Gia đình ông Nguyễn Chơn Trung (ấp Phú Quý 1, xã La Ngà, H.Định Quán) đã có 3 thế hệ gắn bó với cây cao su. Tuy thu nhập có lúc thấp làm đời sống gia đình khó khăn song theo ông Trung, công việc nào cũng có lúc này lúc khác nhưng khi đã chọn gắn bó thì bản thân phải cố gắng hoàn thành tốt.
Ông Nguyễn Chơn Trung (xã La Ngà, H.Định Quán) chuẩn bị đi cạo mủ cao su. Ảnh: V.TRUYÊN |
Với cách nghĩ đó, nhiều năm liền vợ chồng ông đều được công nhận là thợ giỏi của Nông trường Túc Trưng.
Vợ chồng cùng vượt năng suất
Năm 2023, vợ chồng ông Trung được Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh và công tác chuyên môn. Riêng Công đoàn Tổng công ty Cao su Đồng Nai công nhận vợ chồng ông là Công nhân cao su Đồng Nai ưu tú. Trước đó, năm 2022, ông được Ban giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai tuyên dương là Công nhân khai thác mủ có tỷ lệ mủ nước vượt sản lượng cao nhất và năng suất lao động cao nhất; Công nhân khai thác đã hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2022 vượt trước kế hoạch 43 ngày…
Ông NGUYỄN CHƠN TRUNG bộc bạch: “Năm 2023, lần đầu tiên tôi được tuyên dương Gương người tốt - việc tốt tỉnh Đồng Nai. Đây là niềm vui để cả nhà cùng cố gắng với nghề”.
Ngoài ra, vợ chồng ông luôn thực hiện vượt mức sản lượng kế hoạch giao của đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và luôn có những sáng kiến áp dụng vào công việc hàng ngày đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, tháng 12-2023, ông Trung là một trong 3 công nhân khai thác mủ cao su tại Đồng Nai được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chọn tuyên dương gương người tốt - việc tốt tỉnh Đồng Nai.
Ông Trung cho hay, ông 45 tuổi thì có 30 năm chính thức cầm dao cạo mủ. Vợ ông thì có số năm cầm dao ít hơn đôi chút. Ban đầu, ông được cha dẫn theo trong những lần cạo mủ cao su vì để trẻ con ở nhà không có người chăm sóc. Dần dần, ông được cha mình cầm tay chỉ cho những đường cạo sao cho cây ra mủ tốt nhất nhưng ít chịu tổn thương nhất. Vì cây khỏe chính là điều kiện để công việc và thu nhập ổn định cho cả nhà. Đến năm 2002, ông bắt đầu làm công nhân khai thác mủ chính thức của Nông trường Túc Trưng.
Cũng từ nghề cạo mủ này mà vợ chồng ông nên duyên. Trong công việc, vợ chồng cùng nghề nên khi một người mệt, người còn lại choàng gánh để cạo sao cho đủ và vượt số cây theo quy định. Thường thì ông Trung phụ vợ nhiều hơn, nhất là những lúc vợ ông mang thai. “Cũng như bao công nhân khác, công việc của vợ chồng bắt đầu từ khuya. Con lớn ở nhà coi em cho cha mẹ ra khỏi nhà khi trời chưa sáng. Khi con đau ốm, vợ ở nhà chăm sóc. Lúc này người còn lại làm luôn công việc của cả 2. Giờ giấc có ngược hơn những nghề khác nhưng ban ngày mình được nghỉ bù lại” - ông Trung nói.
Thăng trầm cùng cây cao su
Hiện vợ chồng ông Trung có 3 người con. Con trai lớn vừa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Con thứ 2 đang học THCS và một bé vừa mới sinh chưa đầy năm. Cả nhà cùng sinh sống trong căn nhà kiên cố tuy không rộng lắm song gọn gàng, ấm áp. “Cuộc sống ở đây gần như mọi người đều giống nhau bởi phần lớn cùng là công nhân của nông trường. Vượt qua những điều còn khó khăn, bỏ qua những chuyện đôi khi không vừa lòng xảy ra trong cuộc sống thì mình vẫn vui với cuộc sống hiện tại” - vợ ông Trung chia sẻ.
Ngoài với làm tốt công việc, theo ông ĐỒNG VĂN CHUNG, Trưởng ấp Phú Quý 1, xã La Ngà, gia đình ông Trung còn tích cực tham gia vào các hoạt động do địa phương triển khai, như: ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, thảm hoa…
Gắn bó lâu dài với cây cao su nên gia đình ông cũng trải qua từng giai đoạn thăng trầm của loại cây công nghiệp được mệnh danh là “vàng trắng” này. Thời điểm giá mủ xuống thấp, thu nhập công nhân giảm, chi phí sinh hoạt trong gia đình phải cắt giảm, rất khó khăn. Vợ chồng ông cũng đã có lúc muốn tìm một công việc khác có thu nhập tốt hơn nhưng rồi tay đã quen cầm dao cạo, quen mùi mủ, quen đi khuya nghỉ sáng… nên vợ chồng ông đã quyết định gắn bó với cây cao su.
Thời gian gần đây, con trai ông Trung cũng bắt đầu nối nghiệp gia đình. “Tôi không khuyến khích nhưng cũng không ngăn cản. Nghề nào dù là vất vả cũng là nghề nghiệp nuôi sống mình miễn là không làm điều sai trái. Vậy nên khi con trai nói ý định, vợ chồng tôi khuyên suy nghĩ kỹ. Rồi ít lâu sau con theo vợ chồng cùng đi cạo mủ. Tôi trở thành thầy dạy con nhát cạo đầu tiên” - ông Trung chia sẻ.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin