Nhiều trường học trong tỉnh đã mạnh dạn đổi mới giảng dạy đối với môn Ngữ văn và Lịch sử thông qua hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học và sự kiện lịch sử.
Học sinh Trường THPT Trị An (H.Vĩnh Cửu) diễn vở Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ảnh: C.NGHĨA |
Hình thức dạy học mới này không chỉ giúp học sinh hiểu và nhớ sâu nội dung bài học, mà qua đó còn giúp các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn.
Làm mới môn học
Trường THPT Trị An (H.Vĩnh Cửu) là một trong những trường công lập tại Đồng Nai triển khai mô hình sân khấu hóa tác phẩm văn học trên sân khấu học đường. Qua cách thể hiện của học sinh, các tác phẩm văn học đã trở nên tươi mới và hấp dẫn đối với học sinh.
Với sự hỗ trợ của giáo viên môn Ngữ văn, đã có nhiều tác phẩm văn học dân gian lẫn hiện đại đã được học sinh Trường THPT Trị An sân khấu hóa thành công. Trong số đó có những tác phẩm nổi tiếng và gắn với cuộc đời học sinh như: Tấm Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Tắt đèn, Số đỏ, Lặng lẽ Sa Pa… Quá trình xây dựng kịch bản, tập luyện và biểu diễn các tác phẩm văn học vẫn giữ được nội dung truyền tải đến người xem nhưng không kém phần sinh động, hấp dẫn. Hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học được nhiều giáo viên Ngữ văn ví như “luồng gió mới” đối với môn này.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH cho biết, sân khấu hóa tác phẩm văn học, sự kiện lịch sử đã tạo ra không khí dạy và học thêm hấp dẫn. Do đó, Hội đồng chuyên môn của Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều hội thảo chuyên đề giúp các trường học hỏi lẫn nhau, từ đó nhân rộng những cách làm hiệu quả.
Là người có kinh nghiệm hơn 30 năm dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Trị An, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Ngô Văn Trung chia sẻ: “Mỗi lần tổ chức hội thi sân khấu hóa tác phẩm văn học, các lớp đều đăng ký tham gia rất hào hứng. Giáo viên môn Ngữ văn ở các lớp đóng vai trò “tổng đạo diễn” đồng hành với học sinh từ chọn tác phẩm văn học mà các em yêu thích đến chuyển thể tác phẩm thành kịch bản, tập luyện và biểu diễn. Đây là quá trình có nhiều bước nên không chỉ có học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng được nâng cao nhiều kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, gắn kết với học sinh hơn”.
Em Nguyễn Thị Thu Hà học sinh lớp 12A1 Trường THPT Trị An cho hay: “Văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay nhưng để hiểu sâu luôn đòi hỏi học sinh phải dành nhiều thời gian nghiên cứu. Hình thức sân khấu hóa chính là một phương pháp học hiệu quả không chỉ cho một mà nhiều học sinh cùng tham gia tìm hiểu, làm sáng tỏ những giá trị cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật của tác phẩm. Khi tham gia tập luyện và biểu diễn, mỗi học sinh lại có cơ hội như được hóa thân và sống trong không khí của tác phẩm văn học ấy”.
Hiệu quả cần nhân rộng
Từ mô hình sân khấu hóa tác phẩm văn học, đến nay Hội đồng chuyên môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT đã triển khai, nhân rộng ra nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Nhiều trường học đã bắt tay thực hiện thành công như: Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Trấn Biên, Trường TH-THCS-THTP song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa), Trường THPT Văn Hiến (TP.Long Khánh)… Không dừng lại ở đó, nhiều trường tiểu học và THCS khác cũng đã bước đầu đưa phương pháp học tập mới mẻ này kết hợp với hình thức sinh hoạt ngoại khóa mang lại những hiệu quả ban đầu, làm thay đổi và tạo không khí yêu thích môn học hơn.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa), hình thức sân khấu hóa ban đầu được triển khai ở môn Ngữ văn, nay đã mở rộng sang môn Lịch sử. Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc đã được giáo viên đồng hành với học sinh tái hiện sinh động trong các buổi sinh hoạt chuyên đề gắn với các sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước.
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai Vũ Thị Ni Na chia sẻ: “Các sự kiện lịch sử nếu chỉ đơn thuần thầy cô giảng và trò ghi chép thì chẳng những khô khan mà học sinh ít có điều kiện ghi nhớ sâu sắc dữ kiện lịch sử. Còn khi chuyển thể sự kiện lịch sử thành một sân khấu hóa, hiệu quả về mọi mặt đều đạt được ở mức độ rất cao”.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (H.Xuân Lộc) Mai Hữu San cho biết: “Để những buổi sinh hoạt dưới cờ hấp dẫn hơn với học sinh, từ năm học này, nhà trường đã thay “món ăn” tinh thần cho học sinh toàn trường bằng việc mỗi tuần cử một lớp biểu diễn một tác phẩm văn học dân gian được dàn dựng dưới hình thức sân khấu hóa dưới sân trường. Bước đầu, nhà trường đã ghi nhận được một số kết quả tích cực khi các em chăm chú theo dõi hơn, ghi nhớ tốt hơn để ứng dụng vào bài tập lẫn vận dụng vào cuộc sống”.
Nói về phương pháp học tập mới, Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho hay, năm học 2022-2023, lần đầu tiên huyện tổ chức hội thi Em yêu sử Việt dành cho học sinh các trường tiểu học và THCS bằng hình thức sân khấu hóa các câu chuyện, sự kiện lịch sử của đất nước. Từ hội thi này, đến nay phong trào đổi mới dạy và học môn Lịch sử ở các trường đã có nhiều chuyển biến. Đây chính là “liều thuốc” kích thích sự đổi mới, sáng tạo dạy học môn Lịch sử, làm cho môn học này hấp dẫn hơn.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin