Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ vững chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ

Hạnh Dung
07:11, 03/05/2024

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai vừa là bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 trong cả nước vinh dự được trao chứng nhận Kim cương trong điều trị của Hội Đột quỵ thế giới, sau Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu và điều trị sớm hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để giữ vững kết quả này không phải dễ.

Hơn 6,7 ngàn bệnh nhân đột quỵ trong 6 năm

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh BVĐK Đồng Nai, cho biết từ tháng 1-2018 đến 3-2024, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 6,7 ngàn bệnh nhân bị đột quỵ, đứng tốp đầu cả nước về số lượng bệnh nhân đột quỵ. Trong số đó, đa phần là bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não. Có 19% bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới chuyển đến, còn lại là do người nhà đưa đến bệnh viện.

Từ khi bệnh nhân nhập viện cấp cứu đến khi được chụp MRI, CT là 11 phút; thời gian cửa - kim (từ thời điểm bệnh nhân nhập viện đến khi được dùng thuốc tiêu huyết khối) là 27 phút, ngắn hơn thời gian trung bình của cả nước là 13 phút. Nhờ đó mà cứu sống được hàng triệu tế bào não cho các bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Quang, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tại bệnh viện là 15%; tỷ lệ bệnh nhân được lấy huyết khối bằng dụng cụ chiếm 22%. Đây là tỷ lệ khá cao so với trung bình cả nước nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa được điều trị do nhập viện quá giờ vàng hoặc được xác định không bị tắc mạch máu lớn.

Theo Hội Đột quỵ thế giới, tỷ lệ mắc mới bệnh đột quỵ là 161 người/100 ngàn người. Đồng Nai hiện có hơn 3,2 triệu dân. Năm 2024, ước tính sẽ có hơn 5,2 ngàn bệnh nhân bị đột quỵ mới. Điều kiện lý tưởng là 1 đơn vị đột quỵ sẽ chăm sóc cho 500 bệnh nhân. Như vậy, tỉnh Đồng Nai cần có thêm 6 đơn vị điều trị đột quỵ nữa mới đáp ứng được nhu cầu này.

Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho hay, chứng nhận Kim cương là chứng nhận cao nhất của Hội Đột quỵ thế giới. Sự khác nhau giữa các chứng nhận Vàng, Bạch kim, Kim cương là tỷ lệ bệnh nhân được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị đột quỵ tốt nhất; tỷ lệ càng cao thì chứng nhận đạt được càng cao.

Việc BVĐK Đồng Nai đạt được chứng nhận Kim cương là sự nỗ lực rất lớn của cả tập thể bệnh viện. Đây cũng là thành tựu quan trọng vì một bệnh nhân đột quỵ nếu không được điều trị cấp, không được điều trị tái thông thì kết cục là tàn phế và tử vong.

Ông Nguyễn Huy Thắng cho rằng, điều đáng lo ngại nhất ở bệnh nhân đột quỵ chính là tàn phế, bởi người tàn phế không nói được, muốn làm gì, nói gì cũng không được, thậm chí việc cơ bản nhất là vệ sinh cho chính mình cũng không thể. Điều này rất đau khổ, đặc biệt là những người đang là lao động chính của gia đình, nuôi sống cả gia đình mà bị tàn phế, phải sống phụ thuộc vào người thân. Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ rơi vào trầm cảm nặng, thậm chí dẫn đến tự tử. Hoặc có những bệnh nhân sống đời sống thực vật trên giường.

Do vậy, mục tiêu cao nhất trong điều trị đột quỵ không phải là cứu sống bệnh nhân, mà làm sao để bệnh nhân có thể sớm trở về với cuộc sống đời thường như khi chưa bị đột quỵ.

Không được bằng lòng với chính mình

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh, đạt được chứng nhận Kim cương đã khó, giữ được càng khó hơn. Bởi để làm được, bệnh viện phải có chiến lược ổn định, yêu cầu độ tập trung rất cao của ngành y tế; sự nỗ lực nhiều hơn nữa của đội ngũ y, bác sĩ; tránh tình trạng dốc sức trong một thời gian ngắn để đạt được chứng nhận, sau đó thì lơi lỏng.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Đình Quang cho hay, bệnh viện cần phải có sự ổn định liên tục về mặt nhân lực; có sự phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng lòng giữa các khoa, phòng; quy trình cấp cứu, điều trị ổn định. Đặc biệt, người thầy thuốc phải luôn đặt cái tâm lên hàng đầu, vì mục tiêu cuối cùng là lợi ích của người bệnh, gia đình họ, để giảm gánh nặng cho cộng đồng, xã hội do đột quỵ gây ra.

Để không ngừng nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ, thời gian qua, BVĐK Đồng Nai thường xuyên duy trì quản lý chất lượng thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề để rà soát, khắc phục những hạn chế. Tăng cường các hoạt động kết nối với các bệnh viện thuộc mạng lưới điều trị đột quỵ trong tỉnh như: BVĐK khu vực Long Khánh, BVĐK Thống Nhất, BVĐK khu vực Định Quán.

“Chúng tôi lập một nhóm trên mạng xã hội với 70 thành viên là các y, bác sĩ có chuyên môn liên quan để khi có ca bệnh nào cần hội chẩn hoặc chuyển viện, bệnh viện tuyến trên sẽ chuẩn bị sẵn sàng ê-kíp, chủ động tiếp nhận bệnh nhân nhằm tiết kiệm được thời gian, tăng cơ hội cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông cộng đồng để người dân, người nhà bệnh nhân biết được các dấu hiệu của bệnh đột quỵ và đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời” - bác sĩ Quang chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị đột quỵ của người dân trên địa bàn tỉnh, sắp tới BVĐK Đồng Nai sẽ thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, nỗ lực triển khai thêm 2 đơn vị đột quỵ ở huyện Long Thành và Vĩnh Cửu; cập nhật phần mềm tái tưới máu, duy trì chất lượng điều trị đột quỵ hiện nay.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Truy cập ngay https://europharmvn.com/zenafuta/ Viên uống nội tiết Lipo 6 Bệnh viện Emcas với chương trình nổi bậtBảng giá kim cương thiên nhiên GIA