Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui như… chôm chôm ra trái sớm

An Nhơn
08:22, 12/04/2024

Thời tiết mùa khô năm nay khắc nghiệt, gây nhiều bất lợi cho cây ăn trái, trong đó có chôm chôm. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn ở thành phố Long Khánh đã biết cách theo dõi chặt chẽ tình tình thời tiết cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc vườn chôm chôm ra hoa, kết trái sớm hơn so với các năm trước.

Ông Hoàng A Pẩu (phải, ngụ xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn chôm chôm ra hoa, kết trái sớm. Ảnh: A.Nhơn

Việc chăm sóc vườn chôm chôm ra trái sớm đem lại nhiều lợi ích như: sản lượng trái nhiều, thương lái đến tận vườn mua chôm chôm với giá cao… Do vậy, nhiều nhà vườn đang kỳ vọng mùa chôm chôm năm nay sẽ “được mùa, được giá”.

Lợi ích mang lại

Một ngày đầu tháng 4-2024, chúng tôi theo đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Bảo Quang (thành phố Long Khánh) đến tham quan khu vườn chôm chôm Thái rộng khoảng 1 hécta đang ra hoa, kết trái sớm của gia đình ông Hoàng A Pẩu (ngụ ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang). Ông Pẩu là một trong những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ nhiều năm nay.

Ông Pẩu cho biết, công việc chăm sóc vườn diễn ra quanh năm nhưng ông thường chú trọng nhiều hơn giai đoạn cây chôm chôm ra hoa, kết trái. Ông đã dành nhiều thời gian theo dõi và chăm sóc cây trồng ở ngoài vườn xuyên suốt hơn một tháng qua. Bởi thời tiết đang khô hanh, nắng nóng gay gắt thì việc tưới nước phải thường xuyên, kịp thời để cho cây khỏe mạnh, nuôi trái lớn, chất lượng tốt.

Gia đình ông Pẩu sở hữu khu vườn cây ăn trái rộng hơn 1,8 hécta, trong đó ông dành khoảng 1 hécta trồng cây chủ lực chôm chôm, phần đất còn lại được trồng một số loại cây ăn trái khác như: bưởi, mít… Riêng mô hình trồng chôm chôm đã được ông duy trì gần 30 năm nay. Ban đầu, ông đầu tư trồng cây chôm chôm tróc nhưng giá cả ngày càng bấp bênh, dẫn đến thu nhập không ổn định. Sau đó, ông đã quyết định dùng kỹ thuật tiên tiến để ghép giống chôm chôm Thái vào thân cây chôm chôm tróc và duy trì mô hình ổn định cho đến nay gần 10 năm. Nhờ biết tính toán làm ăn có hiệu quả, mô hình vườn cây ăn trái đã giúp kinh tế gia đình ông ngày càng trở nên khấm khá.

Nhìn những cây chôm chôm Thái đang ra sum suê trái, ông Pẩu phấn khởi chia sẻ, để có được vườn cây ra hoa, kết trái sớm và cho năng suất cao như hiện nay, ông đã nỗ lực phấn đấu không ngừng trong suốt một năm qua. Tức là ông sớm bắt tay vào việc dọn dẹp vệ sinh khu vườn, tỉa cành cho cây trồng ngay sau khi thu hoạch xong vụ chôm chôm năm 2023. Tiếp đến, ông tiến hành bón các loại phân (phân hữu cơ, phân đạm…) với tỷ lệ liều lượng phù hợp nhằm thúc cho cây nhanh chóng phục hồi và khỏe mạnh để phát triển chồi mới. Ông tiếp tục bón thêm một lần phân nữa vào khoảng tháng 8-2023 nhằm thúc cho cây sung sức chuẩn bị vào mùa ra hoa, kết trái.

Bên cạnh đó, tình hình mùa khô năm nay đến sớm và kéo dài đã gây ra nhiều bất lợi cho cây chôm chôm. Ông Pẩu sớm nắm bắt được tình hình và đã chủ động triển khai phương án tưới nước cho cây chôm chôm kịp thời, đầy đủ. Nhờ cách chăm sóc bài bản và đúng kỹ thuật đã giúp cho vườn chôm chôm của gia đình ông hiện rất tươi tốt và cho ra hoa, kết trái nhiều.

“Dự tính còn khoảng 15 ngày nữa, vườn chôm chôm của gia đình tôi sẽ cho thu hoạch. Mùa chôm chôm năm ngoái cho thu hoạch khoảng 8-9 tấn trái, sản lượng năm nay có thể tăng lên hơn 10 tấn trái. Tôi kỳ vọng vào mùa chôm chôm này, vì chôm chôm chín sớm có được sản lượng nhiều và thường được thương lái mua với giá cao, giúp cho gia đình tăng thêm thu nhập”- ông Pẩu bộc bạch.

Làm du lịch sinh thái vườn

Việc trồng chôm chôm để thu hoạch trái bán cho thương lái thường xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thu nhập bấp bênh. Do vậy, trong thời gian qua, nhiều nhà vườn trên địa bàn thành phố Long Khánh đã chọn hướng đi bền vững bằng cách liên kết cùng nhau đầu tư làm du lịch sinh thái vườn để phục vụ du khách gần xa. Cách làm này đã giúp họ mang lại nguồn thu nhập ổn định ở mức cao, vừa tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc vườn cây ăn trái

Rời gia đình ông Hoàng A Pẩu, chúng tôi đến tham quan khu vườn chôm chôm Thái rộng hơn 4 sào của ông Nguyễn Văn Thảo nằm cách đó khoảng 2km (cũng ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang). Ông Thảo cũng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, giúp cho vườn chôm chôm tươi tốt và ra trái sớm hơn những năm trước.

“Hiện vườn chôm chôm đã cho trái lớn và dự tính khoảng 10 ngày nữa sẽ cho thu hoạch trái. Sản lượng năm nay ước khoảng 4 tấn trái, có thể tăng gấp đôi so với sản lượng năm rồi” - ông Thảo phấn khởi cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông Thảo, thời tiết thay đổi thất thường có tác động rất lớn đối với cây trồng. Do đó, người nông dân phải biết cách theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, đồng thời kết hợp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào khâu chăm sóc, giúp cho vườn cây ra hoa, kết trái vào thời điểm phù hợp để có thể đạt hiệu quả cao như mong muốn.

Việc nông dân ở thành phố Long Khánh chăm sóc vườn chôm chôm ra hoa, kết trái sớm có nhiều lợi ích như: tránh được thời tiết khắc nghiệt hiện nay, năng suất tăng cao. Ảnh: An Nhơn

Chẳng hạn, mùa khô năm nay đến sớm và tình trạng nắng nóng, khô hanh kéo dài trong nhiều tháng liền. Thời điểm này mà cây chôm chôm ra hoa, kết trái sẽ “lợi bất, cấp hại”, vì thời tiết khắc nghiệt khiến cho hoa khô héo, tỷ lệ đậu trái rất thấp. Do vậy, ông Thảo đã nhạy bén chọn phương án cho vườn chôm chôm ra hoa, kết trái sớm hơn mọi năm bằng việc tăng cường chăm sóc bón phân, đặc biệt là khâu tưới nước phải đầy đủ, kịp thời trong mùa khô.

“Kinh nghiệm chăm sóc vườn chôm chôm của tôi có khác so với một số người. Tức là khi bón phân xong, tôi phải tưới nước bằng tay (tưới thủ công) để giúp phân mau hòa tan và thấm nhanh vào đất vườn cho khỏi bị thất thoát. Đồng thời, tôi kết hợp tưới nước bằng hệ thống tự động nhằm giúp cho cây chôm chôm hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng. Cách làm này còn giúp cho vườn chôm chôm luôn đủ nước trong mùa khô để cây trồng sung sức, ra trái sớm và đạt chất lượng tốt” - ông Thảo bộc bạch.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang Lê Viết Long cho biết, hiện trên địa bàn xã Bảo Quang có khoảng 80 hécta đất vườn trồng chôm chôm. Thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây ăn trái (trong đó có chôm chôm) nhằm giúp bà con nông dân trên địa bàn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc vườn cây ăn trái. Nhiều người đem những kiến thức học được từ các chương trình tập huấn áp dụng vào mô hình của gia đình và đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Như mùa chôm chôm năm nay, nhiều nông dân đã biết cách chăm sóc cho vườn cây ra hoa, kết trái sớm.

Cũng theo ông Long, qua chuyến đi tham quan vừa rồi, đoàn cán bộ địa phương đã ghi nhận và đánh giá cao cách làm hiệu quả của một số nông dân như: Hoàng A Pẩu, Nguyễn Văn Thảo…, bởi họ đã biết cách áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc vườn chôm chôm cho ra hoa, kết trái sớm. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích, giúp vườn cây tránh được thời tiết khắc nghiệt hiện nay, năng suất đạt cao. Hơn nữa, chôm chôm đầu mùa thường được thương lái mua với giá cao, giúp cho nông dân tăng thêm thu nhập.

“Đây là tín hiệu vui và mong rằng bà con nông dân tiếp tục phát huy những cách làm hiệu quả trong thời gian tới để góp phần vào sự phát triển chung của địa phương” - ông Long chia sẻ.

An Nhơn

Từ khóa:

chôm chôm

Tin xem nhiều