Việc phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) nhằm cung cấp các dịch vụ y tế, trợ giúp người khuyết tật (NKT) là một trong những nhiệm vụ của ngành y tế.
Luyện tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai. Ảnh: H.Yến |
Để phát triển hệ thống PHCN, Sở Y tế đã được UBND tỉnh giao soạn thảo Dự thảo Kế hoạch phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Người khuyết tật gặp khó khăn trong chăm sóc sức khỏe
Theo đánh giá của ngành y tế, NKT luôn được quan tâm trợ giúp, hỗ trợ về mặt kinh tế cũng như đời sống tinh thần, sức khỏe, nhưng mức hỗ trợ chưa cao, chưa đảm bảo nhu cầu.
Các loại hình bệnh tật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được tiếp nhận điều trị, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng đa số là bệnh nhân khó khăn về vận động, thể chất lẫn tinh thần. Việc chăm sóc cho NKT tại các trạm y tế hiện chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, tư vấn, thu thập thông tin, số liệu. Việc thực hiện điều trị, chăm sóc và PHCN dựa vào cộng đồng tại trạm y tế còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí đi lại cho đội ngũ chuyên trách, giám sát và cộng tác viên chưa đáp ứng đầy đủ, thường xuyên.
Theo thống kê của ngành y tế, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 25 ngàn NKT nặng và đặc biệt nặng, hơn 8 ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 4,2 ngàn người tâm thần, thiểu năng trí tuệ. Trong đó, NKT nam giới chiếm 55%, nữ giới chiếm 45%. |
n nay, có 4 đơn vị tuyến tỉnh và 3 đơn vị tuyến huyện có khả năng cung cấp dịch vụ PHCN đa chuyên ngành gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất; Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai; Bệnh viện Y dược cổ truyền; Trung tâm Y tế các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu.
Do hệ thống PHCN cho NKT còn mỏng, cộng với những khó khăn trong khoảng cách địa lý, việc đi lại nên NKT gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ, kỹ thuật PHCN. Những NKT có kinh tế eo hẹp khó có cơ hội điều trị và duy trì PHCN.
Cùng với đó, nhân lực và các trang thiết bị phục vụ lĩnh vực PHCN còn thiếu nên chưa cung cấp được các dịch vụ chất lượng chuyên sâu về PHCN cho bệnh nhân và NKT.
Phát triển hệ thống phục hồi chức năng
Ngày 25-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện.
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì soạn thảo kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nêu trên. Dự thảo đã được lấy ý kiến các sở, ngành để trình UBND tỉnh ký ban hành. Dự thảo đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo NKT và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng; giảm tỷ lệ NKT trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, dự thảo đặt ra mục tiêu duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới y tế, cơ sở PHCN, đảm bảo 100% cơ sở PHCN (gồm các bệnh viện, trung tâm y tế có khoa PHCN, khoa y học cổ truyền - PHCN, tổ PHCN) được củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.
Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN, phấn đấu trên 90% cơ sở khám, chữa bệnh có triển khai hoạt động PHCN đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế cung cấp dịch vụ PHCN đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, PHCN theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phó giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng cho biết, về phát triển hệ thống PHCN, các đơn vị y tế hướng đến có bộ phận hoặc có khoa phối hợp hoặc chuyên khoa về PHCN để NKT có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế. Phối hợp đa ngành để ngoài PHCN thì giải quyết các chế độ xã hội cho NKT (như trợ cấp hàng tháng cho NKT nặng, cung cấp bảo hiểm y tế…).
“Cùng với đó, ngành y tế xây dựng đội ngũ công tác về NKT để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành; các cơ sở y tế phải đầu tư các trang thiết bị phù hợp với NKT để NKT có phương tiện PHCN; bổ sung nhân lực y tế theo vị trí việc làm liên quan NKT. Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, trong đó có các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm hỗ trợ cho NKT. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để cộng đồng, xã hội quan tâm, giúp NKT bớt mặc cảm, bớt tự ti để tham gia các hoạt động xã hội” - ông Dũng cho hay.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực PHCN, đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10 ngàn dân. Đây là tỷ lệ chung của ngành y tế cả nước và Đồng Nai cũng phải phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên, đó lại là thách thức lớn của Đồng Nai.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, từ nay đến năm 2030, Đồng Nai dự kiến chỉ có thể đạt được tỷ lệ 0,2 người/10 ngàn dân. Con số dự báo này càng cho thấy rõ, để đạt chỉ tiêu 0,5 người/10 ngàn dân như chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh phải hết sức nỗ lực và cần nhiều giải pháp. Trong đó, trước mắt phải ưu tiên đào tạo nhân lực tại chỗ và xây dựng vị trí việc làm về PHCN để có cơ sở bố trí nhân lực cũng như các quyền lợi liên quan.
Bên cạnh đó, Đồng Nai đang đặt mục tiêu phấn đấu phát triển Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai thành bệnh viện chuyên khoa hạng II, có khoa/trung tâm PHCN. Ban giám đốc Sở Y tế đã giao Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai tham khảo các mô hình bệnh viện y dược cổ truyền - PHCN ở các tỉnh, thành để xây dựng Dự thảo Đề án phát triển Bệnh viện Y dược cổ truyền thành Bệnh viện Y dược cổ truyền - PHCN. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến trong ngành y tế và các sở, ngành, xin chủ trương UBND tỉnh để từng bước xây dựng Bệnh viện Y dược cổ truyền - PHCN của Đồng Nai trong tương lai.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin