Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh lạm thu tiền trường

Công Nghĩa
07:50, 02/10/2023

Vào đầu năm học mới, câu chuyện cũ mang tên “tiền trường” lại rộ lên ở nhiều cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục công lập. Việc phải đóng một lúc nhiều khoản tiền khiến phụ huynh bức xúc, còn nhà trường cũng gặp không ít áp lực khi tổ chức thu.

Những chiếc tivi được treo ở các lớp của Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) do phụ huynh đóng góp phục vụ việc học tập của học sinh
Những chiếc tivi được treo ở các lớp của Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) do phụ huynh đóng góp phục vụ việc học tập của học sinh. Ảnh: C.NGHĨA

Năm học mới “nóng” chuyện cũ

Một trong những khoản thu khiến nhiều phụ huynh bức xúc là các loại quỹ lớp, quỹ ban đại diện phụ huynh học sinh, quỹ tài trợ và một số khoản thu không có trong danh mục thu chính thức.

Dù chưa chính thức tổ chức thu các khoản nhưng Trường THCS Trần Phú (H.Xuân Lộc) đã nhận được phản ánh của phụ huynh đến cơ quan chức năng liên quan đến việc Ban đại diện cha mẹ học sinh thu 1,2 triệu đồng/học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, phản ánh của phụ huynh về khoản thu này là không chính xác vì phương án thu của nhà trường còn chưa được Phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc phê duyệt.

Áp lực thu tiền đầu năm học

Ban giám hiệu Trường THCS Trần Phú cho hay, nhà trường chỉ dự kiến thu những khoản thu theo quy định. Lớn nhất trong các khoản thu là học phí 405 ngàn đồng/năm học, bằng với mức học phí của năm học trước do UBND tỉnh quy định. Còn khoản thu bảo hiểm y tế là 680 ngàn đồng/năm học là theo quy định chung trên cả nước chứ không riêng gì học sinh của nhà trường.

Ngoài ra, Trường THCS Trần Phú dự định thu một số khoản thu khác nhưng giá trị không quá lớn. Cụ thể như tiền vệ sinh: 50 ngàn đồng, hồ bơi 80 ngàn đồng, sổ liên lạc điện tử 60 ngàn đồng, học bạ 10 ngàn đồng, giấy thi 30 ngàn đồng/học sinh cho cả năm học. Đối với khoản thu tự nguyện là bảo hiểm tai nạn học sinh, học tăng tiết, học Tiếng Anh tăng cường, nhà trường dự kiến sẽ thông báo rõ, phụ huynh nào có nhu cầu thì tham gia chứ không bắt buộc. Ngay cả đồng phục nhà trường cũng không thu mà để phụ huynh tự mua.

Các trường công lập được thu những khoản nào?

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh, đối với khoản thu học phí, mức thu quy định theo từng cấp học và khu vực theo Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND ngày 14-7-2016 của HĐND tỉnh (nghị quyết này được kéo dài đến năm học 2023-2024, trừ học sinh tiểu học được miễn học phí). Với bảo hiểm y tế, đây là khoản thu bắt buộc theo Khoản 4 điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập, các trường được thu các khoản phục vụ học tập, vệ sinh trường lớp, phục vụ bán trú ở cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học, thu giữ trẻ mầm non ngoài giờ chính khóa.

Sở GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn các trường được tiến hành tiếp nhận tài trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 3-8-2018 quy định về tài trợ các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, trước khi tiếp nhận tài trợ, các trường phải có tờ trình gửi Phòng GD-ĐT (đối với các trường từ mầm non đến THCS) và với Sở GD-ĐT đối với các trường THPT.

Đối với khoản thu bảo hiểm tai nạn học sinh, học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện, các cơ sở giáo dục thông báo rõ để phụ huynh học sinh lựa chọn.

Về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, được thực hiện theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học, các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

Các cơ sở giáo dục được phép trông giữ xe đạp, xe máy trong nhà trường thực hiện theo Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 22-12-2017 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định mức giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Liên quan đến vấn đề đồng phục và các dụng cụ và đồ dùng học tập thiết yếu: Đồng phục học sinh được thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30-9-2009 của Bộ GD-ĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Nhà trường không tự ý thay đổi mẫu đồng phục mới vào đầu năm học và có trách nhiệm thông báo mẫu mã, quy cách, kiểu dáng, chất liệu quần áo đồng phục, thể dục thể thao để phụ huynh học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định.

Tại Trường THCS Thiện Tân (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu), bước vào tháng đầu của năm học mới có phụ huynh phản ánh nhà trường đã “kê” tới 14 khoản phụ huynh phải đóng, số tiền lên đến 3,5 triệu đồng (gồm các khoản tự nguyện và bắt buộc, chưa tính khoản thu học phí). Trong những khoản thu này có một số khoản thu không có trong quy định bắt buộc phụ huynh phải đóng như quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh 250 ngàn đồng, quỹ tài trợ 250 ngàn đồng, quỹ lớp 198 ngàn đồng.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Vĩnh Cửu cho biết, mọi khoản thu của nhà trường đều phải theo quy định của Sở GD-ĐT đã hướng dẫn ngay đầu năm học. Chẳng hạn, Trường THCS Thiện Tân muốn kêu gọi phụ huynh đóng quỹ tài trợ 250 ngàn đồng/học sinh để mua sắm tivi. Dù phụ huynh có đồng ý đi chăng nữa thì nhà trường cũng phải làm tờ trình và phải có sự đồng ý của Phòng GD-ĐT mới được tiếp nhận. Hay khoản thu quỹ lớp, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, đây là những khoản thu tự nguyện, nhà trường hay Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp không được “chốt cứng” bắt phụ huynh phải đóng.

Chị Nguyễn Thị Kim Hằng, phụ huynh có con học Trường THCS Thiện Tân cho biết: “Đầu năm học mới gia đình nào cũng phải mua sắm sách vở, đồng phục cho con tốn kém, nay lại nghe nói sẽ phải đóng học phí, bảo hiểm y tế, vệ sinh, trông giữ xe, rồi quỹ lớp, quỹ phụ huynh, mua tivi… nên cũng băn khoăn. Nhưng nếu được nhà trường giải thích cặn kẽ, công khai minh bạch, nhận thấy cần thiết thì tôi cũng ráng đóng cho con”.

Chị Hằng cũng đề nghị, nhà trường nên phân chia các khoản ra thành nhiều đợt, không nên yêu cầu phụ huynh đóng cả “cục”, gây khó cho phụ huynh.

Thế khó trường công

Trong khi phụ huynh các trường tư thục ít phải phàn nàn về các khoản đóng góp vì gần như các khoản thu đã nằm trong học phí thì đối với các trường công lập, ngoài học phí và bảo hiểm xã hội còn rất nhiều các khoản thu khác. Đơn cử, ngoài học phí, bảo hiểm y tế, còn có tiền học tăng tiết, vệ sinh, trông giữ xe, giấy kiểm tra, sổ liên lạc điện tử, nước uống, đồng phục, ghế ngồi, thẻ học sinh… Một trong những khoản gây tranh cãi nhiều nhất là tiền quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ lớp. Có nhiều trường còn có cả quỹ tài trợ dùng để mua tivi, máy lạnh, quạt điện…

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở trung tâm TP.Biên Hòa chia sẻ, kinh phí nhà nước phân bổ cho trường hàng năm gồm lương trả giáo viên và chi phí thường xuyên khá hạn chế. Muốn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, khen thưởng học sinh giữa năm học, cuối năm học, tổ chức Tết Trung thu… phải nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh có quỹ thì mới duy trì được.

Còn hiệu trưởng một trường THCS khác tại TP.Biên Hòa thì thẳng thắn thừa nhận, ngân sách cấp cho nhà trường không có khoản mua tivi cho các lớp. 100% lớp học đều có tivi giúp học sinh học tập trực quan là do phụ huynh các lớp tự mua rồi mang đến ráp. Khi nào hết năm học, phụ huynh tạm mang về nhà cất rồi vào năm học mới lại mang đến. Làm như vậy chưa đúng “quy trình” lắm nhưng phụ huynh hỗ trợ giúp nhà trường bớt khó khăn, người thụ hưởng cũng chính là học sinh chứ không ai khác.

Chị Nguyễn Thanh Thảo, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) cho hay, lần đầu đi họp phụ huynh cho con đã không khỏi băn khoăn khi trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đề xuất phụ huynh đóng quỹ lớp nhưng một số phụ huynh vẫn cho rằng, quỹ lớp không có trong quy định nên không được thu. Hay khi đề cập việc mua tủ nước đặt trong lớp để các con uống nhưng phụ huynh “tranh luận” nguyên cả buổi vẫn chưa quyết định xong.

“Phụ huynh cũng phải chia sẻ với nhà trường một cách linh hoạt, vì đối tượng thụ hưởng là con mình. Điều quan trọng là phải công khai sử dụng hiệu quả số tiền đóng góp cho phụ huynh an tâm” - chị Thảo nói.

Công Nghĩa

Bài 2: Minh bạch các nguồn thu - chi

Tin xem nhiều