Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Đồng Nai hiện có khoảng 7 ngàn người nhiễm HIV. Trong những năm qua, số người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và tại Đồng Nai nói riêng đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm sinh viên, thanh niên ngày càng cao.
Sinh viên một trường đại học trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền về dự phòng lây nhiễm HIV. Ảnh: H.Yến |
Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS là hoạt động rất cần thiết và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
* Người nhiễm HIV từ 15-24 tuổi tăng gần 17%
Thống kê người nhiễm HIV theo nhóm tuổi ở Đồng Nai từ năm 2014 đến nay cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV trong độ tuổi từ 15-24 tuổi tăng cao. Nếu như năm 2014, nhóm người này chỉ chiếm 9,9% thì đến tháng 9 năm nay, tỷ lệ này đã tăng lên 26,8%. Đây là con số rất đáng báo động.
Chiến dịch truyền thông về HIV/AIDS đề ra mục tiêu 80% thanh niên trong độ tuổi 15-24 có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS. |
Theo PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), xu hướng trẻ hóa trong nhóm những người bị nhiễm HIV mới là điều đáng quan ngại và rất đau lòng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do quan hệ tình dục không an toàn. Bên cạnh đó, việc sử dụng ma túy tổng hợp càng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm người trẻ. Bởi vì, sau khi sử dụng ma túy tổng hợp, nhóm người này có thể xảy ra quan hệ tình dục với nhiều người.
Tại Đồng Nai, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (hay còn gọi là PrEP) được triển khai từ năm 2019, đến nay đã có gần 5 ngàn người sử dụng. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ tuổi sử dụng PrEP đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, số người từ 15-29 tuổi đã sử dụng PrEP chiếm tới 63% tổng số khách hàng PrEP trên toàn tỉnh.
Từ năm 2022, ngành Y tế Đồng Nai và dự án USAID/PATH STEPS cùng các đối tác đã thực hiện chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS (hay còn gọi là chiến dịch PrEP4U) cho thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Chiến dịch đã thực hiện 17 sự kiện cho hơn 4.200 sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai. Qua đó, đã có hơn 1,5 triệu người tiếp cận các thông tin về giáo dục an toàn tình dục, HIV trên nền tảng truyền thông trực tuyến.
Những nội dung truyền thông, sự kiện được tập trung thực hiện gồm: Cung cấp kiến thức cơ bản về giới và HIV/AIDS; các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), cách sử dụng bao cao su; điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV (PrEP, PEP); sự kiện truyền thông SAFE UNI cho học sinh, sinh viên tại trường học; sự kiện truyền thông “HAVE PrEP - AROUND U”.
BS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho rằng: “Những kết quả thực hiện trong năm 2023 cho thấy quá trình truyền thông và các sự kiện đã góp phần không nhỏ vào nhận thức, hành vi về HIV/AIDS của sinh viên, học sinh, thanh niên. Với những kiến thức hiểu biết, họ đã góp phần vào việc tuyên truyền, vận động những người có hành vi nguy cơ cao đi tư vấn xét nghiệm điều trị và dự phòng sớm nhiễm HIV, góp phần vào việc giảm lây lan trong cộng đồng”.
* Cần mô hình tư vấn kép
Theo PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Đồng Nai đang là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bà Thu Hương cho hay, khi được giao các chỉ tiêu trong dự phòng lây nhiễm (PrEP), các cơ sở y tế ở Đồng Nai không những không đề nghị giảm chỉ tiêu, mà còn đề nghị tăng chỉ tiêu thực hiện. Cùng với đó, các nhóm cộng đồng ở Đồng Nai có sự hiểu biết sâu sắc về phòng, chống HIV/AIDS; có sự kết nối tốt với các phòng khám. Đây là những điểm khác biệt so với nhiều tỉnh, thành. Điều này cũng minh chứng cho tính hiệu quả của việc hỗ trợ, hợp tác giữa khối Nhà nước và các doanh nghiệp xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe, dự phòng nhiễm HIV cho cộng đồng.
Về tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người trẻ ở Đồng Nai đang gia tăng trong những năm gần đây, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương cho rằng, Sở Y tế cần phối hợp cùng Sở GD-ĐT để có hoạt động tuyên truyền cho đối tượng học sinh, sinh viên.
“Nhóm người trẻ lẽ ra là đối tượng có hiểu biết về phòng, chống HIV nhất, vì họ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin, nhưng đáng tiếc đây lại đang là nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV tăng. Khảo sát cũng cho thấy mức độ hiểu biết đầy đủ về các đường lây truyền HIV và những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV của nhóm học sinh đang rất thấp. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền trong nhóm học sinh, sinh viên, công nhân lao động” - PGS-TS Phan Thị Thu Hương cho hay.
Cũng theo PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tham mưu cho Bộ Y tế có những sửa đổi hướng dẫn trong tư vấn kép (tư vấn về các bệnh trên cùng một đường lây truyền) để không chỉ dự phòng lây nhiễm HIV, mà còn phòng, chống được các bệnh khác có cùng đường lây nhiễm nhằm giảm gánh nặng cho xã hội nói chung và ngành Y tế nói riêng.
Nghiên cứu cho thấy, việc triển khai tư vấn kép có thấy tính hiệu quả cao, giảm được nguồn nhân lực, tiết kiệm tài chính. Các gia đình cũng rất vui khi cùng lúc dự phòng được nhiều loại bệnh.
PGS-TS Phan Thị Thu Hương cũng khuyến cáo Đồng Nai cần mở rộng dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, đề ra mục tiêu, tạo hành lang pháp lý để khi mở rộng dịch vụ thì các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV có thể tiếp cận. Đồng Nai cũng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể để hành động, trong đó cần có sự phối hợp giữa Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh,
Tỉnh đoàn…
Trước mắt, ngành Y tế, các sở, ngành, đơn vị, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và đại diện dự án USAID/PATH STEPS sẽ cùng phối hợp thực hiện chiến dịch PrEP4U cung cấp thông tin, giáo dục về dự phòng HIV cho thanh niên và sinh viên giai đoạn 2023-2024. Mục tiêu hướng đến là 80% thanh niên trong độ tuổi 15-24 có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin