Dù là cơ sở y tế gần dân nhất, được kỳ vọng sẽ quản lý tốt sức khỏe của từng người dân trong khu vực, nhất là các bệnh mạn tính, tầm soát phát hiện bệnh sớm…, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện còn thiếu và yếu.
Tủ thuốc của Trạm Y tế TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc |
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, Sở đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đề án Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Qua đó hy vọng tạo cú hích để y tế cơ sở phát triển hơn.
Tháo gỡ những khó khăn
Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, thực tế thời gian qua cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở còn hạn chế. Mô hình bệnh tật diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng nhưng tiến độ triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của các trung tâm y tế còn chậm. Điều kiện làm việc và điều kiện phục vụ bệnh nhân ở một số bệnh viện và trung tâm y tế chưa đạt yêu cầu…
Y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp; y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.
Khó khăn nhất hiện nay của tuyến y tế cơ sở là nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, nhất là bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tuyến y tế cơ sở còn thấp, đặc biệt là y tế xã, phường, thị trấn. Việc thu hút bác sĩ về công tác tại các trạm y tế và các cơ sở y tế tuyến huyện gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các cơ sở y tế thiếu bác sĩ.
Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế Đồng Nai hiện còn hạn chế, nhiều cơ sở y tế triển khai chậm. Các phần mềm còn phân mảnh, không thống nhất do không cùng nền tảng giải pháp kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nên việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị chậm được đầu tư để nâng cao chất lượng chuyên môn.
Đặc biệt, cơ chế tài chính còn bất cập dẫn đến thiếu cơ số thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Năng lực cung ứng dịch vụ hạn chế khiến người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở, dẫn đến vượt tuyến trên.
Để khắc phục những hạn chế của tuyến y tế cơ sở, ngày 25-10-2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Trong đó lưu ý, tổ chức và hoạt động của trạm y tế phải phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận của người dân. Các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính.
Ngoài ra, cần nghiên cứu tiếp tục tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo lộ trình phù hợp với ngân sách Nhà nước, khả năng chi trả của nhân dân. Từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của y tế cơ sở do quỹ BHYT chi trả phù hợp với mức đóng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất 1 bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm/lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân.
Nội dung chính của dự thảo nghị quyết
Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, theo dự thảo Nghị quyết đề án Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, sẽ tập trung đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc lẫn nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.
Cụ thể, giai đoạn 2023-2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư tiếp tục xây dựng 13 dự án. Ban Quản lý dự án các huyện, thành phố làm chủ đầu tư xây mới 55 trạm y tế, sửa chữa 46 trạm y tế. Sở Y tế thực hiện đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 20 trạm y tế.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục xây mới Trung tâm Y tế TP.Long Khánh, Phòng khám Đa khoa khu vực Sông Ray và Khu điều trị methadone của Trung tâm Y tế H.Long Thành; xây mới, sửa chữa 39 trạm y tế với kinh phí khoảng 327 tỷ đồng. Mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 11 trung tâm y tế các huyện, thành phố với kinh phí hơn 141 tỷ đồng. Mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 170 trạm y tế với kinh phí hơn 48 tỷ.
Hiện nay, tỉnh còn 16/170 trạm y tế chưa có bác sĩ nên chưa đủ điều kiện để khám, chữa bệnh BHYT cho người dân.
Theo thống kê của Sở Y tế, y tế tuyến huyện có nhu cầu tuyển dụng 902 cán bộ, nhân viên. Trong đó, có 732 người thực hiện công tác khám, chữa bệnh, 99 cán bộ phụ trách dự phòng, dân số và 71 cán bộ quản lý phục vụ chung. Ngoài ra, tuyến huyện còn cần tuyển thêm 161 cán bộ, nhân viên chuyên ngành y, dược khác. Trong khi đó, y tế tuyến xã có nhu cầu tuyển dụng 369 người, trong đó gồm 44 bác sĩ.
Để đáp ứng vấn đề trên, Sở Y tế lên kế hoạch đào tạo nhân lực chuyên ngành y dược cho 416 cán bộ, nhân viên các trình độ từ cao đẳng đến sau đại học. Ngoài ra, tiếp tục triển khai công tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến để phát triển danh mục kỹ thuật tại tuyến y tế cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy và mô hình quản lý theo vị trí việc làm, giảm đầu mối để nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 516,5 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, ngành Y tế Đồng Nai cần rà soát thật kỹ thực trạng, nhu cầu thực sự của tuyến y tế cơ sở để kiến nghị đầu tư phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí. Qua đó, nâng cao năng lực để y tế cơ sở đảm bảo vai trò là người gác cổng của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế.
Hạnh Dung
BS HỒ VĂN HOÀI, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu:
Cần nhất là con người
Ngành Y tế H.Vĩnh Cửu gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề nhân lực. Thiếu bác sĩ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế. Toàn huyện chỉ có 3/13 trạm y tế thực hiện khám, chữa bệnh BHYT, còn lại không có bác sĩ hoặc không có bác sĩ đa khoa. Điều chúng tôi cần đầu tư nhất là nhân lực, vì nếu không có nhân lực thì đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc hiện đại cũng không có ý nghĩa gì.
BS LÊ VĂN TÙNG, Trưởng trạm Y tế TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc):
Mong sớm xây mới trạm y tế
Trung bình mỗi tháng, trạm thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng 300 người dân, chủ yếu là người già, người mắc bệnh mạn tính. Khó khăn nhất hiện nay của trạm là cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chỗ tường nhà nứt nẻ, những hôm trời mưa to nước từ trên dột xuống, sửa chữa rất khó. Chúng tôi hy vọng trong năm nay trạm y tế sẽ được xây mới để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
An Yên (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin