Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguồn nhân lực cơ bản và chất lượng cao:
Tiền đề cho sự phát triển

Nguyễn Sơn Hùng
01:04, 01/01/2024

Cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh của Trần Văn Thọ - Trần Hữu Phúc Tiến (đồng chủ biên) NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023, tập hợp nhiều bài viết của các chuyên gia giáo dục - kinh tế được chia làm 4 phần gồm: Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển; Công nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) và lao động; Hội nhập và tận dụng ngoại lực; Hướng tới phát triển bao trùm và bền vững - là nguồn nhân lực.

Bìa cuốn sách

Trong lời dẫn nhập quyển sách, GS Trần Văn Thọ (TS kinh tế, hiện là thành viên Hội đồng cố vấn dự án Vietnam 2015 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam) cho rằng, đối với đất nước ta, đào tạo nguồn nhân lực cơ bản và chất lượng cao là một trong những tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu phát triển tương lai.

Giáo dục nghề nghiệp - chuyển đổi nhận thức và đáp ứng yêu cầu DN

Ông Võ Quang Huệ (từng là Tổng giám đốc đầu tiên của Công ty Bosch tại Việt Nam) chia sẻ về việc “Giáo dục nghề nghiệp trước sức ép của nền kinh tế mới” trong đó, kinh tế số theo World Bank, “các quá trình kinh tế được dựa trên các công nghệ số và các nền tảng số, giúp nâng cao năng suất, tăng cường tính cạnh tranh, mở rộng thị trường tạo ra các cơ hội việc làm mới và cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Chính vì vậy: “Sự thay đổi này chủ yếu đến từ sự trưởng thành trong nhận thức kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của DN” (Báo cáo Chuyển đổi số DN 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN Việt Nam” - Bộ KH-ĐT). Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết vào năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) để kinh tế xanh là xu thế phát triển tất yếu để tạo ra những giá trị kinh tế bền vững, dài hạn. Như vậy, sức ép cho mỗi DN, mỗi người lao động trong sự biến động đó nằm ở đâu là câu hỏi lớn buộc chúng ta phải “tư duy lại” một cách hệ thống và nhất quán trong việc đào tạo ra lực lượng lao động làm chủ tự động hóa, hay ra lệnh cho chat GPT thay vì lo ngại bị nó đào thải.

Trong khi đó, năng suất lao động Việt Nam bằng khoảng 35% so với Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc (báo cáo của Tổ chức Kinh tế - hợp tác phát triển (OECD) 2021), chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam xếp hạng 102/141 nước toàn cầu (báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Vì thế, ông Võ Quang Huệ đưa ra những điểm đáng chú ý: Thứ nhất, cần có con người trong ngành kỹ nghệ với khái niệm “nhất nghệ tinh”, đó là học tập: tính kỷ luật đúng giờ, có tinh thần trách nhiệm và làm việc tuân thủ quy trình; là trang bị 25% lý thuyết, 75% thực hành; đảm bảo làm việc chuẩn xác, đúng yêu cầu, đảm bảo quy chuẩn chất lượng.

Điều quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi nhận thức xã hội về nghề. Làm sao các gia đình cảm thấy đây là cơ hội thật sự, là con đường ngắn và tốt để lập nghiệp, thì họ mới khuyến khích con cháu lựa chọn và phấn đấu học nghề. Quan điểm về giáo dục cả về tuyển dụng phải cho người học nghề thấy rằng họ không phải “bậc thấp” của xã hội, có đủ điều kiện phát triển tri thức không khác biệt so với con đường vào đại học. Và như thế, “chỉ khi nào có sự chuyển biến đồng thời và mạnh mẽ cả hai việc này thì mới đạt được mục tiêu về xây dựng nguồn nhân lực”.

Ông Võ Quang Huệ giới thiệu mô hình đào tạo song hành Dualbildung của Đức và việc áp dụng thành công tại Bosch và Vinfast. Dualbildung là một chương trình đào tạo song hành (học qua thực hành tại một DN và lý thuyết tại một trường nghề). Đào tạo song hành cũng mang lại nhiều lợi ích cho học viên, một trong những lợi ích quan trọng là việc có thu nhập hàng tháng trong quá trình đào tạo, giúp họ chi trả các chi phí mà không cần trợ cấp từ gia đình. Ngoài ra, đào tạo song hành cũng cải thiện đáng kể cơ hội việc làm của học viên sau khi hoàn thành khóa học nhờ sự kết nối chặt chẽ giữa trường nghề và DN, nội dung đào tạo của trường nghề được điều chỉnh chặt chẽ với yêu cầu của DN để đảm bảo học viên được chuẩn bị để khi ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc tại DN.

