Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang bị kiến thức về ngừa thai an toàn cho trẻ

Hải Yến
08:56, 30/09/2023

Theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên cao nhất thế giới (khoảng 300 ngàn ca/năm). Trong đó, 30% là phụ nữ từ 15-19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. 80% các ca phá thai là trên 12 tuần tuổi (thai to).

ThS Hà Thị Thu Quỳnh, Phụ trách ngành Hộ sinh Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai trong một buổi truyền thông - giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT. Ảnh: H.Yến

Các ca phá thai ngày càng trẻ hóa về độ tuổi mang thai do tình trạng quan hệ tình dục sớm trong khi trẻ vị thành niên chưa hoàn thiện về thể chất và chưa được trang bị các kiến thức về ngừa thai an toàn. Do đó, việc trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), ngừa thai an toàn cho đối tượng học sinh, sinh viên rất cần thiết.

* Còn mơ hồ về ngừa thai an toàn

Năm 2022, Bộ môn Chăm sóc SKSS Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã thực hiện cuộc nghiên cứu đối với 268 sinh viên năm nhất của trường. Kết quả cho thấy, có hơn 46% sinh viên đã quan hệ tình dục trước khi nhập học tại trường. Trên 94% sinh viên khảo sát được đánh giá ở mức yếu về kiến thức phòng tránh thai. Điều này cho thấy sinh viên chưa từng được tiếp cận hoặc tiếp cận sai lệch các kiến thức về phương pháp tránh thai.

Cũng theo nghiên cứu này, nguồn thông tin về các biện pháp tránh thai được sinh viên tìm hiểu nhiều nhất trên mạng xã hội với tỷ lệ 22%. Điều này là phù hợp với xu hướng chung của xã hội nhưng có thể dẫn đến việc tiếp nhận thông tin, kiến thức sai lệch vì không phải thông tin nào trên mạng cũng chính xác. Ngoài ra, có 19,8% sinh viên được thầy cô trang bị kiến thức về phòng tránh thai; 13,7% học hỏi qua sách báo, tạp chí; 13% tìm hiểu qua ti vi; 10% tìm hiểu qua người thân, bạn bè, nhân viên y tế.

“Một kết quả đáng chú ý là yếu tố sống cùng gia đình có liên quan tới kiến thức về các phương pháp ngừa thai và mức độ kiến thức yếu chiếm tỷ lệ cao nhất (49,2%). Điều này cho thấy khi ở cùng cha mẹ cũng là một khó khăn, rào cản khiến các bạn học sinh, sinh viên khó tiếp cận với các kiến thức về SKSS. Các bạn trẻ khó mở lòng và đưa ra các thắc mắc với cha mẹ, đây cũng là thực trạng cho thấy khoảng cách về sự sẻ chia của cha mẹ và con ở lứa tuổi vị thành niên, thành niên là rất lớn” - ThS Hà Thị Thu Quỳnh, Phụ trách ngành Hộ sinh Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cho hay.

Việc nạo, phá thai có thể dẫn đến tình trạng băng huyết, nhiễm trùng, sót nhau sau nạo hút thai, rối loạn kinh nguyệt, tổn thương cơ quan sinh dục (thủng hoặc rách tử cung và cổ tử cung, dính buồng tử cung, tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng)… ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ sau này.

Tương tự, việc trang bị kiến thức SKSS và các biện pháp ngừa thai ở học sinh còn khá kém. Năm học 2022-2023, Bộ môn Chăm sóc SKSS Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã thực hiện công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe ở 11 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Khảo sát hơn 1,1 ngàn học sinh trước các buổi truyền thông cho thấy, có hơn 78% tìm hiểu thông tin về các biện pháp ngừa thai thông qua internet; trên 88% học sinh được đánh giá ở mức yếu và trung bình về kiến thức phòng tránh thai.

Biện pháp ngừa thai được trẻ vị thành niên sử dụng nhiều nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp và biện pháp tránh thai tự nhiên (xuất tinh ngoài, canh ngày rụng trứng). Trong khi đó, thuốc tránh thai khẩn cấp gây nhiều tác dụng phụ và biến chứng như: rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết tử cung bất thường, không tránh được các nhiễm khuẩn đường sinh sản, tăng nguy cơ thai ngoài tử cung, nguy cơ vô sinh nếu lạm dụng thuốc...

Bên cạnh đó, các phương pháp tránh thai tự nhiên thì hiệu quả tránh thai không cao nên vẫn để lại những hậu quả đáng tiếc.

* Cần tăng cường truyền thông - giáo dục SKSS

Thiếu kiến thức về các biện pháp tránh thai nhưng lại quan hệ tình dục khi chưa thành niên dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai ở mức đáng báo động. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy.

ThS Hà Thị Thu Quỳnh cho biết: “Điều đáng lo ngại nhất là việc nạo phá thai có thể dẫn tới vô sinh (tỷ lệ vô sinh ở người nạo phá thai thường cao gấp 3-4 lần đối với những người không có tiền sử nạo, phá thai). Bên cạnh đó, tỷ lệ sẩy thai khi mong muốn có con cũng cao hơn nhóm không có tiền sử nạo phá thai. Ngoài ra, tỷ lệ vô sinh thứ phát do nạo phá thai chiếm đến 20% trường hợp vô sinh, trong đó chiếm 70% là phá thai ở tuổi vị thành niên”.

Những hệ lụy nói trên cho thấy việc trang bị kiến thức ngừa thai an toàn cho lứa tuổi học sinh THCS, THPT, sinh viên cao đẳng, đại học là rất cần thiết. Trái ngược với trạng thái ngại ngần, e dè khi đặt câu hỏi đối với cha mẹ và thầy cô, trong các buổi truyền thông - giáo dục sức khỏe, học sinh, sinh viên thường thoải mái chia sẻ các khúc mắc về vấn đề SKSS. Đây là cơ hội rất tốt để các bạn trẻ trang bị kiến thức đúng, khoa học về SKSS, ngừa thai an toàn.

Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng quan tâm đến các vấn đề giáo dục SKSS cho học sinh, sinh viên do nhiều nguyên nhân: lịch học dày đặc, không có giáo viên chuyên trách, ngại đối diện với các vấn đề tế nhị…

ThS Hà Thị Thu Quỳnh cho rằng, hoạt động truyền thông - giáo dục về SKSS ở lứa tuổi học sinh cần được quan tâm và thực hiện rộng khắp để các em trang bị tốt kiến thức SKSS tuổi dậy thì; tự tin về kiến thức của bản thân trong việc ngừa thai an toàn khi chuẩn bị sống xa gia đình và bước vào ngưỡng cửa học nghề, cao đẳng, đại học. Ở lứa tuổi cao đẳng, đại học, các bạn trẻ cần được trang bị kiến thức tốt nhất về sức khỏe tiền hôn nhân.

Hoạt động truyền thông - giáo dục SKSS có thể đưa vào chương trình học ngoại khóa hoặc kỹ năng sống tùy theo điều kiện từng trường. Giáo viên phụ trách các môn học như: Giáo dục công dân, Tâm lý học đường, kỹ năng sống cần được trang bị kiến thức liên quan để tư vấn cho học sinh.

Hải Yến

Tin xem nhiều