Báo Đồng Nai điện tử
En

Ám ảnh tai nạn lao động:
Bài 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

Nguyễn Hòa – Hạnh Dung
09:00, 31/05/2024

Tai nạn lao động (TNLĐ) có thể xảy ra ở bất kỳ loại hình doanh nghiệp (DN) nào, bất cứ lúc nào và với bất cứ ai nếu công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không được đảm bảo.

Lực lượng chức năng của tỉnh có mặt tại hiện trường vụ nổ lò hơi ở Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn. Ảnh: N.Hòa

Qua kiểm tra tại nhiều DN, công trình xây dựng trên địa bàn Đồng Nai, cơ quan chức năng nhận thấy nhiều chủ DN chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ các quy định đề ra. Bên cạnh đó, không ít người lao động (NLĐ) thiếu hiểu biết, còn chủ quan, chưa quan tâm đến an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân.

DN còn coi thường tính mạng NLĐ

Liên quan đến vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định, nồi hơi của công ty đã hết hạn kiểm định an toàn từ ngày 26-11-2022, bình nén đã hết thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn từ ngày 5-1-2024. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ lò hơi là do nồi hơi và bình nén khí đã hết hạn kiểm định an toàn nhưng công ty không tiến hành kiểm định theo đúng quy định mà vẫn đưa vào hoạt động, sản xuất. Trong vụ việc này, ông Feng Yong (quốc tịch Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam) là người chỉ đạo lắp đặt nồi hơi, điều hành mọi hoạt động của công ty. Do đó, hành vi của ông Feng Yong có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về an toàn lao động được quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mới đây, thực hiện giám sát tại công trình xây dựng Trường tiểu học Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa) do Công ty CP K. và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đ. thi công, đoàn giám sát liên ngành của tỉnh ghi nhận vật liệu xây dựng chưa được sắp xếp gọn gàng; thực hiện lắp đặt đường dây điện đi cao trên 2m nhưng còn một số vị trí dây điện để đi dưới đất. Tại khu vực khối hành chính tiếp giáp với nhà dân đã được thi công phần móng nhưng phần tường nhà của các hộ dân đang được tháo dỡ chưa hoàn thiện, có nguy cơ gây nguy hiểm cho NLĐ.

Đoàn giám sát đã yêu cầu đơn vị thi công thiết lập rào chắn, gắn biển báo và yêu cầu tạm ngừng thi công tại khu vực khối hành chính. Yêu cầu tổ chức tháo dỡ ngay phần tường còn lại tại khối hành chính để đảm bảo an toàn cho NLĐ và chỉ được tiếp tục thi công sau khi đã hoàn thành việc tháo dỡ tại khu vực này.

Giám sát tại Công ty TNHH Jungwoo Vina và Công ty TNHH Ubest Việt Nam Polymer Industry (huyện Nhơn Trạch), đoàn giám sát đề nghị các DN rà soát khai báo các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo đúng quy định. Đặc biệt, đối với người vận hành lò hơi cần phải huấn luyện an toàn và kỹ thuật trong quá trình vận hành máy. Ngoài ra, DN cần bố trí nhân viên vận hành lò hơi ở khu vực riêng để đảm bảo an toàn…

NLĐ còn chủ quan, thiếu hiểu biết

Bên cạnh nguyên nhân từ phía chủ DN thì NLĐ cũng có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra các vụ TNLĐ.

Mới đây, tại Công ty TNHH Thông Thái Phát (ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đã xảy ra vụ TNLĐ thương tâm làm một công nhân tử vong. Người tử vong là anh P.M.H., 31 tuổi. Khoảng 7 giờ 30 ngày 7-5, nhân viên công ty không thấy anh H. nên chia nhau ra tìm. Nghi anh H. gặp TNLĐ, nhân viên công ty kiểm tra camera an ninh thì phát hiện hơn 7 giờ sáng cùng ngày, trong lúc làm việc gần cối xay giấy, anh H. trượt chân vào bên trong và tử vong.

Hay vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty TNHH X.R.I. (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) vừa qua cũng có một phần nguyên nhân do NLĐ. Theo đó, trưa ngày 19-5, nhà xưởng của Công ty TNHH X.R.I. bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhân viên cơ điện của công ty trong quá trình sửa máy đã làm tràn dầu gia nhiệt ra đường ống dẫn dầu dẫn đến cháy lan. Vụ tai nạn khiến anh Nguyễn Anh Tuấn (40 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng 70% cơ thể, nhất là ở vùng đầu mặt cổ, ngực, lưng, tay, 2 chân bị phồng rộp, đau rát, ứ dịch.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, qua các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương khác trong cả nước cho thấy, nhiều quy định về ATVSLĐ theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được chấp hành. Các quy trình làm việc, phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp không được triển khai. Việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, đặc biệt là máy, thiết bị, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được thực hiện một cách đầy đủ theo đúng yêu cầu. Điều đó cho thấy DN chưa thực sự tuân thủ các quy định pháp luật, chưa thực hiện hết trách nhiệm về đảm bảo an toàn, sức khỏe cho NLĐ tại nơi làm việc. Về phía NLĐ cũng chưa có ý thức, kiến thức, trách nhiệm về thực hiện an toàn tại nơi làm việc, đôi khi còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tiến sĩ Thơ nhấn mạnh: “Người sử dụng lao động và NLĐ phải thực sự coi công tác đảm bảo ATVSLĐ là điều kiện tiên quyết trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Chủ DN hãy xem NLĐ là tài sản lớn nhất của DN, là điều kiện cần thiết và là nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững của DN. Còn NLĐ hãy tự giác, có ý thức, trách nhiệm với chính mình và công việc mình đang làm”.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong quý I-2024, có 14 DN tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, bố trí việc làm cho 616 lao động. Trong khi đó, chỉ tiêu đưa ra là 70 DN và 22 ngàn lao động.

Lơ là với bệnh nghề nghiệp

Khoản 1, 2 và 3, Điều 21 Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định, hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ ít nhất một lần. Đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều DN chưa thực hiện đúng quy định này.

Kiểm tra thực tế tại công trình xây dựng 24 phòng học Trường tiểu học Bình Đa (thành phố Biên Hòa), đoàn giám sát liên ngành của tỉnh ghi nhận, đơn vị thi công chưa tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí cho NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại công trình; chưa tổ chức tập huấn sơ cấp cứu; chưa trang bị đầy đủ dụng cụ để sơ cấp cứu…

Phó trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng (Sở Công thương) Nguyễn Trung Hậu cho biết, Đồng Nai hiện có gần 20 mỏ khai thác đá, tập trung tại thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc. Trong đợt kiểm tra ATVSLĐ tại một số mỏ khai thác đá vừa qua, đoàn kiểm tra đã chỉ ra những thiếu sót của các DN như: chưa bồi dưỡng cho NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại; chưa cấp phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLĐ; chưa lắp dựng các biển ảnh báo nguy hiểm đặt tại khu vực khai thác đá…

Một lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, trên thực tế có nhiều DN tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ chỉ mang tính hình thức, đối phó hoặc hợp đồng với những cơ sở y tế không uy tín, nhận thầu với giá từ 8-20 ngàn đồng/lượt khám, chỉ bằng 1/10 chi phí theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, có tình trạng NLĐ không đi khám sức khỏe nhưng mua giấy khám sức khỏe giả của một số phòng khám tư nhân để đạt mục đích.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, vẫn còn nhiều DN lơ là vấn đề khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Trong khi đó, NLĐ đang phải đối mặt với khá nhiều bệnh nghề nghiệp do làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Nếu không được khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của NLĐ, cũng như ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của DN.

Nguyễn Hòa – Hạnh Dung

Bài 3: Cần mạnh tay xử lý tận gốc

Tin xem nhiều