Nhân lực chất lượng cao

GS-TS Trần Văn Nam (từng là Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) dẫn báo cáo “Năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thực trạng và giải pháp” của Tổng cục Thống kê, năm 2020, năng suất lao động của Việt Nam bằng 23% Hàn Quốc, 24,4% Nhật Bản, 33,1% Malaysia, 59,9% Thái Lan, 60,3% Trung Quốc, 77% Indonesia và 86,5% Philippines.

Theo GS-TS Trần Văn Nam, ngoài chế độ học đường 6-3-3-4 ở Nhật Bản có các bậc học hay hình thức đại học mới như: a) phổ thông trung học được phân ra làm hai: hệ THPT thông thường và hệ chuyên khoa (vừa học các môn cơ bản như hệ phổ thông nhưng nội dung ít hơn và học chuyên môn các ngành nghề theo nhu cầu xã hội); b) cao đẳng chuyên môn, mục đích đào tạo nhanh kỹ sư thực hành các ngành kỹ thuật; c) đại học đoản kỳ gồm 2 năm (học văn hóa 1 năm, chuyên môn 1 năm); d) đào tạo trong nội bộ công ty.

Còn ở Hàn Quốc, chính sách giáo dục Hàn Quốc xây dựng phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của nền kinh tế qua từng giai đoạn. Do đó, theo GS Trần Văn Nam, trước mắt cần ưu tiên tăng chi tiêu đầu tư cho giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực và cần sử dụng một cách có hiệu quả nguồn này, đặc biệt tăng mức chi cho giáo dục sau phổ thông, thí điểm các mô hình đào tạo của Nhật Bản… Tiếp tục phát triển mô hình gắn kết Chính phủ - trường đại học - viện nghiên cứu - DN trong hoạt động R&D để sử dụng hiệu quả nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Giáo dục thời chuyển đổi số - Môi trường thực, số và năng lực thích ứng

Theo TS  ngành trí tuệ nhân tạo, Đại học Paris (Pháp) Hồ Tú Bảo, thay đổi sâu sắc nhất do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại là môi trường sống của con người khi có thêm không gian mạng và các công nghệ số đang trở thành một môi trường thực - số. Đó là môi trường mới, nơi mọi thực thể đều dần gắn kết nhiều hơn với dữ liệu và nhờ đó có thể kết nối được với nhau qua internet.

TS Hồ Tú Bảo đưa ra mô hình trường học thông minh
TS Hồ Tú Bảo đưa ra mô hình trường học thông minh

Dữ liệu và kết nối là hai đặc điểm tiêu biểu của môi trường thực - số. Con người ngày nay sống và làm việc trên môi trường thực - số, quen và cần không gian mạng trong cuộc sống hàng ngày đã như một sự tất yếu, như cần khí để thở, cần nước để uống, cần cầu qua sông. Môi trường thực - số tạo ra những ảnh hưởng tích cực (cơ hội) và cả những ảnh hưởng tiêu cực (thách thức) lên các giá trị và và quy tắc xã hội, đến hành vi và tương tác trên mạng xã hội, đến niềm tin, trách nhiệm, đạo đức, quyền riêng tư và an toàn trên không gian mạng. Xã hội đang thay đổi nhiều trên môi trường thực - số và do đó tác động lên giáo dục theo những chiều hướng khác nhau. Vấn đề là các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, những người làm quản lý xã hội và giáo dục…. cần nhận rõ những thay đổi này để tham gia một cách hợp lý vào quá trình phát triển của con em mình, của học trò mình.

Từ đó, TS Hồ Tú Bảo đưa ra mô hình trường học thông minh, đồng thời, nhấn mạnh đến 2 vấn đề quan tâm của nền giáo dục Việt Nam: Một là, giáo dục hiện nay - các cấp phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học - đang là giáo dục cho thế hệ Gen Z, một thế hệ mang tính bước ngoặt về nguồn nhân lực. Thế hệ Gen Z lớn lên được tiếp cận với công nghệ số và internet từ khi còn nhỏ, quen thuộc với máy tính, điện thoại di động, các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội. Ngày nay kiến thức được học cũng như cách dạy và học cần phù hợp với công việc và cuộc sống của thế hệ này cũng như các thế hệ tiếp theo trên môi trường thực - số.

Hai là, giáo dục ngày nay đang trong xu hướng kết hợp giáo dục dựa trên nội dung (contents-based education) với giáo dục dựa trên năng lực (compentence-based education) và xu thế dịch chuyển dựa trên năng lực. Giáo dục dựa trên năng lực nhằm vào việc người học có được các năng lực sống và làm việc hiệu quả, dựa vào kết hợp của kiến thức, kỹ năng và thái độ; đồng thời chúng ta đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 với những bài học kinh nghiệm thành công của các nước tiên tiến, cho phép khẳng định: nguồn nhân lực cơ bản và chất lượng cao là tiền đề cho sự phát triển.

Nguyễn Sơn Hùng

Tin xem nhiều