Bắt nạt trong trường học thường bị giáo viên và phụ huynh cho là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Học sinh Trường THCS Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) được cán bộ Công an TP.Biên Hòa tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: C.Nghĩa |
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch chia sẻ: “Bộ GD-ĐT đã có quy định về việc thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, nhưng nhiều trường vẫn chưa thể thực hiện được điều này vì thiếu cơ sở vật chất và nhất là thiếu đội ngũ tư vấn học đường”.
* Đừng chủ quan
Hành vi bắt nạt trong học đường ngày càng đa dạng và phức tạp, không chỉ dừng lại ở những xích mích bằng lời đe dọa mà còn có biểu hiện lôi kéo tẩy chay giữa các học sinh hoặc nhóm học sinh với nhau. Mâu thuẫn nhỏ có thể dẫn đến những hành vi bạo lực học đường, để lại hậu quả khó lường về tinh thần và sức khỏe cho học sinh là nạn nhân trong các vụ bị bắt nạt.
Cách đây ít ngày, tại một trường THCS thuộc P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) xảy ra sự việc học sinh bị bắt nạt bằng lời nói rồi xảy ra bạo lực. Theo nhà trường, mâu thuẫn xuất phát từ việc em học sinh tên N. không có mẹ bị một số học sinh khác chế giễu.
Ông Nguyễn Hồng Tâm (ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho hay, cách đây không lâu con ông bị một nhóm thanh niên đánh ngay trước cổng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch). Tuy nhiên, việc xử lý của nhà trường và cơ quan chức năng khá chậm khiến ông bức xúc.
* Học sinh cần được bảo vệ
Hiệu trưởng một trường tiểu học có số lượng học sinh lên tới gần 4 ngàn tại TP.Biên Hòa cho hay, số lượng học sinh càng đông thì việc quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường càng trở nên vất vả. Nếu các em có xô xát với nhau thì dễ phát hiện, còn trường hợp bị bắt nạt bằng lời nói hay hành vi lôi kéo “tẩy chay” để cô lập thì chỉ khi nào học sinh “thưa” giáo viên mới biết để ngăn chặn.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào bị bắt nạt cũng mạnh dạn “thưa” với giáo viên, vì sợ bị bạn trả thù. Có sự việc chỉ được phát hiện khi các em về chia sẻ với cha mẹ, sau đó cha mẹ phản ánh lại thì giáo viên mới biết.
PGS-TS TRẦN THÀNH NAM, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, giáo viên và phụ huynh chỉ cần để ý đôi chút là có thể nhận biết con em mình, học trò mình có đang gặp phải rắc rối từ vấn đề bị bắt nạt hay không. Đơn cử như quần áo, sách vở có bị rách, cơ thể có những vết cào cấu, bầm tím. Học sinh cũng có thể sợ đến trường, ít được các bạn trong lớp chơi cùng, hay học sinh ít hòa đồng với các hoạt động chung của lớp.
Chị Nguyễn Phương Anh (ngụ KP.Nhất Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, khi con chị về nhà kể lại việc mình bị một nhóm bạn trong lớp “tẩy chay”, không cho chơi cùng vì lý do “con nhà nghèo” khiến chị rất bối rối. Trong trường hợp này, chị không biết mình phải làm sao để con bớt bị tổn thương.
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) Nguyễn Quang Thái chia sẻ: “Môi trường học đường ngày càng phức tạp nên những áp lực của Ban giám hiệu và giáo viên nhằm đảm bảo cho học sinh luôn an toàn là nhiệm vụ khó khăn. Giáo viên chủ nhiệm phải sâu sát đến từng học sinh, đồng thời phải có những biện pháp đồng bộ, qua đó mới có thông tin để ngăn ngừa những tình huống phát sinh có thể dẫn đến những hệ quả xấu, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của các em”.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin