông, người dân cần đưa trẻ đến đâu để được tiêm vaccine sởi theo chiến dịch. Và ngành y tế đã có những chuẩn bị gì để đảm bảo chiến dịch tiêm sởi được diễn ra an toàn, hiệu quả?
- Ngành y tế sẽ tổ chức Chiến dịch Tiêm chủng vaccine đồng loạt tại các trạm y tế, trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc các cơ sở y tế trong một hoặc nhiều đợt theo cụm xã/ấp, tùy vào điều kiện của từng địa phương. Sau đó, sẽ thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót hoặc hoãn tiêm ngay cuối mỗi đợt hoặc trong buổi tiêm chủng thường xuyên gần nhất.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai. Ảnh: HẠNH DUNG |
Cụ thể, tại điểm tiêm ở trạm y tế sẽ bố trí các bàn tiếp nhận, bàn khám, hướng dẫn, bàn tiêm, ghi chép và theo dõi sau tiêm đảm bảo tính một chiều. Với những địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, các điểm tiêm chủng sẽ được đặt tại các trường học. Toàn bộ quy trình tiêm chủng phải đảm bảo an toàn, đúng quy định.
Trung tâm y tế các huyện, thành phố bố trí nhân lực tại chỗ, thành lập các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn để xử lý kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm nếu có. Các bệnh viện và các trung tâm y tế 2 chức năng trong tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ tổ chức điểm tiếp nhận, xử trí các trường hợp có phản ứng sau tiêm vaccine, đảm bảo các trường hợp này được xử trí cấp cứu và theo dõi theo đúng quy định.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin