Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô gái Khmer hiếu học

An Nhơn - Minh Anh
08:59, 13/09/2024

Dù gia đình nghèo, cuộc sống không được “thuận buồm, xuôi gió” nhưng chị Danh Thị Phước Hiếu (33 tuổi, người dân tộc Khmer, ngụ khu phố Suối Tre, phường Suối Tre, thành phố Long Khánh) vẫn nỗ lực vượt khó, quyết tâm theo đuổi con đường tri thức.

Chị Danh Thị Phước Hiếu vinh dự được địa phương đề cử tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Long Khánh lần thứ IV-2024. Ảnh: CTV

Đến nay, chị Hiếu đã có bằng thạc sĩ và đang công tác tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Không khuất phục trước khó khăn

Chị Hiếu là con út trong gia đình có 2 chị em. Vì nhiều lý do, cha mẹ chị không sống chung. Cha của chị có cuộc sống mới. Một mình mẹ chị phải vất vả làm thuê, làm mướn nuôi 2 con ăn học.

Lúc bấy giờ, mẹ chị Hiếu đã mượn 3 chỉ vàng của hàng xóm để mua một mảnh đất tại phường Suối Tre rồi dựng lên căn chòi nhỏ, tạm bợ để cho mẹ con có chỗ che nắng, che mưa. Mẹ chị Hiếu hàng ngày gồng gánh làm đủ mọi việc, ai thuê gì làm nấy, từ làm vườn rẫy cho đến lao công trong các công ty, trường học.

“Mẹ không ngại khó khăn, gian khổ mà luôn nỗ lực làm việc kiếm tiền để trả nợ và lo cho chúng tôi. Thấy mẹ hàng ngày làm việc lam lũ, tôi rất thương mẹ và bản thân luôn nỗ lực làm mọi thứ để cho mẹ vui, đặc biệt là việc học tập luôn đạt loại giỏi, xuất sắc…” - chị Hiếu cho biết.

Sau khi chị Hiếu tốt nghiệp trung học phổ thông, tai họa đã ập đến với gia đình chị. Mẹ của chị trên đường đi làm trở về nhà chẳng may bị tai nạn giao thông và qua đời. Sự việc xảy ra bất ngờ đã khiến chị Hiếu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, chị may mắn được người chị ruột của mẹ cưu mang, giúp đỡ.

Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh ĐẶNG THANH HIẾU cho biết, vừa qua, chị Danh Thị Phước Hiếu vinh dự được địa phương đề cử tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Long Khánh lần thứ IV-2024. Đây là một trong những gương điển hình về sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống. Mong rằng, con em đồng bào dân tộc thiểu số xem đây là tấm gương để nỗ lực học tập và vươn lên trong cuộc sống.

“Bác ở chung với bà ngoại và không có chồng, con. Từ khi mẹ mất, tôi đã về ở chung với bác và bà ngoại cho đến nay đã hơn 10 năm. Bác và bà là điểm tựa vững chắc về mặt tinh thần cho tôi trong thời gian qua” - chị Hiếu chia sẻ.

Để tiếp tục theo đuổi con đường tri thức, chị Hiếu đã chọn đăng ký xin các suất học bổng toàn phần của các trường đại học trên thế giới. Cách chọn này vừa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, vừa giúp chị có cơ hội xin việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống sau này.

Năm 2012, chị Hiếu được nhận suất học bổng toàn phần của Trường đại học Hoàng gia Phnôm Pênh (Campuchia) về chuyên ngành văn học Khmer. “Mặc dù tôi là người dân tộc Khmer nhưng từ nhỏ đến lớn không biết nói tiếng “mẹ đẻ”. Do đó, tôi đã dành ra một năm học tiếng Khmer, rồi sau đó tập trung vào học các môn chuyên ngành. Song song đó, tôi còn đăng ký học văn bằng 2 tiếng Anh nhằm giúp cho công việc sau này được thuận lợi hơn” - chị Hiếu bộc bạch.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành văn học Khmer Trường đại học Hoàng gia Phnôm Pênh, chị Hiếu trở về nước và xin dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Thành phố Hồ Chí Minh để có kinh nghiệm. Trong thời gian làm việc tại đây, chị Hiếu nhận thấy xã hội ngày càng phát triển thì chị cũng phải học cao hơn nữa để giúp cho công việc thuận lợi hơn. Từ đó, chị quyết định làm hồ sơ xin suất học bổng toàn phần để học thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Trường đại học Corvinus Budapest (Hungary) từ năm 2018.

Năm 2020, chị Hiếu trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ và được nhận vào làm việc tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc hàng ngày của chị là giảng viên môn tiếng Anh, đồng thời kiêm nhiệm một số công việc về hợp tác quốc tế. Để có thêm thu nhập, chị còn nhận làm thỉnh giảng môn tiếng Anh ở Trường đại học Bách khoa (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 2021 cho đến nay.

“Khi công việc ngày càng nhiều, áp lực ngày càng cao, tôi quyết định nghỉ việc ở Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam để tập trung làm việc tại Trường đại học Bách khoa. Hiện công việc cơ bản ổn định, mức thu nhập đảm bảo cho tôi tự lo bản thân và phụ giúp gia đình” - chị Hiếu chia sẻ.

Mơ ước mở lớp dạy tiếng Anh và chữ Khmer miễn phí cho trẻ em

Chị Hiếu cho biết, để nhận được các suất học bổng toàn phần, chị phải nỗ lực đạt các tiêu chí của nhà trường đặt ra như: năng lực học tập; sự nỗ lực, phấn đấu; định hướng nghề nghiệp… Nhà trường sẽ xét năng lực học tập từ bảng điểm (bảng điểm trung học phổ thông để xét học bằng cử nhân và bảng điểm đại học để xét học bằng thạc sĩ); xét sự nỗ lực, phấn đấu (về các mặt: học tập, phẩm chất đạo đức, tham gia sinh hoạt cộng đồng…) từ thư giới thiệu của thầy cô, đồng nghiệp hoặc lãnh đạo cấp trên. Còn về định hướng nghề nghiệp, nhà trường sẽ xét trong nội dung bài luận do chính người đăng ký xin học bổng thực hiện...

Khi đã được nhận học bổng toàn phần, du học sinh không mất bất kỳ khoản kinh phí nào, vì các khoản chi phí ăn, ở, sinh hoạt, học tập đều được học bổng lo tất cả.

Chị Danh Thị Phước Hiếu (trái) tham gia tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại một trường học ở Campuchia. Ảnh: NVCC

“Trong thời gian du học, tôi không những nỗ lực trong học tập mà còn tranh thủ thời gian rảnh để đi dạy tiếng Việt, tiếng Anh cho người nước ngoài. Nhờ đó, tôi đã dành dụm được một khoản tiền để gửi về phụ giúp gia đình, người thân” - chị Hiếu tâm sự.

Khi đề cập về định hướng tương lai, chị Hiếu cho hay, chị đang tìm cách thực hiện điều đã ấp ủ từ nhiều năm là tiếp tục theo đuổi con đường học tập để lấy bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, chi phí cho việc học để có bằng tiến sĩ quá cao nên chị muốn xin suất học bổng để có thể “biến” ước mơ thành hiện thực.

Bên cạnh đó, mục tiêu và ước mơ lớn nhất của chị Hiếu là muốn cống hiến, phục vụ đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. Để thực hiện điều này, chị mong muốn xây dựng một ngôi trường tại thành phố Long khánh để dạy tiếng Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ dừng lại đó, ngôi trường còn thực hiện chức năng đào tạo và giảng dạy tiếng Anh chất lượng (biết đọc, viết, giao tiếp tốt) cho con em các đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa phương nhằm giúp các em có đầy đủ hành trang chuẩn bị cho tương lai tươi sáng hơn. Đặc biệt, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn giảm học phí.

Ngoài đạt được nhiều thành tích trong học tập, chị Danh Thị Phước Hiếu còn tích cực tham gia nhiều chương trình thiện nguyện. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, chị đã tình nguyện tham gia vào đội hậu cần của phường Phú Hữu (quận 9, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Công việc hàng ngày của chị là sắp xếp rau, củ, quả rồi đưa đi phân phát tại các đơn vị chốt trực phòng, chống dịch hay các khu phố đang thực hiện cách ly… Việc làm “vì mọi người” của chị đã được chính quyền địa phương ghi nhận và khen thưởng kịp thời.

An Nhơn - Minh Anh

Tin xem nhiều