Đối chiếu với bộ công cụ đánh giá nguy cơ dịch bệnh sởi của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Đồng Nai được xếp nguy cơ dịch bệnh sởi rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi mắc bệnh sởi. Ảnh: H.Dung |
Ở cấp huyện, có 3 địa phương được xếp nguy cơ rất cao là: Xuân Lộc, Tân Phú và Nhơn Trạch. Những địa phương có nguy cơ cao là: Biên Hòa, Long Thành, Định Quán và Vĩnh Cửu.
Một ca bệnh rất nặng, nhiều ca phải thở oxy
Cùng thời điểm này năm ngoái, Đồng Nai chỉ ghi nhận một ca bệnh sởi. Tuy nhiên, số ca bệnh năm nay đã tăng vọt lên 35.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho hay số ca bệnh sởi bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 8 đến nay. Có 9 bệnh nhân được điều trị khỏi đã xuất viện, còn 15 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 4,5 tháng tuổi, lớn nhất là 14 tuổi. Đa số bệnh nhân đều có sốt, phát ban, một số trẻ bị viêm phổi kèm theo.
Đáng lưu ý, có một trường hợp bị bệnh rất nặng là bé T.N.T.P., gần một tuổi. Bé P. có bệnh nền tim bẩm sinh, đã nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) gần một tháng. Sau khi xuất viện về nhà, khoảng 3-4 ngày sau đó, bé có triệu chứng ho, sốt, phát ban, thở mệt nên được đưa vào khu cách ly đặc biệt của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị. Do tình trạng bệnh rất nặng nên bé P. được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để thở máy, điều trị chuyên sâu.
Ngoài bệnh nhi trên, còn có 5 bệnh nhi mắc sởi đang phải thở oxy mask.
Các bà mẹ khi mang thai nên tiêm vaccine ngừa bệnh sởi để em bé có kháng thể. Đến khi bé được 9 tháng tuổi, đủ tuổi chích vaccine sởi sẽ chích ngừa mũi đầu tiên. |
Đang chăm sóc con nhỏ bị bệnh sởi tại Khoa Bệnh nhiệt đới, chị Trần Thị Cẩm Linh (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) cho biết, cách đây mấy ngày, con trai 3 tuổi của chị bị sốt cao, chị đi mua thuốc về cho con uống, bé có hạ nhưng sau đó lại sốt và nổi ban đỏ khắp người. Chị Linh vội đưa con vào bệnh viện.
Đáng lưu ý, bé trai chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên bé chỉ mới chích được 3 mũi phòng các bệnh khác khi vừa sinh, 6 tháng và 9 tháng tuổi. Từ đó đến nay, chị Linh chưa đưa con đi chích ngừa lần nào.
Trên giường bệnh, bé D. được mắc dây thở vào mũi để thở oxy. Do mệt mỏi trong người nên bé hay quấy khóc, lừ đừ, chán ăn. Khắp người bé D. nổi ban đỏ, là những nốt ban đặc trưng của bệnh sởi, nhiều nhất là trên mặt, lưng, bụng, chân.
Ở giường bệnh bên cạnh, chị Ngô Tú Hiền Nhiên (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) chia sẻ, chị không biết con trai bị nhiễm bệnh từ ai, vì bé chỉ ở nhà với mẹ và bà ngoại. Trong khi đó, cả mẹ và bà ngoại bé không ai có biểu hiện ho, sốt bất thường. Chị Nhiên cũng cho biết, con trai 2,5 tuổi của chị chưa chích vaccine phòng bệnh sởi, mới chỉ chích vài mũi vaccine 5 trong 1.
Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, máy móc đáp ứng điều trị
Các chuyên gia nhận định, mặc dù số ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai chưa tăng nhanh và nhiều như ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng việc số ca bệnh sởi tăng cao đột biến so với những năm trước là điều đáng lo ngại. Nếu số ca bệnh sởi tiếp tục tăng cao thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi rất lớn.
Mặt khác, Đồng Nai nằm ngay sát Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đã công bố dịch bệnh sởi, mức độ giao thương lớn nên khả năng lây nhiễm bệnh cũng khá cao.
Giám đốc Sở Y tế, bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Trung cho biết, tại Đồng Nai, dịch bệnh sởi xảy ra gần đây nhất là năm 2018. Khi đó, số ca bệnh khá nhiều và tăng nhanh. Tuy nhiên, ngành y tế đã chú trọng công tác dự phòng, đáp ứng được công tác điều trị nên kiểm soát tốt dịch bệnh. Những năm sau đó, bệnh sởi gần như vắng bóng hoặc chỉ ghi nhận vài ca lẻ tẻ. Đến năm nay, số ca bệnh tăng đột biến nên Sở Y tế đã triển khai kế hoạch phòng, chống và đáp ứng với bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lưu ý các đơn vị thực hiện tốt công tác tiêm vaccine theo chiến dịch, tiêm vét, tiêm bù, khoanh vùng, dập dịch, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, thiết bị, máy móc, nhân lực… để đảm bảo công tác điều trị, hạn chế số ca bệnh nặng, tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số trẻ mắc bệnh sởi gia tăng là do nhiều trẻ chưa tiêm vaccine ngừa bệnh sởi. Cơ thể không có kháng thể, hệ miễn dịch yếu nên khi virus sởi xâm nhập, trẻ dễ mắc bệnh, thậm chí bệnh nặng. Do vậy, trong quá trình điều trị, các y, bác sĩ đã rà soát, hướng dẫn phụ huynh bệnh nhi đưa bé đi chích ngừa ngay tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khi sức khỏe của các bé ổn định, đủ tuổi.
Bệnh sởi lây truyền qua không khí, thông qua giọt bắn hoặc hít phải, thường gặp nhất ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Bệnh sởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở oxy hoặc thở máy, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết, nặng hơn là viêm não.
Bệnh sởi chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh khoảng 10 ngày, giai đoạn khởi phát từ 5-7 ngày, trẻ thường có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi, đỏ mắt, trong họng có dấu đỏ. Giai đoạn phát ban, trẻ sẽ nổi ban ở sau tai, mặt, cổ, thân người, tay chân, mắt bị sưng đỏ, ho nhiều. Đến giai đoạn hồi phục, các nốt ban sẽ lặn dần, để lại những vết thâm, ăn uống khá, chơi tốt, hết sốt và được xuất viện.
“Chỉ còn ít ngày nữa học sinh sẽ tựu trường. Những trẻ chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh sởi cần đi tiêm vaccine ngay để phòng bệnh và hạn chế lây nhiễm cho những trẻ khác nếu mắc bệnh” - bác sĩ Quyền lưu ý.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin