Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho thị trường khoa học - công nghệ (bài 2)

Hạnh Dung
09:31, 24/10/2023

Bài 2:  Thị trường khoa học - công nghệ chưa sôi động

Phó giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh.

Sở KH-CN ký kết hợp tác với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (thuộc Bộ KH-CN). Ảnh: H.Dung

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản cần phải khắc phục, tháo gỡ.

* Phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH-CN

Giai đoạn 2018-2022, tỉnh Đồng Nai đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, pháp luật về thị trường KH-CN. Năm 2021, Đồng Nai đã đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến (donatex.vn). Sàn giao dịch cho phép các thành viên được tự chủ mọi hoạt động giao dịch của mình trong hệ thống, cung cấp các tiện ích giúp thành viên chủ động tìm kiếm, lựa chọn và kết nối công nghệ, thiết bị, các nhà tư vấn, nhà đầu tư.

Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu sáng chế, dự án kinh doanh, dự án khởi nghiệp có nhu cầu tìm kiếm đối tác có thể sử dụng sàn giao dịch công nghệ để giới thiệu sản phẩm của mình đến các nhà đầu tư. Sàn giao dịch cũng chuyển tải nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động như: các hội thảo giới thiệu công nghệ và thiết bị, các sự kiện KH-CN diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2018-2022, Sở KH-CN tổ chức, quản lý triển khai thực hiện 33 đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh, cấp cơ sở. Sở cũng đã chủ trì, tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai - Techfest DongNai, các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo dựa trên KH-CN và tài sản trí tuệ…

Đến nay, tỉnh đã cập nhật được gần 1,3 ngàn công nghệ và thiết bị chào bán trên Sàn giao dịch công nghệ. Sở KH-CN đã hướng dẫn, tổ chức thẩm định, cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 59 hồ sơ.

Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động dịch vụ và tư vấn, môi giới, chuyển giao công nghệ; tổ chức các sự kiện liên quan đến hoạt động của thị trường KH-CN. Tạo môi trường hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Với vai trò Cơ quan thường trực Hội đồng Điều phối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, Sở KH-CN đã làm việc với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước (Nhật Bản, Đức, Đài Loan) để kêu gọi tài trợ vốn, thiết bị dùng chung cho hoạt động khởi nghiệp của tỉnh.

Kết quả, Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan cam kết tài trợ nguồn vốn 1 triệu USD, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 2 tỷ đồng cho hoạt động khởi nghiệp. Tỉnh đoàn cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng TMCP Nam Á để đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2022-2025 với nguồn vốn 5 tỷ đồng.

* Kết nối cung - cầu công nghệ

Nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm đoạt giải các cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai, Sở KH-CN và các đơn vị liên quan đã kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp.

Phải kể đến như dự án khởi nghiệp Phòng Xét nghiệm y khoa Medic Biên Hòa được Công ty CP Phòng khám Đa khoa Long Bình và Tổng công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cam kết hỗ trợ kết nối sản phẩm đầu ra, gồm sử dụng các dịch vụ y tế và gửi mẫu xét nghiệm. Dự án Sử dụng phương pháp vật lý thay cho phương pháp hóa học trong sản xuất chả lụa nhận được sự hỗ trợ từ Công ty CP Công nghệ và đào tạo UnionTek. Công ty hỗ trợ dự án khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và công nghệ số, bao gồm: hỗ trợ số hóa hình ảnh sản phẩm, hỗ trợ truyền thông, chạy quảng cáo, bán hàng; tư vấn hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của dự án khởi nghiệp. Dự án Ứng dụng marketing và công nghệ để khởi nghiệp trong thời đại 4.0 được Công ty TNHH Dịch vụ thương mại DDH hỗ trợ kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm của dự án. Đó là sẽ sử dụng các dịch vụ thiết kế logo, bộ nhận dạng thương hiệu, dịch vụ xây dựng và quản lý website bán hàng. Hay dự án Đa dạng hóa các dạng sản phẩm trà từ nguồn nguyên liệu xáo tam phân tại tỉnh Đồng Nai cũng đã được Công ty CP Chứng nhận và giám định quốc tế ISOCERT hỗ trợ triển khai áp dụng các công cụ cải tiến năng suất phù hợp với đặc thù doanh nghiệp; áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như: ISO 9001:2015, ISO 22000:2018, HACCP, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp, thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Hàng năm, tỉnh dành 2% ngân sách để chi cho hoạt động KH-CN (giai đoạn 2018-2022 là 438,6 tỷ đồng), nhưng tỷ lệ giải ngân hàng năm đều không đạt

Anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng, đại diện dự án khởi nghiệp Ứng dụng marketing và công nghệ để khởi nghiệp trong thời đại 4.0 cho hay, nhờ sự kết nối của Ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai mà đến nay công ty của anh đã có thêm nhiều khách hàng, ký được nhiều hợp đồng, có thêm nhiều nguồn thu, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Về xúc tiến phát triển thị trường KH-CN, Sở KH-CN đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội thảo về công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị ở nhiều địa phương trong cả nước. Đồng thời, trưng bày các sản phẩm, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất của một số doanh nghiệp trong tỉnh, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Đồng Nai, mô hình sản xuất tiêu biểu của Đồng Nai, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học của tỉnh…, mời gọi sự hợp tác đầu tư công nghệ với các tỉnh bạn, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

* Có tiền nhưng không “xài” được

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường KH-CN nhưng hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn hạn chế.

Theo Phó giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu, việc mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị. Việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn ít.

Các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH-CN còn ít và yếu về năng lực. Các doanh nghiệp của tỉnh, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực, nhất là nguồn vốn và nhân lực trình độ cao để tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao. 

Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh Đồng Nai được thành lập vào cuối năm 2006 với kỳ vọng sẽ tạo nên luồng gió mới trong phát triển KH-CN nói chung và thị trường KH-CN nói riêng. Giai đoạn 2020-2022, tỉnh có bố trí kinh phí cho quỹ (5 tỷ đồng/năm) nhưng do quỹ chưa hoàn thiện pháp lý và bộ máy nên nguồn kinh phí giao cho quỹ bị thu hồi, điều chuyển trong quá trình điều hành ngân sách tỉnh.

Một yếu tố khác rất quan trọng để phát triển KH-CN nói chung đó là nhân lực. Nhưng nhìn chung, nguồn lực cho phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 2.595 nhân lực KH-CN. Trong số này, tỷ lệ người có trình độ sau đại học chiếm 38,1% (tiến sĩ 7,7%, thạc sĩ 30,4%); số người có chức danh GS, PGS chỉ khoảng 1,8%.

Phát biểu tại buổi giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn đề nghị tỉnh Đồng Nai quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH-CN. Đồng thời, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường KH-CN.

Hạnh Dung

Bài cuối: Tháo “điểm nghẽn” để phát triển thị trường khoa học - công nghệ

 

Tin xem nhiều