Số bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn ngày càng tăng khiến các cơ sở y tế có triển khai chạy thận nhân tạo trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng quá tải.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đồng Nai - 2. Ảnh: H.Dung |
Việc đầu tư thêm các máy chạy thận nhân tạo là cần thiết để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân, giúp họ có cơ hội được điều trị ở gần nhà mà không phải đi xa.
Cung không đủ cầu
TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Thận - tiết niệu và lọc máu Bệnh viện Bạch Mai, cho hay cả nước hiện có hơn 40 ngàn bệnh nhân đang phải điều trị thay thế thận, trong đó hơn 30 ngàn bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế là sẽ phát triển kỹ thuật lọc máu về tuyến huyện vì bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn phải điều trị suốt đời, nếu phải đi xa để chạy thận sẽ rất khó khăn, bất tiện, tốn kém chi phí.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình, năm 2002, Đồng Nai bắt đầu triển khai chạy thận nhân tạo điều trị bệnh suy thận mạn tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Những năm qua, số lượng bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn ngày càng tăng. Từ một đơn vị với 2 máy chạy thận ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có 10 bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức chạy thận nhân tạo với 280 máy; khoảng 1,5 ngàn bệnh nhân đang được quản lý và chạy thận thường xuyên tại các đơn vị. Ở tuyến tỉnh có Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Các Bệnh viện Đa khoa khu vực: Long Khánh, Long Thành, Định Quán cũng triển khai nhiều năm nay.
Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN VĂN BÌNH cho biết, khó khăn trong việc triển khai chạy thận nhân tạo hiện nay là các cơ sở y tế thiếu nhân lực, cơ sở vật chất chưa đảm bảo và một số vướng mắc trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. |
Đối với tuyến huyện, có 3 trung tâm y tế triển khai chạy thận nhân tạo là: Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Định Quán. 2 bệnh viện tư nhân tham gia điều trị suy thận mạn là Bệnh viện Đồng Nai - 2 và Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Bình chia sẻ, mặc dù lãnh đạo tỉnh và ngành y tế đã quan tâm đầu tư thêm nhiều máy móc nhưng số lượng máy chạy thận trong tỉnh hiện chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, dẫn đến quá tải. Còn nhiều bệnh nhân phải đến các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để chạy thận mỗi tuần 3 lần.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hiện là cơ sở có số lượng máy lọc thận lớn nhất cả nước với 104 máy. Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng cho biết, bệnh viện đang quản lý 526 bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn. Do hạn chế về số lượng máy, bệnh nhân đông nên bệnh viện phải chia làm 4 ca, bắt đầu từ 5h-23h, mỗi ngày chạy thận cho 250 bệnh nhân. Bệnh nhân đông, trong khi chỉ có 6 nhân viên y tế nên thời gian làm việc kéo dài, gây áp lực lớn cho đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị.
Còn tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, đơn vị có 14 máy chạy thận nhân tạo, quản lý 40 bệnh nhân. Theo lãnh đạo trung tâm, còn nhiều bệnh nhân ở địa phương mong muốn được chạy thận ngay tại trung tâm nhưng số lượng máy có hạn nên những bệnh nhân này buộc phải chuyển lên tuyến trên, gây nhiều khó khăn cho người bệnh.
Cần thêm nhiều máy chạy thận ở tuyến huyện
Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đồng Nai - 2, ThS-BS Đoàn Thị Hòa cho biết, khoa hiện có 30 máy chạy thận, điều trị cho 180 bệnh nhân. Trong đó, số bệnh nhân có địa chỉ ở thành phố Biên Hòa chiếm 40%, còn lại là ở các huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, thành phố Long Khánh… Ngoài ra, còn có bệnh nhân ở các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận cũng đến đây chạy thận.
Do số lượng máy không đủ nên có hơn 10 bệnh nhân phải đăng ký chờ. Mặt khác, có những bệnh nhân có địa chỉ thường trú ở các địa phương khác trong tỉnh như Long Khánh đăng ký về Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để chạy thận cho gần nhà nhưng 3 năm chưa về được, vì bệnh viện ở Long Khánh không còn máy trống.
Bác sĩ Hòa cho hay, hầu hết bệnh nhân bị suy thận mạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bệnh nhân chạy thận lâu nhất là 20 năm, bệnh nhân trẻ tuổi nhất là 19 tuổi.
Còn tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, theo bác sĩ chuyên khoa I Lê Minh Tuấn, Trưởng Đơn vị Thận nhân tạo, bệnh viện triển khai chạy thận từ tháng 9-2017. Đến nay, bệnh viện có 35 máy, chạy 3 ca/ngày với 100-105 bệnh nhân/ngày. Do phải điều trị suốt đời nên 100% bệnh nhân đều có thẻ bảo hiểm y tế. Bởi nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân và gia đình họ sẽ không thể chi trả nổi.
Nhằm giúp người bệnh suy thận mạn có cơ hội điều trị ở gần nhà, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, điều trị, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng mong muốn trong tương lai, Đồng Nai, Sở Y tế có chủ trương phát triển hơn nữa lọc máu về tuyến huyện để các huyện trong tỉnh đều có thể chạy thận nhân tạo, hạn chế tình trạng bệnh nhân dồn lên tuyến trên gây quá tải.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin