Trong 2 năm 2022 và 2023, chị Nguyễn Thị Hiển (tiểu thương kinh doanh than củi tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đã vận động được gần 27 tỷ đồng để trợ giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đây là giá trị rất lớn mà một cá nhân buôn bán nhỏ kết nối, vận động được để làm từ thiện trong thời gian ngắn.
Chị Nguyễn Thị Hiển (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) cùng gia chủ được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiểm tra kết cấu, mẫu mã cửa chính vừa được lắp đặt vào chiều 9-4. Ảnh: Sông Thao |
Số tiền lớn này được chị Hiển vận động từ nhiều nguồn ở trong và ngoài nước, qua đó giúp cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Giỏi kết nối, vận động
Chị Hiển năm nay 35 tuổi. Từ năm 25 tuổi, khi công việc ổn định, chị bắt đầu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
“Thời điểm đó mình làm việc cho nhiều công ty, có cả công ty nước ngoài. Thu nhập ổn định nên mình trích một phần giúp người khó khăn. Khi ra ngoài kinh doanh nhỏ, mình tiếp tục duy trì việc làm này như một thói quen trong cuộc sống. Ban đầu, có bao nhiêu mình giúp bấy nhiêu. Rồi thì anh em trong nhà, bạn bè muốn làm từ thiện chung nên góp lại với nhau. Nhờ vậy mà nhiều người được giúp hơn, với nhiều phương thức từ trợ cấp hàng tháng, xây mới - sửa nhà, giúp tập sách cho trẻ em đến trường…” - chị Hiển chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp tích cực trong hoạt động an sinh xã hội của các tập thể, cá nhân, chị NGUYỄN THỊ HIỂN là một trong 32 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen gương Người tốt, việc tốt năm 2023.
Năm 2022 là bước ngoặt lớn đối việc làm từ thiện khi chị Hiển kết nối Tổ chức Children Are Innocent (Singapore) giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Qua quá trình tìm hiểu, chị Hiển nhận thấy đây là tổ chức chuyên giúp đỡ nhiều trẻ em mắc bệnh não úng thủy, bệnh hiểm nghèo ở Việt Nam và thực hiện các dự án trợ giúp cộng đồng. Sau thời gian tương tác, chị trở thành thành viên của tổ chức này. Từ đó, bằng thông tin chính quyền địa phương cung cấp, chị đã giới thiệu cho tổ chức này điều trị trong nước cũng như đưa trẻ ra nước ngoài điều trị với mức chi phí hỗ trợ điều trị, đi lại khá cao. Bên cạnh đó, chị đã tìm hiểu hoàn cảnh và vận động xây dựng nhà ở cho 21 trường hợp.
Điểm đáng lưu ý là kinh phí xây dựng nhà ở do chị Hiển vận động, kết nối có giá trị ban đầu khá cao, từ 130-150 triệu đồng/căn hoặc có thể cao hơn. So với mức hỗ trợ bình quân tỉnh đang áp dụng từ 80 triệu đồng trở lên/căn nhà tình thương thì số tiền này khá lớn. Nhờ kinh phí hỗ trợ ban đầu lớn cộng với sự giúp sức thêm từ chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng mà mỗi căn nhà người dân nhận bàn giao có diện mạo, chức năng sinh hoạt tốt hơn.
Anh Trần Lê Duẫn (ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán) cho hay, ngày 10-4-2024, gia đình anh chính thức dọn vào sống trong căn nhà mới kiên cố. Căn nhà do chị Hiển vận động cho gia đình anh Duẫn có giá trị khoảng 180 triệu đồng với hiên nhà, phòng khách, 2 phòng ngủ, nhà vệ sinh, nhà bếp, mái tôn có la phông, cửa sắt, tường sơn…
“Ban đầu, khi được địa phương thông tin gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở, tôi không nghĩ sẽ có được căn nhà kiên cố và rộng rãi như thế này. Vì mình nhìn nhiều nhà tình thương khác thấy kinh phí có hạn nên nhà xây xong cũng khiêm tốn, chỉ có hiên nhà, phòng khách, một phòng ngủ và nhà bếp, nhà vệ sinh. Có nhà thì tường tô, có la phông nhưng có chỗ không” - anh Duẫn chia sẻ.
Theo bà Huỳnh Thị Sanh (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 8, xã Gia Canh), thay vì khoán trắng mọi việc cho nhà thầu, gia đình, địa phương, với vai trò người đại diện nguồn lực, mỗi tuần 2 lần, chị Hiển đều tìm đến xem tiến độ xây dựng, gặp gỡ gia đình để xem có điều gì vướng mắc hay cần trợ giúp thêm. Điều này khiến bà con cũng như đoàn thể ở ấp rất vui.
10 năm rong ruổi giúp người gặp khó khăn
Ngoài xây dựng nhà ở cho những hoàn cảnh khó khăn, trong khoảng thời gian 10 năm làm từ thiện đã qua của mình, chị Hiển đã giúp cho nhiều trường hợp kém may mắn khác.
Trong số này có 3 gia đình được chị vận động để được nhận trợ cấp hàng tháng. Những hoàn cảnh này đều rất đáng thương khi thiếu vắng tình thương của cha mẹ, phải sống phụ thuộc vào ông hoặc bà, nhưng ông, bà cũng nghèo nên khó lòng lo cho các cháu.
Trong đó có trường hợp ông Sáu Bắp (ngụ xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) một mình phải nuôi người con gái bị bệnh tâm thần và 2 cháu ngoại đang tuổi mẫu giáo, còn vợ ông thì mới qua đời. Hàng ngày, ông bán bắp luộc dạo để kiếm tiền nuôi cả nhà.
“Chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm trợ giúp cho nhà ông Sáu Bắp. Đã có những hội, nhóm hỗ trợ cho gia đình ông, nhưng bao nhiêu cho đủ với hoàn cảnh éo le này. Vì vậy, tôi tiếp tục vận động hỗ trợ thêm cho gia đình 3 triệu đồng/tháng” - chị Hiển chia sẻ.
Bà Mai Thị Hường (ngụ xã Phú Ngọc) đã gần 75 tuổi nhưng vẫn phải thay con trai mới qua đời để chăm sóc cho 3 cháu đang trong độ tuổi mầm non, tiểu học. Mẹ của 3 cháu bỏ nhà đi, một mình bà phải cáng đáng vừa nuôi, vừa dạy các cháu. Ngoài ra, bà còn phải lo cho người con trai bị khuyết tật. Đó là điều quá sức với bà.
Người con trai khuyết tật được trợ cấp 450 ngàn đồng/tháng, bà được hưởng chế độ nuôi dưỡng người khuyết tật 150 ngàn đồng/tháng. Bà Hường cho biết, gia đình không có đất canh tác, thu nhập của bà đến từ việc phân loại ve chai mướn. Vì vậy, đời sống của 5 mẹ con, bà cháu rất khó khăn.
Bà Hường nói: “Chị Hiển đã trợ cấp 3 triệu đồng/tháng để mấy bà cháu tôi nuôi nhau. Số tiền này đối với cả nhà 5 người chúng tôi là rất lớn. Nếu cộng thêm khoản do Nhà nước trợ cấp, tiết kiệm chi tiêu gia đình vẫn đủ ăn”.
Trước đó, khi người con trai đầu của bà qua đời, chị Hiển cũng là người đứng ra vận động để cùng gia đình lo hậu sự chu đáo cho anh.
Chị Hiển cho hay, trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo đã có rất nhiều vấn đề phát sinh. Do vậy, ngoài sự đồng cảm với người cần giúp đỡ, chị luôn dặn mình phải tỉnh táo trong việc tìm hiểu thông tin của các đối tượng được trợ giúp. Bên cạnh đó, phải minh bạch trong mọi khoản thu - chi để trước hết không ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và quan trọng là đảm bảo nguồn lực đến đúng với người cần trợ giúp.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin