Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng danh mục các dự án thu hút xã hội hóa giáo dục với hàng chục ngôi trường thuộc các bậc học.
P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đang có 3 dự án xây dựng trường học nhưng tất cả đều thiếu mặt bằng sạch. Trong ảnh: Một lớp học của Trường tiểu học Nguyễn Thái Học quá tải sĩ số học sinh. Ảnh: C.NGHĨA |
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục hiện nay là vị trí xây dựng, thiếu đất sạch và thủ tục đầu tư có thể kéo dài.
Nhiều dự án chờ nhà đầu tư
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, trong giai đoạn 2023-2030 tỉnh có gần 50 dự án giáo dục từ mầm non đến phổ thông cần thu hút các nhà đầu tư theo phương thức xã hội hóa giáo dục. Việc đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục sẽ góp phần giảm áp lực cho hệ thống trường công lập, cho ngân sách và biên chế giáo viên.
Nhiều địa phương của tỉnh cũng đang rất mong chờ có thêm các nguồn lực xã hội hóa. Đơn cử TP.Biên Hòa tiếp tục là địa bàn “nóng” nhất của tỉnh về trường lớp nhiều năm qua và dự kiến còn kéo dài trong nhiều năm tới. Hiện TP.Biên Hòa đã quy hoạch 13 dự án trường học để kêu gọi các nhà đầu tư. Các dự án của TP.Biên Hòa tập trung vào những phường đang thiếu khá trầm trọng trường lớp như: Long Bình, Phước Tân, Tam Phước, Tân Biên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:
Huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục cần tạo bước đột phá
Đồng Nai đang đứng trước trước nhiều thách thức về huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Do đó, huy động xã hội hóa là một giải pháp tốt để không chỉ nhằm giảm áp lực cho ngân sách mà còn đa dạng hóa nhiều loại hình đào tạo, nhất là thu hút được những nhà đầu tư vừa có tiềm lực tài chính lẫn công nghệ đào tạo hiện đại.
Còn tại H.Trảng Bom, dù là địa phương đã có nhiều nỗ lực thu hút xã hội hóa giáo dục trong những năm qua nhưng vẫn đang gặp áp lực rất lớn về trường lớp, nhất là ở những xã, thị trấn gần khu công nghiệp. Theo đó, địa phương này hiện có 9 dự án trường học cần thu hút xã hội hóa tập trung ở các xã như: Bắc Sơn, Hố Nai 3, Quảng Tiến, Tây Hòa, Sông Trầu… Trong số 9 dự án thu hút đầu tư thì có tới 8 dự án là trường tiểu học và chỉ có 1 dự án xây dựng trường THPT nằm ở khu vực xã Bắc Sơn hoặc Hố Nai 3.
Khác với nhiều địa phương còn lại khi thu hút đầu tư xã hội hóa giáo dục chỉ tập trung vào bậc tiểu học, H.Thống Nhất lại tập trung thu hút đầu tư vào hầu hết các bậc học từ mầm non đến THPT với tổng số 10 dự án. Trong số đó có những mô hình trường phổ thông nhiều cấp học chất lượng cao được quy hoạch tại TT.Dầu Giây. Hiện nay, tại TT.Dầu Giây đã có 1 trường đại học tư thục đi vào hoạt động và tỉnh đang triển khai đấu giá thêm một khu đất mới để thu hút thêm nhà đầu tư ở lĩnh vực giáo dục.
Bài toán khó về đất sạch
Trong danh mục gần 50 dự án giáo dục tỉnh dự kiến thu hút đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, một trong những thách thức để hút đầu tư đó chính là vị trí đầu tư và mặt bằng sạch, có sẵn để triển khai dự án. Khi dự án gặp phải những khó khăn nói trên, quá trình triển khai dự án thường kéo dài, kéo theo phát sinh nhiều chi phí. Chẳng hạn tại TP.Long Khánh, địa phương có nhu cầu thu hút nhà đầu tư vào 3 dự án, trong đó có khu đô thị đại học quy mô lớn tại P.Suối Tre nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn gốc đất đang do hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết: “Huyện đang rất cần thu hút thêm một dự án trường phổ thông tại khu vực xã Hố Nai 3 hoặc Bắc Sơn để giảm áp lực cho hệ thống trường công lập và đã giới thiệu tại địa điểm ấp Phú Sơn (xã Bắc Sơn) nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Lý do là bởi địa điểm này không thuận lợi nên nhà đầu tư đến rồi lại đi”.
Không chỉ khó khăn trong thu hút các dự án giáo dục bằng nguồn vốn xã hội hóa, ngay cả những dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, TP.Biên Hòa cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức để triển khai. Vì thiếu đất sạch nên nhiều dự án trường công lập của TP.Biên Hòa sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy, trong khi đó trường lớp vẫn đang thiếu, khiến phụ huynh lo lắng.
Thời gian qua tiếp tục có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục mong muốn được đầu tư vào Đồng Nai ở các bậc học. Trong số này, Trường đại học Mở TP.HCM đã được giao đất tại P.Long Bình Tân, hay Trường đại học Y dược TP.HCM có ý định xây dựng cơ sở tại xã Tân Hiệp (H.Long Thành). Mới đây, Hệ thống giáo dục Hutech (TP.HCM) cũng đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành để đề xuất nguyện vọng mở trường phổ thông chất lượng cao và cơ sở giáo dục trình độ đại học.
Theo đại diện Hệ thống giáo dục Hutech, Đồng Nai đang có rất nhiều tiềm năng thu hút phát triển giáo dục khi tỉnh đang tiếp tục đóng vai trò là động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ và cả nước, nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao rất lớn. Tuy nhiên, để làm được điều này, tỉnh cần tạo được các chính sách thông thoáng về giao đất, thủ tục xây dựng để doanh nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin