Bị cô lập, không có bạn bè cùng chơi; bị bêu xấu, “bóc phốt” trên mạng xã hội… là những kiểu bạo lực tinh thần học đường mà không ít học sinh gặp phải. Hình thức bạo lực này khiến nạn nhân rơi vào khủng hoảng tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học.
Học sinh cần có môi trường, các hoạt động để gắn kết trong tập thể. Ảnh minh họa: Hải Yến |
Sự can thiệp kịp thời, đúng cách của cha mẹ sẽ giúp học sinh lấy lại cân bằng về cảm xúc, hóa giải được mâu thuẫn trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phụ huynh buộc phải lựa chọn phương án chuyển trường, mong muốn con đến với môi trường học tập mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn.
Ngột ngạt, bất lực vì cảm giác bị cô lập
Chị H. (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) có con gái đang học lớp 10 tại một trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Một buổi trưa đi học về, cô bé gục mặt xuống bàn khóc nức nở vì những ấm ức phải chịu ở trường học. Cô bé gần như rơi vào khủng hoảng nên chị H. quyết định cho con tạm nghỉ học ít ngày để tìm cách giải quyết vấn đề của con, chờ đợi con ổn định tâm lý rồi mới đi học trở lại.
Theo lời chị H., thời gian gần đây, con gái chị có biểu hiện trầm cảm, nguyên nhân là do bé bị cô lập ở trường. Chị H. đã thử tâm sự cùng con gái, cô bé cho rằng, vì “con học không giỏi cũng không xinh nên không được các bạn chào đón”. Chị H. đã động viên con cố gắng vượt qua và dự định hết năm học này sẽ chuyển con đi học trường mới. Đồng thời, chị cũng chủ động liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, giáo viên không gặp mặt mà giới thiệu chị H. lên gặp ban giám hiệu.
Trong trường hợp đã cố gắng tìm mọi cách kết nối mà kết quả không như mong muốn thì chuyển trường có thể là một giải pháp, nhưng không hoàn toàn hiệu quả, đặc biệt trong trường hợp bạo lực học đường có nguyên nhân xuất phát từ nạn nhân. Do vậy, cần nhận diện bản chất vấn đề để đưa ra giải pháp căn cơ.
Chị H. chưa kịp gặp ban giám hiệu để trình bày sự việc thì ngay hôm sau con gái của chị đã bị giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải viết bản tường trình nhận lỗi. Cô bé uất ức quá nên về đến nhà là khóc tức tưởi.
“Tôi có tin nhắn mà các bạn chỉ trích bé trên mạng xã hội. Còn sự cô lập thì vô hình lắm. Nó không thể hiện rõ ràng nhưng lại cho mình cảm giác ngột ngạt và bất lực” - chị H. tâm sự.
Cũng rơi vào tình huống tương tự như chị H., con gái của chị T.T.D. (ngụ phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) cũng bị bạn bè cô lập. Khoảng thời gian đó, việc phải đi học gần như là một cực hình đối với cô bé.
Để giúp con thoát khỏi tình huống này, chị D. đã chủ động tìm hiểu diễn biến sự việc, phân tích kỹ nguyên nhân, đồng thời xác định rõ mấu chốt của hành động bạo lực tinh thần học đường này. Sau khi hiểu rõ ngọn ngành sự việc, chị D. đã chủ động liên hệ với phụ huynh có con trực tiếp “cầm đầu” việc bạo lực học đường để cùng nhau tháo gỡ.
Người lớn hai bên bình tĩnh nói chuyện, đồng thời phân tích, giảng giải cho các con cùng nghe. Sự việc sau đó được tháo gỡ êm đẹp và cô con gái của chị D. đã có thể thiết lập lại mối quan hệ bạn bè bình thường, ổn định tâm lý để tiếp tục việc học.
Hóa giải bạo lực ở học đường
Trên thực tế, bạo lực học đường có nhiều hình thức, trong đó có những hình thức thuộc về bạo lực tinh thần, tác động trực tiếp về mặt cảm xúc đối với nạn nhân. Chẳng hạn, hình thức dùng lời nói, cử chỉ mang tính xúc phạm, dọa nạt, sỉ nhục, đổ oan, dựng chuyện, vu khống, tẩy chay, cô lập…
Nạn nhân của những vụ bạo lực tinh thần này thường sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, thậm chí trên thực tế đã có học sinh không chịu đựng được áp lực đã chọn cách tự tử để giải thoát cho chính mình (vụ việc nữ sinh lớp 10 ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tự tử hồi tháng 4-2023).
Thạc sĩ Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển giáo dục V-life; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống Đồng Nai (thành phố Biên Hòa), cho biết hiện nhiều học sinh bị bạo lực ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, tình trạng bị tẩy chay, cô lập thường hay gặp trong học đường; đặc biệt là ở trường trung học phổ thông. Những nạn nhân bị bạo lực thường là đối tượng yếu thế: tương tác xã hội kém, chậm phát triển về trí tuệ; có khiếm khuyết về hình thể…
Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều phía, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan từ chính các nạn nhân. Do vậy, muốn giải quyết bạo lực học đường cần phải tìm hiểu nguyên nhân cả khách quan và chủ quan để giải quyết hợp lý.
Theo ông Phúc, giáo viên chủ nhiệm cần tạo môi trường, các hoạt động để tập thể lớp gắn kết (ví dụ: hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt lớp; động viên, cổ vũ để các bạn mở lòng, thấu hiểu nhau hơn); tạo môi trường cho học sinh tham gia học các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm… Qua đó, các bạn có cơ hội tương tác, thấu hiểu nhau; thấu hiểu sự cho đi - nhận lại; đúc rút kinh nghiệm, kiến thức, hiểu được giá trị của bản thân…
Với những trường hợp thường xuyên bị bắt nạt thì học sinh cần chủ động tìm sự trợ giúp, chia sẻ.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin