BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, khi tim ngừng đập, tình trạng thiếu máu có oxy trong vòng vài phút có thể gây tổn thương não không hồi phục. Tử vong sẽ xảy ra trong vòng 8-10 phút. Với bệnh nhân đột quỵ, nếu không thấy nhịp thở của người bệnh thì có thể hô hấp nhân tạo trước khi người bệnh được đưa đến bệnh viện.
Dưới đây là hướng dẫn tiến hành hồi sức tim phổi:
Ép tim ngoài lồng ngực
- Ngồi quỳ bên cạnh người bệnh và đặt cườm bàn tay ở trên một phần ba dưới chênh sang trái xương ức của người bệnh. Đặt lòng bàn tay còn lại của bạn lên trên bàn tay đặt trên ngực của họ và đan các ngón tay vào nhau. Vị trí của bạn ngang với vai của người bệnh.
- Sử dụng sức nặng của cơ thể (không chỉ cánh tay), ấn thẳng xuống ngực người bệnh từ 5-6cm.
- Giữ tay của bạn trên ngực người bệnh, giải phóng lực ép và để cho ngực của họ trở lại vị trí ban đầu.
- Lặp lại các lần ép này với tốc độ 100-120 lần/phút cho đến khi xe cấp cứu đến.
Khai thông đường thở
- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng vững chắc. Quỳ xuống cạnh cổ và vai nạn nhân.
- Mở thông đường thở của nạn nhân bằng cách đẩy cằm lên. Đặt lòng bàn tay bạn lên trán của nạn nhân và đẩy nhẹ xuống. Sau đó dùng tay kia đẩy nhẹ cằm ra trước để mở thông đường thở.
- Kiểm tra nhịp thở bình thường, tiến hành nhanh, không quá 10 giây: Tìm cử động của ngực, nghe tiếng thở và cảm nhận hơi thở của nạn nhân vào má hoặc tai bạn. Nếu nạn nhân không thở bình thường hoặc bạn không dám chắc, hãy bắt đầu hà hơi thổi ngạt kiểu miệng - miệng.
Hô hấp nhân tạo (thổi ngạt)
- Nhẹ nhàng nghiêng đầu của người bệnh và dùng 2 ngón tay nâng cằm lên. Bịt mũi của người bệnh. Đặt miệng của bạn lên miệng họ và thổi đều đặn vào trong khoảng 1 giây, rồi quan sát xem ngực của họ có phồng lên không. Sau đó thổi ngạt 2 lần.
- Tiến hành các động tác 30 lần ép ngực và 2 lần thổi ngạt cho đến khi bệnh nhân bắt đầu hồi phục hoặc có sự trợ giúp khẩn cấp.
An Yên (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin