Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề shipper: Tưởng dễ mà không dễ

Lê Duy
09:00, 05/07/2024

Trong xu thế mua hàng trực tuyến gia tăng, nghề shipper - người làm công việc giao hàng - từng được xem là dễ tìm việc, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, với số lượng shipper ngày càng tăng, công việc vất vả, thu nhập giảm, những người gắn bó với nghề này phải thực sự kiên nhẫn, chịu thương, chịu khó…

Nghề shipper đối diện với nhiều rủi ro về tai nạn giao thông do di chuyển nhiều trên đường.
Nghề shipper đối diện với nhiều rủi ro về tai nạn giao thông do di chuyển nhiều trên đường. Ảnh: Lê Duy

Nghĩ về nghề shipper, nhiều người nghĩ là công việc dễ dàng, thoải mái về thời gian, ít chịu áp lực. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều shipper, khi vào cuộc rồi mới thấy nghề này “tưởng dễ mà không dễ”, vì luôn bị áp lực về thời gian giao hàng, rủi ro khi di chuyển trên đường, nhất là vào mùa mưa bão.

Vất vả mưu sinh

Anh H.C.M.T. (31 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, mỗi ngày anh phải di chuyển hơn 6km để lấy hàng và giao hàng. Mưa lớn anh không lo ướt quần áo mà lo nhất là hàng hóa chưa giao cho khách bị mưa ướt, hư hỏng. Do đó, anh luôn phải che chắn hàng hóa kỹ càng.

“Do áp lực về thời gian giao hàng nên nhiều khi trời mưa cũng phải đi. Trời mưa to khiến tầm nhìn bị hạn chế và làm đường trơn trượt, nên anh phải di chuyển hết sức cẩn thận để tránh tai nạn. Đó là chưa kể đi qua những đoạn đường mưa ngập nước, nếu không chú ý trượt té ướt hết hàng hóa hoặc xe bị chết máy phải xuống đẩy rất vất vả vì hàng hóa chở phía sau lưng cũng nặng và cồng kềnh” - anh H.C.M.T. chia sẻ.

Không chỉ trời mưa, vào những ngày nắng gay gắt, việc giao hàng cũng vất vả không kém. Chị L.T.T. (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) cho hay, những ngày tháng 4, nắng nóng cao điểm có hôm lên tới 39-400C nhưng chị vẫn phải tranh thủ đi giao hàng cho kịp. Vì buổi trưa, nhiều người đi làm về nhà nên dễ giao hàng hơn, đỡ chạy vòng tới, vòng lui.

Chị L.T.T. tâm sự: “Dưới trời nắng gay gắt mà phải di chuyển liên tục, lại còn chở một thùng hàng to, nặng trên xe khiến tôi nhanh chóng mất sức, có hôm mệt lừ vì say nắng. Việc uống nước liên tục không đủ để bù đắp lượng nước mất đi”.

Yêu cầu đối với công việc giao hàng không hề khó, khi chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh và một chiếc xe máy là đã có thể làm được công việc này. Tuy nhiên, để có nhiều đơn hàng thì thái độ phục vụ đóng vai trò rất quan trọng.

Anh Nguyễn Minh Triết (28 tuổi, ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) là một shipper lâu năm tâm sự: “Ngoài những áp lực từ việc phải giao hàng đúng giờ và đúng địa chỉ, shipper còn phải đối mặt với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng dịch vụ. Đơn hàng không chỉ cần giao nhận mà còn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đồ ăn và thức uống. Để đảm bảo đồ uống đến tay khách hàng hoàn hảo, cần không thiếu món ăn kèm và giữ được nhiệt độ ổn định. Có như vậy, khách hàng mới đánh giá dịch vụ tốt, mới có thêm nhiều đơn hàng về sau”.

Ngoài ra, nghề shipper cũng đối mặt nhiều rủi ro như: khách từ chối nhận hàng hoặc hủy đơn khi đang giao. Nhiều khách hàng đặt hàng cho vui rồi không muốn nhận và thanh toán. Hoặc khách hàng thường hẹn tới hẹn lui, khiến các shipper phải gọi điện thoại nhiều lần để xác nhận địa điểm và thời gian giao hàng. Shipper mới vào nghề thường gặp tình trạng này.

Anh Long (24 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, anh từng mất 30 phút để giao đơn hàng thức ăn nhanh nhưng bị từ chối vì giao chậm. Thay vì được về nhà ăn cơm, anh đành coi đó là bữa trưa của mình.

 “Thu nhập cũng là một vấn đề lớn. Trước đây, nếu chăm chỉ, một tháng tôi có thể kiếm được không dưới 20 triệu đồng. Nhưng bây giờ, dù “cày cuốc” rất nhiều, thu nhập cũng chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Công việc này đòi hỏi tôi phải chạy suốt nhiều tiếng đồng hồ ngoài đường, đối mặt với nắng nóng, mưa gió và cả những nguy cơ về an toàn giao thông. Đôi khi tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi và áp lực, nhưng vẫn phải cố gắng làm vì mưu sinh” - anh Long nói.

Nhiều shipper mong muốn các đơn vị giao hàng cải thiện điều kiện làm việc và hỗ trợ bảo hiểm y tế để phần nào yên tâm hơn.

Nghề bấp bênh

Nghề shipper không ổn định và dễ dàng như nhiều người nghĩ. Đa phần chấp nhận làm shipper do thất nghiệp, chờ xin việc hoặc sinh viên đi làm thêm.

“Ban đầu, tôi nghĩ làm shipper sẽ giúp tôi kiếm thu nhập ổn định trong lúc chờ tìm việc. Nhưng thực tế khác xa tưởng tượng. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và rất vất vả. Tôi phải chạy từ sáng đến tối, ăn uống không đúng giờ. Dù làm việc cật lực, tháng trước tôi chỉ kiếm được chưa tới 10 triệu đồng, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Nhiều lúc khách hàng hẹn đi, hẹn lại, khiến tôi phải gọi nhiều lần, mất thời gian, tốn tiền điện thoại mà đơn hàng lại có giá trị thấp” - anh Nguyễn Đức Huy (23 tuổi, một sinh viên mới ra trường làm shipper, ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) bộc bạch.

Một shipper tranh thủ giao hàng vào buổi trưa để dễ gặp được người nhận hàng. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến (thành phố Biên Hòa).

Anh Nam (43 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh) chia sẻ thêm: “Thật sự, công việc shipper không dễ dàng chút nào. Kẹt xe, áp lực thời gian, và cả những rủi ro trên đường là những vấn đề hàng ngày chúng tôi phải đối mặt. Thêm vào đó, thu nhập không ổn định và không đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả ngày càng leo thang.”

Việc di chuyển liên tục khiến shipper dễ gặp tai nạn giao thông và rủi ro khác, nhưng sự đãi ngộ của các đơn vị vận chuyển thường không tốt, không có bảo hiểm hay chế độ, chính sách cho các shipper khi gặp tai nạn.

Để hiểu rõ hơn về công việc cũng như quyền lợi khi làm shipper, chúng tôi quyết định ứng tuyển công việc giao hàng tại một đơn vị vận chuyển có uy tín lâu năm tại thành phố Biên Hòa. Qua trao đổi với quản lý đơn vị vận chuyển này, chúng tôi được biết, thời gian làm việc tiêu chuẩn của shipper là 26 ngày công/tháng. Thu nhập ban đầu khoảng 5 triệu đồng, kèm theo khoản thưởng hoa hồng dựa trên số km giao thêm đơn hàng. Tuy nhiên, sau vài tháng thử việc, shipper mới được ký hợp đồng chính thức và bắt đầu được tính lương cứng theo bảo hiểm xã hội. Điều đáng chú ý là mặc dù có bảo hiểm xã hội nhưng shipper sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế kèm theo.

Chị H., quản lý kho hàng một chi nhánh đơn vị vận chuyển tại phường Tân Hiệp, cho biết trong quá trình lưu thông ngoài đường, nếu chẳng may có sự cố giao thông, trường hợp shipper đã trở thành nhân viên chính thức sẽ có bảo hiểm xã hội hỗ trợ. Nhưng nếu vẫn đang trong giai đoạn thử việc, chính shipper sẽ phải chịu phần tổn thất đó. Ngoài ra, đối với những shipper có hoàn cảnh khó khăn, công ty sẽ đề xuất các chương trình quyên góp và ủng hộ để giúp đỡ phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Lê Duy

Tin xem nhiều
Đơn vị ship hàng quốc tế nhanh chóng và tiết kiệm