Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo ngại bạo lực học đường

Công Nghĩa
07:30, 20/10/2023

Nhiều sự việc liên quan đến văn hóa học đường, trong đó có bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua đã khiến dư luận xã hội bức xúc.

Học sinh cần sự gần gũi của giáo viên và nhiều hoạt động lành mạnh để đề kháng tốt  với bạo lực học đường Trong ảnh: Thầy và trò Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023
Học sinh cần sự gần gũi của giáo viên và nhiều hoạt động lành mạnh để đề kháng tốt với bạo lực học đường Trong ảnh: Thầy và trò Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: C.NGHĨA

Điều đáng lưu ý, có những vụ bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh, mà còn xuất phát từ những hành động, phát ngôn thiếu chuẩn mực của một số nhà giáo đáng lẽ phải là tấm gương sáng cho học trò.

Báo động đạo đức trong trường học

Mới đây, một giáo viên nam công tác tại Hà Nội đã làm đơn xin nghỉ việc sau khi bị nhà trường kiểm điểm vì có những lời nói, hành động không chuẩn mực của một nhà giáo khi xưng “mày - tao”, bóp cằm học sinh. Sự việc được tung lên mạng xã hội, bị dư luận phản ứng gay gắt. Bài học mà giáo viên này mắc phải là lời nhắc nhở cho những người đứng trên bục giảng phải luôn bình tĩnh, kiềm chế trước các tình huống giao tiếp với học sinh.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) NGUYỄN QUANG THÁI cho biết: “Giáo dục đạo đức học sinh luôn là một thách thức rất lớn với nhà trường và chỉ nhà trường không thì khó có thể làm tất cả, mà phải có sự chung tay của phụ huynh. Nhà trường dù cố gắng đến mấy nhưng phụ huynh lại không đồng hành, không gương mẫu để làm tấm gương cho học sinh thì cũng rất khó”.

Hay trường hợp khác cũng là một nữ giáo viên nữ tại Hà Nội đã bị đình chỉ công tác do có những hành vi bạo lực với học sinh. Giáo viên này là nhân vật chính trong một clip phát tán lên mạng xã hội ghi lại cảnh bắt học sinh quỳ trước cửa lớp đến kiệt sức, sau đó lại túm cổ áo kéo vào trong lớp. Điều đáng lưu ý, trước khi xảy ra sự việc, giáo viên này đang dạy môn Giáo dục công dân, đảm nhận công việc chủ nhiệm lớp và công tác tư vấn tâm lý học đường.

Anh Nguyễn Văn M. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, con anh học lớp 4 ở một trường tiểu học công lập trên địa bàn phường. Khi về nhà, con anh hay kể cho cha mẹ nghe về cách giáo viên thường dùng những lời nói “bạo lực” để học sinh phải nghe lời. Chẳng hạn, khi có học sinh chưa ngoan, cô giáo thường dùng thước kẻ gõ mạnh xuống bàn, chỉ tay vào mặt học trò và xưng “tao - mày”. Không dừng lại đó, cô giáo còn dọa nếu không ngoan cô sẽ chuyển đi lớp khác. Anh M. chia sẻ thêm: “Con tôi chưa bị cô đánh, nhưng cách dạy học trò của cô như vậy là chưa ổn lắm”.

Ông Hà Lê Anh, nguyên Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Long Khánh đã về hưu chia sẻ: “Khi nghe thấy ở trường này, trường kia các đồng nghiệp có những lời nói, hành vi vượt quá giới hạn, chúng tôi cảm thấy rất đau xót. Những trường hợp giáo viên vi phạm chuẩn mực nhà giáo trong thời gian qua tuy không phải là số đông, nhưng rất đáng bị xã hội lên án và sẽ phải đưa ra khỏi ngành nếu cần thiết”.

Bảo vệ môi trường học đường lành mạnh

Đồng Nai có trên 900 cơ sở giáo dục, 720 ngàn học sinh, số lượng giáo viên cũng lên đến trên 30 ngàn người. So với cả nước thì quy mô số lượng học sinh của Đồng Nai đứng thứ 5, chỉ sau TP.Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Thanh Hóa. Với số lượng học sinh và giáo viên đông như vậy, nhiệm vụ bảo vệ các trường học “miễn nhiễm” vấn nạn bạo lực học đường là khó tránh khỏi. Thực tế, đã có không ít vụ việc bạo lực học đường đã từng xảy ra, gây bức xúc trong dư luận.

Đơn cử như mới đây, tại một trường THPT ở H.Nhơn Trạch đã xảy ra việc một nhóm thanh niên “đánh nhầm” một học sinh ngay trước cổng trường khi tan học. Hậu quả là học sinh này phải nhập viện với rất nhiều vết thương ở đầu, phải nghỉ học nhiều ngày để điều trị. Sự việc đã được lãnh đạo H.Nhơn Trạch chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý. Theo tìm hiểu, nguyên nhân xảy ra sự việc là do mâu thuẫn giữa 2 học sinh trong trường và một học sinh đã gọi nhóm thanh niên khác đến giải quyết mâu thuẫn, nhưng lại đánh nhầm một học sinh không hề liên quan đến sự việc.

Hay cách đây không lâu, tại địa bàn TP.Biên Hòa đã xảy ra việc sau giờ học 2 học sinh hẹn nhau đến một địa điểm ngoài trường học để “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Vụ việc được phát tán trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt sau đó…

Theo hiệu trưởng một số trường phổ thông, môi trường học đường ngày nay chịu khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình phát triển, nhất là mạng xã hội. Gia đình ít quan tâm quản lý, giáo dục thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến bạo lực học đường có nguy cơ xảy ra. Bên cạnh đó, ở nhiều cơ sở giáo dục, giáo viên do chịu nhiều áp lực công việc nên dễ mất kiểm soát trước các tình huống giao tiếp với học sinh.

Điều đáng lo ngại là hiện nay chưa có nhiều trường thành lập được phòng tham vấn tâm lý học đường, lại càng không có giáo viên chuyên về công tác tham vấn tâm lý học đường, trong khi môi trường tâm lý học đường ngày càng phức tạp. Đây là những vấn đề cần có những giải pháp đòi hỏi sự đồng hành từ nhiều phía để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ bạo lực học đường.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều