Nhiều trường học công lập và tư thục đang khẩn trương tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học bổ sung cho năm học 2023-2024 sau khi được phân bổ chỉ tiêu biên chế.
Giáo viên thể dục Trường tiểu học Xuân Trường (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) hướng dẫn học sinh tập luyện thể dục tại sân trường. Ảnh: C.Nghĩa |
Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên ngày càng khó khăn do chế độ tiền lương không theo sát nhu cầu sống tối thiểu của giáo viên, những người được học hành và đào tạo bài bản qua trường đại học.
* Nhiều trường đang tuyển giáo viên
Năm học này, Trường THPT Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) được Sở GD-ĐT phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng bổ sung 12 viên chức là giáo viên THPT hạng III trình độ đại học các môn: Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh, Sinh học, Kỹ thuật nông nghiệp, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục kiến thức pháp luật và 1 nhân viên công nghệ thông tin.
Hiệu trưởng Trường THPT Nhơn Trạch Nguyễn Thanh Bằng cho hay, với những môn chủ đạo thì việc tuyển dụng tương đối thuận lợi. Còn với những môn như: Kỹ thuật nông nghiệp, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục kiến thức pháp luật thì chắc chắn là rất khó khăn, vì hiện nay ít trường đào tạo. Những năm trước, nhà trường đã thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn không tuyển dụng được.
Trong khi đó, tại Trường THPT Phước Thiền (H.Nhơn Trạch), hiện nhà trường đã thông báo tuyển dụng và dành 1 tháng chờ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển 4 giáo viên các môn: Tiếng Anh, Lịch sử, Ngữ văn và Mỹ thuật. Tuy nhiên, với giáo viên môn Mỹ thuật nhiều khả năng sẽ không thể tuyển dụng được ngay trong đợt này, do sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học sư phạm Mỹ thuật hàng năm khá hiếm hoi.
Toàn tỉnh đang thiếu 3.600 giáo viên
Từ năm 2020-2023, toàn tỉnh có 1.178 giáo viên nghỉ việc, nguyên nhân chính là thu nhập chưa đủ sống. So với định biên, đội ngũ giáo viên các cấp của tỉnh đang thiếu 3.600 người, trong đó giáo viên nhà trẻ thiếu 203 người, mẫu giáo 442 người, tiểu học 2.166 người, THCS 627 người, THPT 162 người. Trong đó, giáo viên THCS và THPT thiếu nhiều nhất ở các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Tin học.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) đã 4 năm nay đều được giao trên dưới 10 chỉ tiêu giáo viên tiểu học nhưng không năm nào tuyển được, dù chỉ 1 giáo viên. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Do thu nhập của giáo viên chưa đảm bảo, trường lại cách trung tâm huyện gần 20km, điều kiện đi lại xa xôi nên càng khó tuyển dụng. Hiện nay, trường tiếp tục thông báo tuyển dụng 12 viên chức nhưng không biết có khả quan hơn không”.
Không quá khó khăn như các trường ở huyện, những trường ở khu vực TP.Biên Hòa có điều kiện tuyển dụng thuận lợi hơn. Đơn cử như tại Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa), nhà trường mới đây thông báo tuyển dụng 9 giáo viên và nhân viên cho các vị trí giáo viên Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, nhân viên kế toán, thư viện. Trong số 9 giáo viên và nhân viên cần tuyển thì có 2 dành để thay thế giáo viên sắp đến tuổi về hưu, 7 giáo viên tuyển để bổ sung do số học sinh tăng.
Sau khi đăng thông báo tuyển dụng, một số vị trí tuyển dụng đã có ứng viên đến nộp hồ sơ, thậm chí vị trí giáo viên Tiếng Anh đã có tới 7 hồ sơ. Ngược lại, với những môn như: Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc vẫn chưa có hồ sơ nào nộp. Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Hải Anh cho hay: “Hiện có nhiều trường tuyển dụng giáo viên, có lẽ các ứng viên còn đắn đo giữa trường này với trường khác nên chưa nộp hồ sơ”.
* Không chỉ cần chính sách tiền lương
Câu chuyện thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy những môn học mới như: Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Công nghệ và nhân viên trường học không phải là chuyện mới, nhưng có thể là vấn đề khó có lời giải ngay. Cùng với thời điểm các trường công lập tuyển dụng giáo viên, nhiều trường tư thục cũng “chạy đua” với công tác tuyển dụng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng của các trường tư thục lại thuận lợi hơn nhờ những ưu điểm về mức lương và các chế độ phúc lợi.
Giáo viên Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chịu nhiều áp lực trong giảng dạy và quản lý khi lớp học luôn quá tải sĩ số học sinh. Ảnh: Công Nghĩa |
Nhiều năm nay, giữa các trường công lập và tư thục ngày càng có khoảng cách lớn về thu nhập. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít người bỏ trường công sang trường tư, hay sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp được “hút” về trường tư. Chủ tịch Hội đồng Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký (TP.Long Khánh) Nguyễn Hữu Thúy cho hay, trường có những chính sách tốt trong tuyển dụng giáo viên nên khi có nhu cầu là tuyển dụng được ngay, đồng thời gần như không có giáo viên xin nghỉ việc vì lý do thu nhập. Ngoài chế độ tiền lương cơ bản, trường còn có thêm nhiều chế độ thu nhập khác giúp cho tổng thu nhập của giáo viên hàng tháng ở mức giáo viên yên tâm sống được bằng nghề và tận tâm cống hiến.
Ông Nguyễn Hữu Thúy cho biết thêm, với giáo viên mới sẽ được nhận lương theo bậc của Nhà nước là 2.34 và sẽ được tăng lương theo định kỳ, hàng tháng còn có thêm nhiều khoản thu nhập khác như: tiền dạy phụ đạo, tiền thưởng theo tháng, tiền thưởng lễ, Tết. Giáo viên tiểu học có thể nhận thu nhập mỗi tháng 13 triệu đồng. Còn với giáo viên THPT, nếu dạy từ 20 năm trở lên thì tiền lương có thể tới bậc 9 (bậc cao nhất) và tổng thu nhập hàng tháng có thể lên đến 20 triệu đồng.
Thu nhập của giáo viên tiếp tục là nỗi trăn trở lớn của cán bộ quản lý giáo dục trong câu chuyện giữ chân giáo viên. Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Trường (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) Nguyễn Huy Đông cho biết, giáo viên mới vào nghề chỉ nhận 85% lương chính thức, sau 1 năm mới được nhận 100% lương và phụ cấp hơn 5 triệu đồng là thấp. Mức lương này còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng địa bàn Xuân Lộc, thậm chí thấp hơn cả mức lương của bảo vệ, lao công cùng trường là thực sự chưa thỏa đáng.
Là địa phương cũng đang gặp khó khăn trong thu hút giáo viên, Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho hay, huyện đang thiếu khá nhiều giáo viên, nhất là những xã ở xa trung tâm huyện. Phòng đã đi tìm nguồn giáo viên tuyển dụng cho các trường trên địa bàn ở những trường đại học chuyên đào tạo ngành sư phạm như: Trường đại học Đồng Nai, Trường đại học Sư phạm TP.HCM… Tuy nhiên, với mức lương khởi điểm của giáo viên thấp như hiện nay thì khó có thể “kéo” giáo viên về huyện công tác nếu thiếu chế độ thu hút, đãi ngộ.
Công Nghĩa
Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:
Hoàn thành dự thảo chính sách đãi ngộ và hỗ trợ giáo viên
Sau một thời gian khẩn trương rà soát tình hình đời sống và thu nhập của giáo viên toàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã hoàn thành dự thảo chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đối với giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh. Hiện nay, dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ sở giáo dục và các sở, ngành. Chúng tôi tin rằng chính sách lần này đủ mạnh để thu hút giáo viên về các trường đang gặp khó khăn về giáo viên.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành NGUYỄN VĂN TOÀN:
Cần tăng cường đào tạo các ngành sư phạm đang thiếu
Hiện nay, các địa phương đều có tình trạng khó tuyển giáo viên mà nguyên nhân xuất phát từ thu nhập chưa tương xứng là đã rõ, cần có giải pháp căn cơ bám sát thực tế, nhất là với giáo viên mầm non làm việc vất vả mà lương quá thấp. Bên cạnh đó, phải có chính sách tốt thu hút đầu vào với sinh viên sư phạm, nhất là những ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, bởi hiện nay không có nhiều trường đào tạo những ngành này, nhưng Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 lại rất cần.
Giáo viên Trường tiểu học Xuân Trường (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) LÊ THỊ THỦY:
Mong sớm có chính sách hỗ trợ tăng thu nhập
Sau 4 năm đại học ra trường, thu nhập từ nghề giáo của tôi còn thấp hơn công nhân nên đôi khi cũng thấy tủi thân, nhưng vì yêu nghề giáo nên tôi chưa nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người nhưng vẫn mong một ngày nào đó lương của nhà giáo chúng tôi sẽ được cải thiện để chăm lo cho gia đình và còn nghĩ đến chuyện tích lũy cho mai sau.
Thành Nam (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin