Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh tăng cao

Hạnh Dung
07:05, 17/07/2024

Thời gian gần đây, sự xuất hiện của bệnh bạch hầu tại một số địa phương trong cả nước và sự quay trở lại, gia tăng của một số bệnh truyền nhiễm như: ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản khiến nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh của người dân tăng cao.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung
Tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa), những ngày gần đây có rất đông người dân đến tiêm vaccine phòng bệnh.

Cả nhà cùng đi tiêm vaccine

Anh Nguyễn Hoàng Minh (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) cho hay, cả gia đình anh 4 người mới tiêm vaccine uốn ván - bạch hầu, cúm. Riêng con gái 13 tuổi còn tiêm thêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung, tổng số tiền hết hơn 4 triệu đồng.

“Gia đình tôi quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh nên bệnh nào đã có vaccine phòng bệnh thì đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Cả nhà thường đi tiêm cùng nhau nên dễ nhớ mốc thời gian và đi tiêm các mũi nhắc nếu có” - anh Minh cho biết.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, do nhu cầu tiêm vaccine bạch hầu những ngày qua tăng đột biến nên loại vaccine 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) Bosstrix của Bỉ đã hết hàng. Người dân có thể tiêm vaccine phòng ngừa uốn ván - bạch hầu của Việt Nam có giá 32 ngàn đồng/liều, cộng 10 ngàn đồng tiền công tiêm.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu tiêm một số loại vaccine như: HPV, vaccine ngừa phế cầu khuẩn, vaccine ngừa cúm sẽ còn tăng cao do những vaccine này chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng và đang có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ông Phạm Bá Lộc (54 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) chia sẻ, giá mỗi liều vaccine chưa bằng một tô phở mà giúp bảo vệ được sức khỏe thì ông không có gì phải “lăn tăn”. Ngoài tiêm vaccine bạch hầu, ông Lộc còn tiêm vaccine ngừa cúm, viêm gan B.

Tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai (phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa), những ngày cao điểm có từ vài trăm đến hàng ngàn người dân đến tiêm vaccine.

Chị Nguyễn Kim Thoa (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho biết, 2 con nhỏ nhà chị từ khi sinh ra đã đăng ký tiêm vaccine trọn gói tại VNVC Đồng Nai. Điều khiến chị hài lòng khi tiêm chủng tại đây là gần đến ngày tiêm nhắc lại các mũi tiêm, trung tâm sẽ gửi tin nhắn đến khách hàng để khách hàng được biết và đi tiêm đúng lịch, không bị bỏ lỡ các mũi tiêm nếu chẳng may quên ngày tháng. Gần đây, ngoài 2 con nhỏ, vợ chồng chị cũng đi tiêm một số loại vaccine để phòng bệnh.

Lại thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng

Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết do ảnh hưởng của việc thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2023 nên công tác phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh gặp phải một số khó khăn. Đó là việc quay trở lại của bệnh ho gà sau nhiều năm “vắng bóng”, một trường hợp bị uốn ván sơ sinh tử vong. Ngoài ra, còn gia tăng một số loại bệnh khác như sởi, viêm não Nhật Bản.

Trong năm 2024, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn còn tiếp diễn. Trong tháng 1-2024, Đồng Nai chỉ được cấp 18,1 ngàn liều vaccine 5 trong 1, thiếu tất cả các loại vaccine còn lại. Trong tháng 2 và tháng 3-2024 được cấp các loại vaccine ngừa lao, viêm gan B, sởi, bại liệt (OPV), sởi - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm não Nhật Bản, uốn ván nhưng không có vaccine 5 trong 1 và ngừa bại liệt (IPV).

Điều này dẫn đến việc thực hiện 11/13 chỉ tiêu về tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm 2024 tại Đồng Nai không đạt tiến độ đề ra. Một số đơn vị sử dụng nguồn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu chưa đạt chỉ tiêu, chủ yếu do thiếu vaccine ngừa viêm gan B sơ sinh các tháng đầu năm.

Phó giám đốc Sở Y tế, bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Dũng khuyến cáo, trong thời gian chờ đợi vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, người dân có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm dịch vụ. Ngay sau khi Bộ Y tế cấp vaccine về cho tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ phân bổ vaccine cho các đơn vị để tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho trẻ. Sắp tới đây, khi có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân biết và đi tiêm ngừa.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều