Tiền hôn nhân là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tư vấn về sức khỏe sinh sản cho một cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Ảnh: H.Dung |
Các chuyên gia khuyến cáo, để gia đình nhỏ sau kết hôn duy trì được hạnh phúc và tránh những hệ lụy có thể xảy ra liên quan đến vấn đề sức khỏe (có thể phòng tránh được), các cặp đôi nên đi khám sức khỏe tầm soát từ 3-6 tháng trước ngày cưới.
* Nên quan tâm đến sức khỏe tiền hôn nhân
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên Khoa Sản, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, trước đây, nhiều cặp đôi không quan tâm hoặc ít quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nguyên nhân là do người dân còn thiếu hiểu biết về vấn đề này. Bên cạnh đó, vì sĩ diện, sợ bạn bè, người thân biết sẽ dị nghị. Hoặc nếu một trong 2 người gợi ý hay đặt ra vấn đề này thì người kia có thể cho rằng vợ/chồng tương lai không tin tưởng mình, ảnh hưởng đến chuyện tình cảm.
Chính bởi vậy mà có không ít cặp vợ chồng sinh ra những đứa con bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh lý nguy hiểm, phải điều trị suốt đời như: bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh down… Thậm chí có những trường hợp vợ/chồng mắc HIV làm lây bệnh cho đối phương và lây truyền cho con. Từ đó, gây ra gánh nặng về chi phí điều trị, cuộc sống sinh hoạt, tình cảm và nhiều vấn đề khác đối với gia đình người bệnh cũng như sự phát triển của xã hội.
Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và hơn 20 ngàn người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị suốt đời. Mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 8 ngàn trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó có khoảng 2 ngàn trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh đa số tử vong sớm, trước 30 tuổi. |
Theo bác sĩ Phương, với sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông, đến nay nhiều người đã biết về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và số cặp đôi đến các bệnh viện để khám sức khỏe tiền hôn nhân ngày càng tăng.
Chị Mai Hồng Ngọc, 27 tuổi, ngụ phường Xuân Trung (thành phố Long Khánh) chia sẻ, chị và bạn trai chuẩn bị kết hôn nên đã đến bệnh viện khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe sinh sản, được bác sĩ tư vấn nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống hôn nhân.
“Chúng tôi muốn có đủ kiến thức và tâm lý vững vàng, sức khỏe tốt để đảm bảo đời sống sinh hoạt tình dục sau này được suôn sẻ, quá trình mang thai thuận lợi và sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Qua thăm khám, siêu âm, làm các xét nghiệm cần thiết, chúng tôi rất vui vì sức khỏe của cả 2 đều tốt” - chị Ngọc tâm sự.
Còn anh Lê Huỳnh Lê, 28 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa) cho hay, qua báo đài và thực tế chứng kiến gia đình hàng xóm có con mắc bệnh tan máu bẩm sinh, anh nhận thấy tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Anh Lê dự định tháng 7 năm nay sẽ kết hôn nên đã cùng bạn gái đi xét nghiệm máu, tầm soát các bệnh lý liên quan để chắc chắn rằng không có ai mang gen bệnh.
* Nâng cao chất lượng dân số
Bác sĩ Phương cho biết, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh vừa triển khai gói khám sức khỏe tiền hôn nhân để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương và những khu vực lân cận.
Các cặp đôi khi đến khám tại bệnh viện sẽ được khám chuyên khoa (nội, nam khoa, sản - phụ khoa) nhằm đánh giá các chỉ số cơ thể, nắm tiền sử bệnh, phát hiện các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, giải đáp những thắc mắc về sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Ngoài ra, các cặp đôi sẽ được siêu âm để đánh giá những bất thường và chẩn đoán các bệnh liên quan nếu có. Thực hiện các xét nghiệm để đánh giá tình trạng thiếu máu, một số bệnh nhiễm trùng và rối loạn đông máu; xác định nhóm máu; đánh giá đường máu, kiểm tra mỡ máu nhằm sớm ngăn ngừa những rối loạn do mỡ máu. Đồng thời, phát hiện sớm các bệnh lý về thận, gan, mật; kiểm tra virus HIV, chẩn đoán bệnh giang mai, bệnh lý tuyến giáp, phát hiện sớm các bệnh đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi mật; đánh giá chất lượng tinh trùng, chẩn đoán nguyên nhân các bệnh viêm nhiễm phụ khoa; đánh giá nội tiết tố, tầm soát ung thư cổ tử cung…
BS Trần Xuân Lam, Phụ trách Khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, khoa đang quản lý khoảng 200 bệnh nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh trong toàn tỉnh, trong đó có hơn 100 bệnh nhi phải thường xuyên truyền máu, thải sắt để đảm bảo sự sống.
Bác sĩ Lam nhấn mạnh, bệnh tan máu bẩm sinh có thể khiến kinh tế gia đình bệnh nhân kiệt quệ vì đây là căn bệnh phải điều trị suốt đời, sống phụ thuộc hoàn toàn vào truyền máu. Bệnh nhi đa số sức khỏe yếu, không thể đi học, không thể làm được những công việc mà ở lứa tuổi các em có thể làm được. Điều này ít nhiều tạo gánh nặng cho chính gia đình các em và xã hội.
“Bệnh nguy hiểm là vậy nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu các ông bố, bà mẹ tương lai đi khám sức khỏe, tầm soát tiền hôn nhân. Qua khám sức khỏe, nếu phát hiện một trong 2 người mang gen bệnh hoặc cả 2 cùng mang gen bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn cách điều trị. Từ đó, giúp các cặp đôi sinh ra những đứa con khỏe mạnh, duy trì nòi giống và nâng cao chất lượng dân số của đất nước” - bác sĩ Lam nói.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin