Một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng thời gian gần đây là do khoảng trống miễn dịch vì thiếu vaccine, tỷ lệ tiêm chủng ở một số loại dịch bệnh còn khá thấp.
Việc thiếu vaccine xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đặc biệt nghiêm trọng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành. Do thiếu nguồn cung ứng vaccine, thủ tục đấu thầu phức tạp, nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn khi nhập khẩu vaccine, ngay cả với những loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Điều này dẫn tới việc không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng của người dân, nhất là với trẻ em.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác cũng khiến cho tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, đó chính là sự chủ quan, lơ là của người dân đối với công tác tiêm chủng. Trong và sau đại dịch Covid-19, nhiều người không mấy quan tâm đến việc tiêm ngừa các loại vaccine khác để phòng bệnh. Vì thế, đây là cơ hội để dịch bệnh “tấn công” khi cơ thể không được tiêm ngừa đầy đủ các mũi vaccine theo quy định.
Theo các chuyên gia y tế, việc không tiêm đủ mũi, đúng lịch vaccine đã làm giảm khả năng phòng bệnh. Khi miễn dịch cộng đồng không còn đủ mạnh là cơ hội tốt cho dịch bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát. Điều này lý giải vì sao thời gian qua, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đã được ngăn ngừa và loại bỏ trong cộng đồng từ trước đó như sởi, bạch hầu, ho gà đã quay trở lại đe dọa sức khỏe và tính mạng của nhiều người.
Muốn dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt, yêu cầu quan trọng là vaccine phải đủ để cung ứng cho các địa phương trong cả nước, không xảy ra tình trạng thiếu hoặc gián đoạn vaccine. Điều này đòi hỏi Bộ Y tế cần có tính toán hợp lý, linh hoạt khi làm việc với các đối tác cung cấp vaccine. Về lâu dài, Việt Nam phải làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine để tự cung cấp nguồn vaccine cho mình, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nước ngoài. Thủ tục liên quan đến công tác đấu thầu cung ứng vaccine cũng phải giảm bớt phiền hà cho địa phương để vaccine khi cần là có đủ phục vụ người dân.
Yếu tố quan trọng trong công tác phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm chính là ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định có liên quan đến tiêm ngừa. Nên tiêm đủ, tiêm đúng lịch các liều vaccine được Bộ Y tế khuyến cáo cho cả người lớn lẫn trẻ em. Không đợi đến khi dịch bệnh bùng phát mới đổ xô đi chích ngừa mà việc phòng bệnh là cả một quá trình. Đợi đến khi dịch bùng phát mới đi tiêm, hiệu quả sẽ không đạt như mong muốn, khả năng mắc bệnh vẫn có thể xảy ra…
Nguyễn Phượng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin