Hơn 3 năm trước, điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc bắt đầu làm việc tại Khoa Mạn tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc hướng dẫn các bệnh nhân tập thể dục để cải thiện sức khỏe. Ảnh: V.Thủy |
Chị Bích Ngọc chia sẻ, làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho chị một cái nhìn hoàn toàn khác về sứ mệnh nghề nghiệp của mình. Ở các bệnh viện đa khoa, bệnh nhân đến khám, điều trị có thể chỉ vì một vấn đề sức khỏe nào đó về mặt thể chất, còn ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, các bệnh nhân đã có những tổn thương nhất định về mặt tinh thần.
“Có người bệnh lầm lì, có những người có cảm xúc hưng phấn, khóc cười vô cớ, hay nói nhảm một mình, lại có những người bệnh khi lên cơn kích động còn tấn công cả nhân viên y tế” - chị Bích Ngọc cho biết.
Để giúp người bệnh, bản thân điều dưỡng Bích Ngọc luôn xác định bản thân phải vững vàng, không được dao động trong bất kỳ tình huống nào, luôn đồng cảm, thấu hiểu, xem người bệnh như người thân của mình, tạo dựng niềm tin, mối quan hệ gần gũi với người bệnh, từ đó khơi gợi khát vọng vượt qua bệnh tật của bệnh nhân. Do đó, ngoài việc thực hiện các thủ thuật chuyên môn, các y lệnh về thuốc, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, các hoạt động vệ sinh như: tắm rửa, bấm móng tay, cắt tóc… cho bệnh nhân, điều dưỡng Bích Ngọc và các đồng nghiệp lồng ghép nhiều hoạt động phục hồi chức năng vào các sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân, tạo động lực để bệnh nhân dần vượt qua mặc cảm. Nhiều bệnh nhân từ chỗ nhút nhát, lầm lì đã tích cực, hăng say tham gia các hoạt động do điều dưỡng Bích Ngọc và các đồng nghiệp trong khoa tổ chức.
Chị Bích Ngọc tâm sự, nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của từng bệnh nhân trong buổi sinh hoạt văn nghệ, hay sự hăng say của họ trong các bài tập thể dục, những ánh mắt với mong muốn tìm hiểu thông tin trong những buổi sinh hoạt văn hóa hàng ngày khiến chị cảm thấy rất hạnh phúc vì bản thân mình có thể góp một phần sức lực bé nhỏ để giúp người bệnh sớm tái hòa nhập cộng đồng khi xuất viện về nhà.
“Trong môi trường “đặc biệt” với những bệnh nhân “đặc biệt” có thể sẽ là sự ái ngại đối với một số người khác, nhưng với tôi, đó là một niềm tự hào, là động lực để phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân” - chị Bích Ngọc chia sẻ.
An Yên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin