Vừa thao tác với máy cắt thịt bò thành lát để bỏ mối cho các quán lẩu - nướng, người bán lẻ ở chợ, anh Phạm Văn Trịnh (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) vừa cho hay, công việc này là nguồn thu nhập chính của một người khuyết tật chân như anh cũng như gia đình trong nhiều năm qua.
Gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Văn Trung (phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) bên quầy hàng tạp hóa nhỏ của gia đình có một phần vốn vay từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Ảnh: S.THAO |
Anh Trịnh là một trong số rất nhiều trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình khó khăn, người khuyết tật… vừa được nhận quà nhiều đợt trong năm, vừa nhận vốn vay để tự tạo việc làm.
Đa dạng nguồn vốn tạo việc làm
Hiện nguồn vốn giúp dân tự tạo việc làm tại Đồng Nai rất đa dạng từ nguồn lực nhà nước đến vốn cộng đồng.
Cụ thể, năm 2024 tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh là gần 5,13 ngàn tỷ đồng, tăng 142 tỷ đồng so với năm 2023. Trong số này, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tăng 154 tỷ đồng so với năm 2023.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG, các đơn vị liên quan cần phối hợp tốt hơn nữa để đảm bảo người vay sử dụng đúng mục đích. Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn, cần quan tâm hỗ trợ người dân đầu tư tăng hiệu quả, giảm rủi ro.
Điểm đáng chú ý là ngay từ đầu năm 2024, các huyện, thành phố đã hoàn thành chuyển bổ sung 60 tỷ đồng nguồn vốn nhận ủy thác theo kế hoạch năm 2024 sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh. Nhờ vậy mà năm nay, nguồn vốn cho vay đối với 16 chương trình cho vay tín dụng chính sách được đánh giá tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu của người vay. Đây được xem là nguồn vốn vay bao quát, ổn định hỗ trợ người nghèo, gia đình khó khăn và nhóm nằm trong đối tượng được vay vốn chính sách theo quy định.
Theo ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, chương trình cho vay giải quyết việc làm được dự báo sẽ là chương trình mà người dân có nhu cầu vay lớn trong thời điểm việc làm của bà con bị ảnh hưởng như hiện nay. Đồng thời, hệ thống tiếp tục triển khai sát sao chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đối với gần 8 ngàn hộ nghèo và 6,6 ngàn hộ cận nghèo. Mục tiêu nhằm đảm bảo không bỏ sót người có nhu cầu vay vốn nằm trong nhóm này.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình cho vay vốn chính sách đối với người hoàn thành xong án phạt tù áp dụng từ cuối năm 2023 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các ngành liên quan triển khai đến những trường hợp có nhu cầu. Theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng 200 trường hợp có nhu cầu vốn từ chương trình này.
Cùng với nguồn vốn chính sách từ ngân sách nhà nước, nhiều “cần câu” từ nguồn vốn cộng đồng cũng đang được đẩy mạnh triển khai để giúp người dân “câu cá” nuôi thân và gia đình.
Cụ thể, 167 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thuộc hội người cao tuổi các xã, phường, thị trấn hiện đã huy động từ 7 ngàn thành viên (chủ yếu là người cao tuổi tại địa phương), mạnh thường quân được gần 5 tỷ đồng để chăm sóc sức khỏe, tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao, nhất là hỗ trợ phát triển kinh tế. Thông qua mô hình này, những khoản vay nhỏ từ 10-50 triệu đồng dành cho thành viên đã giúp nhiều người có vốn tự tạo việc làm.
Theo ông Nguyễn Công Ngôn, Phó trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, nguồn vốn trợ giúp này đáp ứng nhu cầu thực tế của hội viên trong tạo việc làm phù hợp với tình trạng sức khỏe, điều kiện sống. Từ đó giúp người cao tuổi khó khăn có điều kiện chủ động trong chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, các hội đoàn thể ở cơ sở cũng tạo nguồn quỹ để hỗ trợ hội viên vay vốn với lãi suất gần bằng 0 nhằm tự tạo việc làm. Như thông qua thực hiện Dự án Ngân hàng bò, đã có gần 200 con bò giống được trao cho các hộ nghèo chăn nuôi. Cũng từ mô hình này, tùy vào diện tích chăn nuôi, điều kiện tìm kiếm nguồn thức ăn mà thay vì bò giống, số tiền mua bò được thay bằng dê giống, heo rừng lai, gà giống theo nguyện vọng của người được hỗ trợ.
Ngoài ra, mỗi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã, phường hỗ trợ cho vay vốn từ 2-5 trường hợp với số tiền từ 2-20 triệu đồng. Riêng các hội đoàn thể cơ sở ấp, khu phố đều huy động từ hội viên, mạnh thường quân đóng góp tạo quỹ để cho hội viên vay những khoản vốn nhỏ để cải tạo vườn cây, nuôi cá, mua hàng bán tạp hóa… Nhờ vậy, người khó khăn về vốn có nhu cầu tự tạo việc làm chính đáng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi thay vì chọn khoản vay xã hội với lãi suất cao.
Hỗ trợ, giám sát người dân sử dụng vốn vay
Song song với việc chuẩn bị tốt nguồn vốn cho vay thì công tác giám sát, đồng hành cùng bà con trong sử dụng tiền vay rất được chú trọng.
Theo ông Lê Bá Chuyên, hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm là chương trình tín dụng chính sách có số vốn giải ngân và hộ vay cao nhất trong số 16 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai. Để tiếp tục đáp ứng nguồn vốn theo nhu cầu của người dân, theo ông Chuyên, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cùng các tổ chức thành viên, hội đoàn thể nhận vốn ủy thác, chính quyền các cấp sẽ tạo điều kiện để người dân thuận lợi thực hiện thủ tục vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng vay, vốn vay đúng mục đích và giám sát sau vay vốn. Ngoài ra, người dân vay vốn được tiếp cận với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chương trình tập huấn sản xuất nông nghiệp. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ thực hiện bình xét cho vay, thu tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm hàng tháng mà còn đồng hành cùng người vay trong tổ khi đầu tư vào buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt bằng kinh nghiệm thực tế.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các huyện, thành phố đã ký kết Chương trình Phối hợp cùng MTTQ cùng cấp nhằm tạo điều kiện hỗ trợ gắn với giám sát quá trình triển khai vốn vay.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, mục tiêu trọng tâm trong năm của tổ chức hội là tiếp tục giúp dân tạo sinh kế. Để làm được điều này, tổ chức hội đẩy mạnh việc huy động thêm ngày càng nhiều nguồn lực cộng đồng, trong đó có thu hút sự quan tâm, chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp. Song song đó, tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở cũng chú trọng đến việc hỗ trợ người dân đầu tư nguồn vốn sao cho hiệu quả. Cụ thể, trong quá trình triển khai chương trình giúp vốn tạo việc làm, dù mục tiêu ban đầu là giúp con giống song thời điểm giao vốn vật nuôi bị dịch bệnh hay người cần nhận vốn muốn chuyển sang đầu tư nghề khác. Với những trường hợp này các cấp hội đều tạo điều kiện thuận lợi để bà con thuận tiện nhất, đồng thời đảm bảo nguồn vốn không tiêu hao mà phải sinh lợi cho gia đình.
Bên cạnh những yếu tố tác động từ bên ngoài, theo ông Đào Hữu Phú, Bí thư Chi bộ ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, trong quá trình nhận vốn vay ưu đãi, người vay vốn cần thể hiện trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn, lãi đúng thời gian quy định, có sự tính toán kỹ lưỡng trong sử dụng vốn nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình làm ăn. Đây được xem là yếu tố quyết định để vốn vay không mất, người vay không gánh nợ mà còn làm lợi cho bản thân, gia đình. Thời gian qua, nhờ trưởng các hội đoàn thể theo sát người vay vốn để xem bà con đầu tư làm gì, quá trình làm có gặp trở ngại ra sao để kịp thời tư vấn, hỗ trợ và người vay chí thú làm ăn nên ấp chưa để tình trạng mất vốn vay diễn ra.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin