Đồng Nai đang trong cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng gay gắt và mức cảnh báo cháy rừng ở cấp cao nhất (cấp độ 5 - cấp độ cực kỳ nguy hiểm). Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) thời điểm này rất áp lực.
![]() |
Nhân viên kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai kiểm tra các loại dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng. Ảnh: A.Nhơn |
Thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng đã và đang nỗ lực triển khai các phương án PCCCR; huy động lực lượng, nêu cao tinh thần cảnh giác để sẵn sàng ứng phó các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
* Ngày đêm canh giữ rừng
Xuyên suốt từ dịp Tết Nguyên đán 2024 đến nay, Trạm Kiểm lâm Suối Kốp (thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt là Khu bảo tồn) đã huy động phần lớn lực lượng đi làm nhiệm vụ canh trực phòng, chống cháy ở rừng từ sáng sớm cho đến chiều tối. Chỉ còn một kiểm lâm viên được phân công trực tại trạm để theo dõi diễn biến tình hình, tiếp nhận thông tin và báo cáo kết quả lên cấp trên.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI nhấn mạnh, Đồng Nai đang vào cao điểm nhất của mùa khô, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng phải quan tâm cảnh giác cao độ; chủ động mọi tình huống, đặc biệt phải có sự chỉ đạo rốt ráo, chặt chẽ trong phân công nhiệm vụ nhằm tăng cường thực hiện công tác PCCCR đảm bảo hiệu quả. |
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Kốp Hồ Thái Nguyên cho biết, trạm hiện có 8 người và phụ trách quản lý khoảng 5 ngàn hécta rừng. Đặc trưng của trạm là phải quản lý địa bàn rộng lớn, người dân sống xung quanh rừng và canh tác trên đất giao khoán rất nhiều. Hơn nữa, mùa khô cũng là mùa thu hái nông sản nên người dân thường ra vào rừng để làm nương rẫy. Điều này khiến cho công tác QLBVR, PCCCR gặp nhiều khó khăn, áp lực vì chỉ cần sự sơ suất của người dân trong việc sử dụng lửa hay hút thuốc cũng có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Sớm nắm bắt được tình hình, lực lượng kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Suối Kốp đã tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, chính quyền địa phương thực hiện chặt chẽ công tác QLBVR, PCCCR. Ngoài tuần tra, chốt trực, truy quét để ngăn chặn các đối tượng ra - vào rừng trái phép thì trạm còn đẩy mạnh tuyên truyền về những chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
“Thời tiết đang vào cao điểm mùa khô nên công việc rất vất vả, áp lực cao, nhưng chúng tôi thường xuyên động viên nhau phải cố gắng làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ông Nguyên bộc bạch.
Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho hay, diện tích rừng do đơn vị quản lý có đường ranh giới dài tiếp giáp với 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tại khu vực này có ranh giới tự nhiên là suối Mã Đà và sông Bé, vào mùa khô, mực nước tại những con sông, suối này cạn dần, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép. Hơn nữa, một số cụm dân cư nằm tiếp giáp hoặc rải rác trong rừng vẫn còn thói quen đốt thực bì khi dọn rẫy nên dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan vào rừng. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác QLBVR, PCCCR của đơn vị.
Tuy nhiên, Khu bảo tồn đã cố gắng triển khai các phương án đã được phê duyệt để công tác PCCCR được đảm bảo. Cụ thể, bố trí lực lượng trực gác đầy đủ tại 67/67 điểm trực PCCCR; bố trí phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác PCCCR; thực hiện chế độ thông tin, cập nhật cấp dự báo cháy rừng trên website của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai hàng ngày đến các đơn vị trực thuộc để bố trí trực gác, tuần tra sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn cho thi công đường băng cản lửa; đầu tư mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng các loại trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR. Đặc biệt, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Cụ thể như: đã tuyên truyền, vận động 448 hộ dân ký bản cam kết thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR, giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư thôn - ấp; vận động người dân sử dụng phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR khi có cháy rừng xảy ra…
* Giữ màu xanh cho những cánh rừng
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú Nguyễn Lê Anh Tuấn chia sẻ, ông đã gắn bó với ngành lâm nghiệp lâu năm và thấy thời tiết mùa khô năm nay khắc nghiệt hơn nhiều so với những năm trước. Từ nhiều tháng nay, trên địa bàn huyện Tân Phú và huyện Định Quán không có những cơn mưa trái mùa, thời tiết thường xuyên nắng nóng, khô hanh khiến cho công tác PCCCR gặp không ít thách thức.
![]() |
Máy cày được Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc sử dụng vào công tác phòng, chống cháy rừng. |
Bên cạnh đó, đơn vị còn gặp khó khăn là phải quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 18 ngàn hécta ở 2 huyện này. Trong đó có hơn 1,7 ngàn hécta hiện trạng là tre nứa, hỗn giao tre - nứa - gỗ phân bố ở những vị trí đồi dốc; vào mùa khô lá tre nứa rơi rụng nhiều. Hiện có khoảng 2,5 ngàn hộ với gần 12 ngàn dân canh tác trên lâm phận sống xen kẽ trong rừng. Bà con vẫn còn giữ thói quen đốt lửa để lấy mật ong; đốt dọn rẫy; hun, đốt lá cây, phụ phẩm nông nghiệp vào mùa khô. Một số điểm như: đồi đá Hang Dơi, đồi Mum, Lồ Ô, Nứa có địa hình phức tạp, độ dốc cao gây khó khăn cho công tác di chuyển các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tiếp cận hiện trường nếu có cháy xảy ra…
Hiện các đơn vị chủ rừng đang tích cực triển khai thực hiện công tác PCCCR bằng phương án phòng là chính và với phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. |
Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đã kiện toàn ban chỉ huy PCCCR và lập 7 tiểu ban PCCCR tại các phân trường. Trên phương án đã được phê duyệt, đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên để công tác PCCCR được triển khai thực hiện chặt chẽ, đảm bảo.
“Đến thời điểm này, đơn vị đã bố trí đầy đủ nhân sự tuần tra, canh trực phòng, chống cháy rừng; tổ chức thi công phát dọn thực bì đường băng PCCCR đạt 100% theo kế hoạch đề ra; mua sắm, bảo dưỡng các loại phương tiện, máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo đáp ứng khi có cháy xảy ra. Đặc biệt, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện cơ giới, công cụ của đơn vị, nhân dân và nguồn nước có trong khu vực để phục vụ cho việc chữa cháy rừng tốt nhất có thể” - ông Tuấn cho hay.
Theo Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh, trước nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng cao, đơn vị đã cho thành lập các tổ, đội ứng trực tại các vị trí quan trọng nhằm xử lý nhanh trong công tác phòng, chống cháy; giao trách nhiệm trực tiếp cho từng cán bộ, nhân viên kiểm lâm ở từng khu vực phụ trách để thường xuyên theo dõi mọi diễn biến và báo cáo hàng giờ về hiện tượng cũng như nguy cơ xảy ra cháy ở trong rừng.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Cát Tiên còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chung tay bảo vệ rừng, PCCCR.
“Công tác PCCCR được quan tâm, chú trọng và triển khai kịp thời, bài bản nên đến thời điểm này trên địa bàn chưa để xảy ra cháy rừng” - ông Thịnh nói.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin