Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo công bằng giữa các phương thức xét tuyển đại học

Minh Ngọc
06:00, 12/08/2024

Thực hiện Luật Giáo dục đại học, từ năm học 2019-2020 đến nay, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Tùy theo chỉ tiêu được phân bố, các trường có quyền quyết định các phương thức tuyển sinh sao cho phù hợp để tuyển đủ thí sinh nhập học.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đang tồn tại, trong đó phổ biến nhất là xét tuyển bằng học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Bên cạnh những phương thức xét tuyển đơn giản, dễ thực hiện, phản ánh đúng thực lực của thí sinh, thời gian qua cũng ghi nhận những phương thức xét tuyển khá phức tạp, rối rắm. Trong đó có những phương thức cộng dồn khá nhiều các tiêu chí phụ dẫn đến có khả năng mất công bằng, cơ hội đối với những thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác.

Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển đại học đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, dễ thấy nhất là việc học sinh sau khi trúng tuyển sớm đã không còn mặn mà với việc học, chỉ học cho lấy lệ, miễn đủ điểm đậu tốt nghiệp THPT. Việc các trường xét tuyển bằng học bạ, không tính điểm số học kỳ 2 năm lớp 12 là thiếu thực tế, bởi đây mới là học kỳ phản ánh nỗ lực của thí sinh trong chặng cuối ôn tập nước rút. Hơn nữa, kiến thức thi tốt nghiệp THPT nằm nhiều ở học kỳ này, vì thế nếu không tính kết quả học tập học kỳ 2, học bạ dù “đẹp” nhưng chưa phản ánh hết chất lượng thí sinh.

Thực tế, không phải đến thời điểm này mới có nhiều ý kiến cho rằng cần có sự rà soát, đánh giá lại các phương thức xét tuyển đại học, nhất là các phương thức xét tuyển sớm. Trước đó, các chuyên gia giáo dục đã bày tỏ băn khoăn khi ngày càng nhiều trường đại học “tung” chiêu “hút” thí sinh bằng các phương thức xét tuyển “không giống ai”. Từ xét học bạ, điểm tổ hợp đến cộng dồn những tiêu chí phụ như chứng chỉ ngoại ngữ để mở rộng cơ hội trúng tuyển sớm cho thí sinh. Giữa các phương thức xét tuyển cũng có sự chênh lệch khá lớn, vì thế sẽ gây thiệt thòi cho những thí sinh xét tuyển bằng phương thức truyền thống như điểm thi tốt nghiệp THPT.

Cuộc cạnh tranh thí sinh trở nên gay gắt, có trường hợp không nằm ở chất lượng thí sinh mà lại ở việc thí sinh nào lựa chọn phương thức dễ trúng tuyển nhất. Do đó, ở các mùa tuyển sinh gần đây đều xảy ra chuyện “cười ra nước mắt” khi thí sinh đạt điểm số rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển trường mình mong muốn vì chỉ tiêu phân bố cho phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp không nhiều như các phương thức xét tuyển sớm.

Để chấn chỉnh những tác động tiêu cực trong các phương thức xét tuyển đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sắp tới Bộ sẽ không để các trường thích làm gì thì làm. Trường đại học có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng phải tự chủ trong khuôn khổ quy định.           

Minh Ngọc 

Tin xem nhiều