Mới đây, Trường đại học Đồng Nai đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đào tạo năm 2024. Trong đó, rất nhiều ngành sư phạm tiếp tục vắng bóng ở các mã ngành tuyển sinh đào tạo của trường.
Hàng năm, Đồng Nai đều có lượng học sinh tăng đáng kể, do đó cần có nguồn giáo viên kịp thời cho công tác dạy và học. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Hà Huy Giáp (thành phố Biên Hòa) trong giờ dạy. Ảnh:Công Nghĩa |
Trong khi Trường đại học Đồng Nai dừng đào tạo ở nhiều ngành thì ở nhiều cơ sở giáo dục của tỉnh lại đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên, nhất là với các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Tin học.
Nhiều ngành dừng đào tạo
Trường đại học Đồng Nai được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai trước đây với thế mạnh của trường là đào tạo các ngành sư phạm. Từ khi được nâng cấp lên thành trường đại học, trường không chỉ đào tạo các ngành sư phạm mà đã mở rộng theo hướng đào tạo đa ngành. Thế nhưng quy mô các ngành đào tạo của Trường đại học Đồng Nai lại đang có xu hướng bị thu hẹp dần.
Trong đó, nhiều mã ngành sư phạm có từ trước đây như: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục thể chất, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc…đã dừng tuyển sinh. Ngay cả những ngành ngoài sư phạm được mở sau khi trường nâng cấp lên đại học, một vài năm trở lại đây cũng không còn xuất hiện trong danh sách tuyển sinh. Chẳng hạn như các ngành: khoa học kỹ thuật môi trường, quản lý đất đai, quản trị văn phòng, kế toán.
Trong Văn bản số 4010/UBND-KGVX gửi Bộ Giáo dục và đào tạo ngày 22-4-2022 về rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo năm 2022 và đề xuất các chỉ tiêu từ năm 2023 đến 2025, tỉnh Đồng Nai cần gần 5,7 ngàn giáo viên ở các môn học.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, nhiều năm nay thành phố không thể tuyển đủ giáo viên các môn mỹ thuật, âm nhạc, tin học, giáo dục thể chất dù thành phố đã chủ động đi tìm nguồn tuyển thay vì để các trường ngồi chờ ứng viên đến nộp hồ sơ. Thế nhưng khi đến các trường đào tạo ngành sư phạm, trong đó có Trường đại học Đồng Nai thì trường lại không đào tạo các ngành mà thành phố đang cần tuyển. Đây thực sự là bài toán khó cho địa phương trong quá trình tuyển dụng đủ giáo viên các bộ môn đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.
Còn nhiều bất cập trong đào tạo các ngành sư phạm
Lý giải vì sao nhiều mã ngành đào tạo sư phạm đang bị thu hẹp, tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho biết các ngành sư phạm vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý do nhu cầu đào tạo của tỉnh đăng ký với Bộ Giáo dục và đào tạo số lượng sinh viên hàng năm không nhiều, vì vậy trường không đủ chỉ tiêu để mở lớp. Thay vào đó, một số trường đại học sư phạm khác có thể giúp tỉnh làm việc này.
Còn với các ngành sư phạm như: mỹ thuật, âm nhạc, tin học, giáo dục thể chất nhiều năm trước đây trường có đào tạo nhưng chỉ ở trình độ cao đẳng, không phải trình độ đại học. Hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo quy định các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng nữa nên trường không còn đào tạo những ngành này.
Tiến sĩ Lê Anh Đức cho hay, ngay cả khi tỉnh có nhu cầu đào tạo trình độ đại học sư phạm ở các ngành mỹ thuật, âm nhạc, tin học, giáo dục thể chất đi nữa thì trường cũng không đủ năng lực. Lý do là trường không có giảng viên, nhất là đội ngũ quản lý phải đảm bảo được trình độ tiến sĩ trở lên ở những mã ngành đào tạo này, mà tiến sĩ ở ngành mỹ thuật, âm nhạc, tin học, giáo dục thể chất khá hiếm, ngay các trường đại học sư phạm lớn cũng khó tìm.
Bên cạnh đó, việc tuyển sinh đào tạo một số ngành sư phạm tỉnh đang thiếu giáo viên như: mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất cũng không hề dễ dàng với nhà trường. Lý giải rõ hơn, tiến sĩ Lê Anh Đức cho hay, đặc thù tuyển sinh với các mã ngành sư phạm là chỉ tuyển sinh những thí sinh có năng khiếu, trong khi đó không phải thí sinh nào cũng có năng khiếu. Hơn nữa, một số năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và đào tạo đã quy định rõ, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm phải có học lực giỏi nên càng khó tuyển sinh hơn với những mã ngành đặc thù này.
Từ những bất cập trong công tác tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm hiện nay, cần có những giải pháp căn cơ hơn, không chỉ với những môn như: mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học mà với nhiều môn học khác đang tạm dừng tuyển sinh. Bởi nếu tạm dừng đào tạo quá lâu, khi cần sẽ không có nguồn giáo viên bổ sung cho công tác tuyển dụng.
Bên cạnh đó, cần tiếp rà soát lại nhu cầu đào tạo giáo viên sử dụng trong những năm tới không chỉ ở hệ thống cơ sở giáo dục công lập mà còn cả ở các cơ sở giáo dục tư thục hiện chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số giáo viên của tỉnh. Việc đồng bộ trong tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng giáo viên còn giúp tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của tỉnh cho Trường đại học Đồng Nai, trường có vai trò chính trong đào tạo và cung cấp nhân lực giáo viên cho tỉnh.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin