Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đồng Nai ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm (methanol) làm 1 người tử vong.
Mặc dù các ngành chức năng đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), song nguy cơ về ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn.
Nhân viên y tế thực hiện kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm được bày bán tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Ảnh: H.DUNG |
Gần 100 cơ sở vi phạm về ATTP
Là tỉnh công nghiệp phát triển với hơn 3,2 triệu dân, Đồng Nai có số lượng rất lớn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống với hơn 11,7 ngàn cơ sở.
Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh quản lý hơn 1 ngàn cơ sở (gồm 240 cơ sở sản xuất thực phẩm và 816 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống). Tuyến huyện quản lý hơn 2,6 ngàn cơ sở, còn lại do tuyến xã quản lý.
Ông Nguyễn Đình Việt, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) cho biết, trong 9 tháng của năm 2023, ngành Y tế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với hơn 11,5 ngàn cơ sở. Qua kiểm tra, có hơn 10,6 ngàn cơ sở đạt yêu cầu, 97 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, có một số cơ sở bị phạt bổ sung đình chỉ hoạt động 2 tháng; tiêu hủy số lượng lớn thịt động vật không đảm bảo ATTP. Cơ quan chức năng cũng đã công bố tên, địa chỉ những cơ sở vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những vi phạm chủ yếu mà các cơ sở mắc phải là: điều kiện vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ chế biến chưa đảm bảo; người trực tiếp chế biến thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; cơ sở không thực hiện quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải khu vực bếp ăn bị ứ đọng, không được che kín; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập…
Đơn cử như có nhà hàng lớn ngay tại trung tâm TP.Biên Hòa, hàng ngày phục vụ hàng trăm thực khách nhưng công tác vệ sinh ATTP chưa đảm bảo. Nhà hàng sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; nền khu vực sơ chế thực phẩm xuống cấp, ứ đọng nước; tường khu vực sơ chế thực phẩm ẩm, bám rong rêu; cống rãnh chưa khép kín, ứ đọng rác thải thực phẩm; nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm không mặc trang phục bảo hộ lao động đầy đủ.
Đến tháng 9-2023, có 2.532 cơ sở/2.778 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và tuyến huyện/thành phố cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Còn lại hơn 8 ngàn cơ sở thức ăn đường phố do tuyến xã quản lý.
Ngoài ra, nhà hàng này cũng không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định. Thời điểm kiểm tra, chủ nhà hàng chưa xuất trình được hồ sơ khám sức khỏe, xác nhận tập huấn, hợp đồng, hóa đơn nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Test nhanh sản phẩm đậu hũ ky (dùng cho món lẩu) có kết quả dương tính với hàn the.
Hiện nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đang triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với 46 mẫu thực phẩm. Thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh và hóa lý theo từng nhóm sản phẩm nước khoáng thiên nhiên; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng công thức; phụ gia thực phẩm; thực phẩm bảo vệ sức khỏe (các sản phẩm hỗ trợ giảm cân); nước đá dùng liền; thức ăn đường phố; thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Mua, chế biến, sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách
Mới đây, tại TP.HCM đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt khiến 50 người đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn bánh su kem. Trong đó, 1 bé gái 6 tuổi đã tử vong, nhiều người phải điều trị tại bệnh viện.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một siêu thị trong tỉnh. Ảnh: H.DUNG |
Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do bánh su kem bị nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm PCR mẫu phân của 2 trẻ bị ngộ độc cho thấy có vi khuẩn Salmonella spp. Đây được xem là hồi chuông cảnh báo về vấn đề ATTP. Bởi su kem hay các loại bánh ngọt nói chung là những thực phẩm có nhu cầu sử dụng cao, kể cả người lớn và trẻ em.
Hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc hàng loạt trên. Có khả năng khâu bảo quản bánh su kem chưa tốt dẫn đến bánh bị nhiễm khuẩn.
Để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP (Bộ Y tế) lưu ý, người dân cần kiểm soát thực phẩm trong suốt quá trình, từ khi lựa chọn thực phẩm đến phân phối, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm.
Thực tế, nếu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách với thời gian hợp lý có thể khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
Thức ăn trước khi được bảo quản trong tủ lạnh nếu đã bị nhiễm khuẩn thì nhiệt độ trong tủ lạnh không thể diệt được vi khuẩn và độc tố đã có sẵn trong thực phẩm. Khi con người ăn phải thức ăn này có nguy cơ bị ngộ độc.
Để giảm thiểu các nguy cơ hư hỏng, ôi thiu, thực phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ ít nhất từ 20C hoặc thấp hơn, tránh vi khuẩn phát triển. Nếu nhiệt độ không khí trong ngăn tủ cho thấy cao hơn 2,50C, hãy điều chỉnh điều khiển làm mát của tủ lạnh cho phù hợp.
Nên bảo quản lạnh hoặc đông lạnh ngay với các thực phẩm dễ ôi thiu nếu ở điều kiện thường. Nên gói thật kín các thực phẩm chuẩn bị bảo quản đông lạnh, cần để các phần còn thừa trong các dụng cụ chứa đựng kín; bảo quản riêng thực phẩm chín và thực phẩm tươi sống, rau củ.
Không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì sẽ làm không khí trong tủ lạnh kém lưu thông, dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh. Nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu cần bỏ đi. Đối với các sản phẩm từ sữa cần được bảo quản trong hộp kín, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm khác. Luôn kiểm tra nhãn mác thực phẩm để thực hiện bảo quản thực phẩm đó theo đúng hướng dẫn.
Thực phẩm đông lạnh cần được nấu chín, đun sôi trước khi ăn. Trước khi nấu nên rã đông thực phẩm để đảm bảo bên trong thực phẩm được chín kỹ.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin