Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần tiêm đủ, đúng liều vaccine

Hạnh Dung
07:25, 05/08/2024

Kết quả điều tra dịch tễ một số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy, vẫn còn nhiều phụ huynh chủ quan, chưa quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng bệnh cho con.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: H. Dung

Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm đủ, tiêm đúng liều vaccine là “lá chắn” giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, tạo hệ miễn dịch cộng đồng, giúp cộng đồng khỏe mạnh.

Gia tăng các loại bệnh truyền nhiễm

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận sự quay trở lại và gia tăng của một số loại dịch bệnh như ho gà (13 ca), sởi (15 ca), viêm não Nhật Bản (6 ca), dại (23 ca). Những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc bệnh là Biên Hòa, Định Quán, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.

Mới đây, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Định Quán, huyện ghi nhận ca bệnh ho gà thứ 5, là bé gái gần 2 tháng tuổi, ngụ xã Phú Tân. Bệnh nhi này có biểu hiện ho nhẹ, thở khò khè từ ngày 20-7. Sau đó ho nhiều hơn, tím tái, sốt nhẹ, nôn ói. Đến ngày 29-7, bệnh nhi được xác định mắc bệnh ho gà và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Năm 2024, có hơn 269,2 ngàn trẻ em và hơn 1,2 triệu phụ nữ có thai thuộc đối tượng tham gia Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Số lượng vaccine là hơn 24,3 triệu liều, bao gồm 11 loại vaccine: viêm gan B sơ sinh, lao, bại liệt uống, sởi, sởi - rubella, viêm não Nhật Bản, bạch hầu - ho gà - uốn ván, uốn ván - bạch hầu giảm liều, uốn ván, rota và DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib).

Bé gái này chưa đến tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh ho gà (độ tuổi tiêm mũi 1 là khi trẻ đủ 2 tháng tuổi). Tuy nhiên, bé gái có một chị gái năm nay 4 tuổi, mặc dù nhân viên y tế địa

phương đã nhiều lần tư vấn, tuyên truyền và vận động người nhà đưa bé đi tiêm chủng nhưng người nhà không đưa bé gái 4 tuổi đi tiêm ngừa các loại vaccine.

BS CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, trên thực tế, nhận thức về phòng chống dịch bệnh của đa số người dân đã được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cá biệt không hiểu hoặc cố tình không hiểu tầm quan trọng của việc tiêm vaccine. Tiêm vaccine đủ liều và đúng lịch là phương pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm nhất giúp trẻ em và người lớn phòng ngừa các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.

Nếu không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, trẻ em và người lớn không có đủ đáp ứng miễn dịch, vi khuẩn, virus rất dễ tấn công gây bệnh nặng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, phải nhập viện và có thể dẫn đến biến chứng, điều trị khó khăn, tốn kém.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ tạo ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể khỏi bệnh và vì thế không bị tử vong hoặc có di chứng. Hàng năm, vaccine đã cứu sống khoảng 2-3 triệu trẻ em trên toàn cầu. Vaccine và tiêm chủng có vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc là giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

“Người dân cần chú ý lịch tiêm chủng để tiêm chủng đủ liều và đúng loại vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuyệt đối không nên chủ quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, người thân và những người xung quanh”- bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Những bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine

Từ ngày 1-8-2024, Thông tư 10/2024/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc chính thức có hiệu lực.

Theo đó, 11 bệnh truyền nhiễm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt buộc phải sử dụng vaccine gồm: viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae type b (nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, gồm: viêm phổi, viêm màng não...), sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do virus Rota. Các loại vaccine này được triển khai cho trẻ em, phụ nữ có thai trên toàn quốc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trong đó, 2 mũi tiêm sớm nhất cho trẻ nhỏ là viêm gan B và lao. Cụ thể, viêm gan virus B liều sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh, sau đó tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, tiêm lần 2 (ít nhất 1 tháng sau lần 1) và tiêm lần 3 (ít nhất 1 tháng sau lần 2). Vaccine lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng sau khi sinh.

Khoảng cách giữa các lần tiêm chủng ít nhất là 28 ngày. Liều cơ bản là các liều tiêm trước khi trẻ đủ 1 tuổi. Nếu chưa tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ liều thì cần tiêm bù ngay sau đó càng sớm càng tốt nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất.

Cũng theo thông tư này, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch phải tiêm chủng 10 loại vaccine để phòng các bệnh: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản B, dại, cúm, Covid-19.

Việc xác định đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc nói trên do Sở Y tế trình UBND tỉnh, thành phố quyết định hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vaccine, sinh phẩm y tế, nguồn lực của địa phương.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều