(ĐN) - Ngày 31-7, Bệnh viện Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai (Hoàn Mỹ ITO) tiếp nhận chữa trị cho 8 người ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Các bác sĩ cho hay, ngộ độc khí CO không dễ phát hiện, không có thuốc chữa trị đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ bằng O2.
Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc khí CO. Ảnh: Bích Nhàn |
8 người cùng nhập viện do ngộ độc khí CO từ máy phát điện
Bác sĩ Võ Văn Út, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai (Hoàn Mỹ ITO), tính đến 16h30 ngày 31-7, bệnh viện đã tiếp nhận 8 bệnh nhân ngộ độc khí CO khi đang làm việc tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
Tất cả các bệnh nhân đều có chung triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, hồi hộp, khó thở, tim đập nhanh, da ửng đỏ.
“Khai thác thông tin của bệnh nhân, chúng tôi nghi ngờ họ bị ngộ độc CO do tiếp xúc với khí này trong khoảng thời gian khá dài trong không gian kín, khoảng 4 tiếng. Do đó, mức độ ngộ độc đã ở mức trung bình” - bác sĩ Út chia sẻ.
Trong 8 bệnh nhân này, có 2 bệnh nhân đáng lo ngại. Cụ thể, bệnh nhân N.V.M., ngoài các triệu chứng như những người khác thì bệnh nhân còn bị suy thận cấp. Theo bác sĩ Út, tình trạng này là biến chứng cấp tính, khá nặng khi bị ngộ độc CO. Còn về lâu dài, bệnh nhân có thể bị di chứng thần kinh, suy giảm trí nhớ, co giật…
Bệnh nhân B.T.A.N., đang mang bầu tuần thứ 29 cũng đang được theo dõi kỹ tình trạng sức của cả mẹ và em bé. Trưa cùng ngày, khi thấy buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, chị N. đã tự đi về nhà và chỉ nhập viện khi các đồng nghiệp khác báo tin bị ngộ độc CO.
Sau khi truyền dịch, hồi sức và dùng O2 liều cao, chị N. đã ổn định sức khỏe. Còn qua siêu âm, em bé trong bụng mẹ vẫn ổn định, không có bất thường.
Dù vậy, các bác sĩ vẫn quyết định cho cả 8 bệnh nhân nhập viện theo dõi chữa trị vì chưa thể xác định hết tổn thương mà bệnh nhân có thể gặp phải.
Cách phòng chống ngộ độc khí CO
Theo các bác sĩ, phòng chống ngộ độc khí CO như sau:
- Không dùng bếp ga, lò nướng, than tổ ong, than củi để sưởi ấm trong phòng kín.
- Không chạy phát các phương tiện, thiết bị sử dụng động cơ đốt trong (chạy máy phát điện, chạy phát ô tô, xe máy) tại không gian kín, như tầng hầm hoặc nhà để xe.
Không có thuốc chữa đặc hiệu
Đây không phải là vụ ngộ độc khí CO đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. Vào tháng 3-2024, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng đã tiếp nhận chữa trị cho 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, sùi bọt mép khi ngủ gần máy phát điện.
Sau khi tiếp nhận, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc khí CO nên đã khẩn trương hội chẩn, chỉ định điều trị O2 cao áp cho hai bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân được đưa vào trong máy O2 cao áp, sử dụng O2 ở áp lực cao để tăng lượng O2 hòa tan trong máu.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hà, Phó khoa phụ trách khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, vài năm trước, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng tiếp nhận chữa trị cho 1 bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Các vụ ngộ độc khí CO thường xuất phát từ đốt than sưởi ấm, máy phát điện trong khu vực kín, hay ngủ quên trong ô tô khi bật máy lạnh… Trong đó, máy phát điện thường chạy bằng xăng dầu, xả khói là nguyên nhân gây ra ngộ độc.
Khi hít phải khí CO trong không gian kín, bệnh nhân thường có biểu hiện buồn ngủ, lờ đờ.
“Bệnh nhân có cảm giác như uống phải thuốc ngủ, không nghĩ bị ngộ độc khí CO. Khi ngộ độc, bệnh nhân không có phản xạ do không có O2 để thở. Loại ngộ độc này không có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị hỗ trợ bằng việc cho bệnh nhân thở O2 hoặc O2 cao áp, tùy tình trạng bệnh” - bác sĩ Hà cho hay.
Riêng đối với phụ nữ mang thai, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết thêm, ngộ độc CO gây nguy hiểm cho thai phụ ngay khi xảy ra vụ việc nếu người mẹ thiếu O2 kéo do hít phải khí CO sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Dù vậy, em bé trong bụng mẹ có nhu cầu về O2 ít nên khi người mẹ bị ngộ độc CO thể nhẹ sẽ không gây ảnh hưởng đến bé.
Theo bác sĩ Út, ngộ độc khí CO cũng để lại những hậu quả, biến chứng khá nặng nề như: ảnh hưởng thần kinh, tổn thương não, suy đa cơ quan (thận, tim…), thậm chí là gây tử vong. Do đó, phòng vẫn hơn chống. Cách phòng chống tốt nhất là ở nơi thông thoáng, phòng kín phải bật máy lạnh, không nằm than, không nằm trong ô tô bật điều hòa, không ở gần máy phát điện hoặc không để xe máy chạy rô-đa qua đêm trong nhà…
Tuy nhiên, ở vùng thời tiết nắng nóng như Đồng Nai, tình trạng ngộ độc khí CO thường ít xảy ra hơn ở những vùng có thời tiết lạnh như miền Bắc. Nguyên nhân là vào mùa đông, thời tiết lạnh, người dân thường đốt than để sưởi ấm thì dễ bị ngộ độc khi hít phải khí CO.
Bích Nhàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin