Báo Đồng Nai điện tử
En

Xác thực thông tin tiêu thụ nông sản và vị trí vùng trồng

Hạnh Dung
07:40, 25/09/2023

Giải pháp Hệ thống xác thực thông tin tiêu thụ nông sản và vị trí vùng trồng cùng với sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của nhóm giảng viên Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2023.

 

Đối tượng mà nhóm tác giả hướng đến là các HTX nông nghiệp, nông dân và các cơ quan quản lý. Ảnh: H.DUNG

Nhiều tiện ích

Anh Tạ Quang Hiển, thành viên nhóm tác giả cho biết, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng có diện tích đất nông nghiệp rất lớn với hơn 430 ngàn ha, chiếm khoảng 70% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là diện tích đất trồng cây lâu năm. Thành tích về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai thuộc tốp đầu của cả nước, là một trong những tỉnh sản xuất ra khối lượng nông sản lớn nhất Việt Nam. Nói đến các loại trái cây của Đồng Nai, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi, quýt, cam…

Về vị trí địa lý, tỉnh Đồng Nai được xem là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Đồng thời, Đồng Nai là một trong 4 góc nhọn của tứ giác phát triển: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhóm giảng viên đã phối hợp với anh Phạm Công Bằng, CEO Công ty Phần mềm Logsik - phát triển giải pháp quản lý và công nghệ triển khai giải pháp Hệ thống xác thực thông tin tiêu thụ nông sản và vị trí vùng trồng cùng với sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

“Lĩnh vực nông nghiệp mà nhóm chọn là nông nghiệp công nghệ cao, giúp gia tăng giá trị nông sản, giúp quản lý để đạt các chứng nhận chất lượng nông sản trong và ngoài nước” – anh Hiển nói.

Anh Phạm Công Bằng cho hay, giải pháp bao gồm thiết bị có thể đo được nồng độ dư lượng thuốc trừ sâu (NO₃ - nitrat) tồn đọng trong trái cây, thiết bị đo phân bón NPK trong đất. Sau khi thiết bị đo được sẽ báo cáo vị trí đo lên hệ thống phần mềm trên Cloud server. Mobile app sẽ giúp các HTX nông nghiệp, hộ nông dân hoặc cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi tình hình liên quan đến nông sản.

Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2023 thu hút 36 dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Qua các vòng thi, 6 dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao giải. Ban giám khảo cuộc thi đánh giá các dự án, giải pháp trên các tiêu chí: tính mới, sáng tạo, khả năng thương mại hóa, tăng trưởng; mức độ hoàn thiện của mô hình/kế hoạch kinh doanh; mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế, xã hội…

Để có thể sử dụng giải pháp này, các HTX, nông dân cần kinh phí để đầu tư các thiết bị ban đầu. Sau đó, người dân sẽ tải app về điện thoại thông minh có hệ điều hành iOS hoặc Android để sử dụng.

Nói thêm về những lợi ích mà giải pháp mang lại, anh Bằng chia sẻ, việc xác thực chất lượng nông sản sẽ giúp người nông dân điều chỉnh lượng phân bón, tưới tiêu cho phù hợp, đảm bảo chất lượng nông sản đạt các chỉ tiêu cần thiết về nông sản sạch như VietGAP, Global GAP…

Thiết bị đo phân bón NPK giúp người nông dân xác định thành phần đất nông nghiệp hiện tại. Từ đó sẽ tính toán lượng phân bón phù hợp để không bị dư thừa chất, tiết kiệm phân bón về lâu dài.

Giải pháp cũng có thể hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng nông sản trong vùng nếu được triển khai trên diện rộng từ HTX xuống từng hộ nông dân. Khi đã đảm bảo chất lượng nông sản, các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ các HTX đăng ký chứng nhận nông nghiệp sạch. Từ đó, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, tránh được trường hợp hàng nông sản xuất khẩu bị trả về do còn dư lượng thuốc trừ sâu.

Cải thiện sàn thương mại điện tử

Tháng 12-2021, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai chính thức ra mắt tại địa chỉ http://ecdn.vn/.
Hiện trên sàn thương mại điện tử tỉnh đã xây dựng danh mục sản phẩm hàng hóa tương đối đa dạng như: sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh; thực phẩm chế biến; sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến từ gỗ; quần áo may sẵn và phụ kiện; ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện, phụ tùng…

Theo anh Tạ Quang Hiển, qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy sàn thương mại điện tử của tỉnh có thiết kế đơn giản, dễ thao tác. Tuy nhiên, cần có thông tin đầy đủ hơn về chất lượng sản phẩm, vị trí, chỉ dẫn đến các điểm bán hàng cũng như doanh nghiệp cung cấp để người mua hàng có thể liên hệ dễ dàng.

Để tăng số lượng cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai, nhóm tác giả đề xuất hệ thống sàn thương mại cần tăng cường các thông tin về chất lượng sản phẩm, quy trình thu mua, phương thức giao dịch, thanh toán. Khi người sản xuất và khách hàng tìm thấy nhau, cần hỗ trợ hiển thị thông tin của cả hai bên, chứng nhận hai bên đã đạt được để hai bên tăng độ tin cậy, tìm đến tham quan nhà máy, HTX và đặt vấn đề hợp tác.

Ứng dụng mà nhóm tác giả tạo nên sẽ giúp các doanh nghiệp lấy được thông tin vị trí để cập nhật lên sàn thương mại.

Với giải pháp Hệ thống xác thực thông tin tiêu thụ nông sản và vị trí vùng trồng kết hợp sàn thương mại điện tử, nhóm dự kiến sẽ đưa thiết bị vào vận hành thực tế tại các HTX nông nghiệp. Từ đó giúp các hộ nông dân quen thuộc với thiết bị và Mobile app của nhóm.

Tiếp đó, nhóm kết hợp để hỗ trợ các sở, ban, ngành trong việc quản lý chất lượng nông sản trong vùng, đảm bảo các chỉ tiêu chứng nhận nông sản sạch cho các cơ sở sản xuất. Cung cấp thêm các giải pháp về thiết bị và hạ tầng phần mềm cho ngành nông nghiệp chất lượng cao.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều