Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm tiêu thụ đồ uống có đường trong trường học

Hải Yến
08:32, 19/10/2023

Sử dụng đồ uống có đường đã trở thành thói quen hàng ngày của rất nhiều người. Trong môi trường học đường, học sinh rất thuận lợi để tiếp cận loại đồ uống này. Hệ lụy là tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng, kéo theo đó là các bệnh: tiểu đường, huyết áp, tim mạch…

Học sinh một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa bỏ vỏ chai nước ngọt vào thùng rác sau khi đã uống cạn trong giờ ra chơi. Ảnh: H.Yến

Vì vậy, giảm tiêu thụ đồ uống có đường trong trường học là điều rất cần thiết. Điều này không chỉ cần sự mạnh tay của ngành Y tế và Giáo dục, mà còn rất cần sự chung tay, hợp tác của phụ huynh.

* Thói quen để lại nhiều hệ lụy

Có dịp vào các trường học trong giờ ra chơi, không khó để bắt gặp hình ảnh học trò cầm trên tay chai nước ngọt để giải khát. Thông thường, chai nước này sẽ được uống cạn trước giờ vào lớp. Những hôm trời nắng nóng, lượng học sinh mua nước ngọt, nước có ga để uống càng nhiều vì “đã khát”.

Trên thực tế, việc bán và quảng cáo đồ uống có đường đang rất phổ biến trong môi trường học đường. Thậm chí, việc tiếp cận đồ uống có đường thuận lợi hơn nhiều so với việc tìm nước uống không có đường. Dù không “danh chính ngôn thuận” nhưng hầu như tất cả các trường từ bậc tiểu học đến đại học đều có căn-tin. Nơi đây bán nhiều nước ngọt, kẹo, bánh các loại.

Có sự gia tăng đáng kể giữa việc tiêu thụ thức uống có đường ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tại châu Á - khu vực có tỷ lệ tiêu thụ cao thứ 2 sau Mỹ Latinh; 50% trẻ từ 13-15 tuổi ở khu vực Tây Thái Bình Dương sử dụng thức uống có đường ít nhất 1 lần/ngày.

Nước ngọt, nước tăng lực, siro đá bào, trà sữa, trà đào… có thể được bán trong căn-tin trường học hoặc bên ngoài hàng rào. Chỉ cần với tay ra ngoài hàng rào cổng trường, học sinh có thể dễ dàng mua nước ngọt, trà sữa… Nếu không đủ tiền mua nguyên chai thì chỉ cần 5 ngàn đồng, học sinh cũng có thể mua được các thức uống yêu thích này. Người bán hàng sẵn sàng “xé lẻ” chai nước để đóng bịch, đáp ứng nhu cầu của các em học sinh. Đây là thực tế đang diễn ra ở hầu hết các trường học, cả nông thôn lẫn thành thị. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nâng cao tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tiêu thụ đồ uống có đường đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng đồ uống có đường đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập niên vừa qua, năm 2002 ở mức khoảng 6 lít/người/năm; đến năm 2021 lên mức gần 56 lít/người/năm.

Số liệu khảo sát được ngành Y tế công bố vào năm 2019 cho biết, có đến 33,96% học sinh từ 13-17 tuổi uống nước ngọt có ga tối thiểu 1 lần/ngày.

Theo WHO, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống không cồn có chứa đường tự do, dù là có  ga hay không có ga. Đồ uống có đường bao gồm: nước ngọt, nước trái cây, hỗn hợp đồ uống có hương vị trái  cây, sản phẩm cô đặc dạng siro hoặc dạng bột, sữa và sữa chua có đường, nước tăng lực, nước uống  vitamin, trà đá có đường, trà/cafe pha sẵn...

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, việc  tiêu thụ quá mức đồ uống có đường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như thừa cân, béo phì (trẻ em càng tiêu thụ nhiều thức uống có đường, nguy cơ thừa cân, béo phì càng cao); gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì (tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ); gia tăng mắc các bệnh răng miệng (sâu răng, mòn răng…).

* Cần giải pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường

WHO khuyến cáo, đường chỉ nên chiếm <10% tổng năng lượng khẩu phần, đối với cả trẻ em và người lớn. Để tốt hơn cho sức khỏe, nên giảm <5% tổng năng lượng khẩu phần một người mỗi ngày (5 muỗng cà phê hoặc 25g cho chế độ ăn 2.000kcal).

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường và tạo thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ nên được truyền thông mạnh mẽ và thực hiện từ trường học, bởi đây là môi trường tập trung đông trẻ em nhất. Mặt khác, hầu hết các trường hợp trẻ em và trẻ vị thành niên đang tiêu thụ đường quá mức dưới hình thức đồ uống có đường.

Việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường trong trường học đã được Chính phủ, Bộ GD-ĐT chỉ đạo từ nhiều năm qua. Chẳng hạn, Chỉ thị 46/CT-TTg ngày 21-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới nêu rõ: “Không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt  có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học”; Chỉ thị 4316/CT-BGDĐT ngày 12-10-2018 của Bộ GD-ĐT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục cũng quy định nội dung tương tự.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5-1-2022). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT “chủ trì, phối hợp với ngành Y tế tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát các hoạt động về dinh dưỡng hợp lý trong trường học, bữa ăn học  đường, an toàn thực phẩm, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh, quản lý căn-tin trường  học, tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học  sinh; không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, đồ uống có đường và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học và bên cạnh trường học theo quy định”.

Dù việc quảng cáo đồ uống có đường đã bị cấm nhưng hình ảnh các loại thức uống này vẫn xuất hiện tràn lan trong trường học, bằng nhiều hình thức khác nhau: Các máy bán hàng tự động, bảng chỉ dẫn trong căn-tin, dù che nắng…; tiếp cận học sinh, sinh viên thông qua các chương trình tài trợ, phát hàng mẫu miễn phí, voucher, quà tặng…

Để giảm tiêu thụ đồ uống có đường trong trường học, các chuyên gia y tế khuyến nghị, cần tăng cường cung cấp nước uống an toàn, có lợi cho sức khỏe; nâng cao nhận thức về việc lựa chọn đồ uống lành mạnh cho trẻ em, học sinh; giảm sự sẵn có của đồ uống có đường; cấm quảng cáo đồ uống có đường..

Hải Yến

Tin xem nhiều
Giá Jack Daniel'S No 7 nhập khẩu