Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm chăm sóc sức khỏe học đường

Hải Yến
08:50, 21/09/2023

Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, không để xảy ra dịch bệnh tại các điểm trường là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của công tác y tế trường học (YTTH). Tuy nhiên, hiện nhiều trường chưa có nhân viên YTTH hoặc có nhân viên nhưng không được đào tạo chuyên ngành Y. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong học đường.

Bác sĩ của Phòng khám Đa khoa An Phúc khám sức khỏe cho học sinh Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Yến

Dù vậy, các trường học đã phối hợp với trạm y tế phường, xã và trung tâm y tế huyện, các bệnh viện, phòng khám để triển khai các hoạt động tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh…

* Vượt khó trong bối cảnh thiếu nhân viên y tế học đường

Đã 8 năm nay, Trường mầm non Hoa Sen (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) không có nhân viên y tế trường học. Trường đã nhiều lần tuyển dụng và có không ít người đến tìm việc nhưng do lương thấp, thời gian làm việc kéo dài nên những người đến nộp hồ sơ sau đó không thấy quay trở lại.

Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen Nguyễn Thị Minh cho hay: “Theo quy định, trường mầm non có 4 vị trí việc làm đối với nhân viên trường học là: văn thư, kế toán, thủ quỹ và y tế, nhưng chỉ được giao 2 biên chế. Quan điểm của trường là ưu tiên cho vị trí nhân viên y tế vì công tác y tế học đường ở trường mầm non rất quan trọng, nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, từ 8 năm nay, nhà trường đã bị khuyết vị trí nhân viên y tế này”.

Thống kê tình hình bệnh tật của học sinh trong năm học 2022-2023 cho thấy, toàn tỉnh có hơn 32 ngàn học sinh mắc bệnh về mắt; gần 86 ngàn học sinh mắc bệnh về răng miệng; gần 29 ngàn học sinh bị thừa cân, béo phì; hơn 11,5 ngàn học sinh bị suy dinh dưỡng…

Do không có nhân viên y tế, Trường mầm non Hoa Sen phải phân công một Phó hiệu trưởng phụ trách về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ kiêm nhiệm công tác YTTH. Để đảm nhiệm được vai trò này, bản thân cán bộ kiêm nhiệm phải thường xuyên tham gia các lớp tập huấn và học hỏi thêm kiến thức về YTTH.

Không chỉ Trường mầm non Hoa Sen, nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn tương tự. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 631/779 trường học có nhân viên y tế (chiếm 80%). Tuy nhiên, 80% đa số nhân viên YTTH là dược sĩ, điều dưỡng hoặc kiêm nhiệm, số trường có nhân viên YTTH là y sĩ trung cấp trở lên còn khá ít (chỉ có 473 nhân viên có chuyên môn ngành Y).

Theo quy định, ở những trường không có nhân viên YTTH hoặc nhân viên YTTH không phải là trung cấp y sĩ có chứng chỉ hành nghề thì không được cơ quan bảo hiểm xã hội trích quỹ bảo hiểm y tế. Do đó, các trường không có kinh phí để hoạt động, chăm sóc sức khỏe học sinh.

Để giải quyết bài toán này, bên cạnh phối hợp với trạm y tế phường trong công tác chăm sóc sức khỏe theo quy định, Trường mầm non Hoa Sen còn được sự hỗ trợ của Phòng khám Đa khoa An Phúc (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) về công tác YTTH; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; khám sức khỏe; tập huấn sơ cấp cứu cho giáo viên…

* Quan tâm “phòng hơn chống”

Để đảm bảo công tác YTTH được thực hiện và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhiều trường học đã thành lập tổ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Thành viên tổ gồm có ban giám hiệu, các khối trưởng, đại diện trạm y tế phường và cha mẹ học sinh. Đồng thời, nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác YTTH; kế hoạch tuyên truyền về phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phòng dịch bệnh...

Nhiều trường học phối hợp với trung tâm y tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Các chủ đề thường được chú ý tuyên truyền gồm: phòng chống tác hại bia rượu, thuốc lá; phòng chống các bệnh học đường; phòng chống tai nạn thương tích; phòng chống ngộ độc thực phẩm; phòng chống bệnh tay chân miệng; phòng chống bệnh về mắt…

Tùy theo diễn biến dịch bệnh và thời tiết, nhà trường lên kế hoạch tuyên truyền cho phù hợp với tình hình thực tế. Nội dung tuyên truyền được phổ biến cho tất cả các nhóm lớp và đến với phụ huynh thông qua giáo viên chủ nhiệm, các kênh liên lạc như: Zalo, Facebook, băng-rôn, hình ảnh...

“Hiện nay, dịch bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng, Phòng GD-ĐT thành phố đã gửi tài liệu tuyên truyền đến các trường học để nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền. Giáo viên chủ nhiệm cũng đã gửi nội dung đến phụ huynh thông qua nhiều “kênh” liên lạc nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống dịch” - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho hay.

Trước đó, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế thành phố tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý ban đầu một số tai nạn thường gặp cho cán bộ, giáo viên cốt cán của các trường học trên toàn thành phố. Nội dung tập huấn đã được học viên phổ biến lại cho giáo viên các trường học.

Hải Yến

Tin xem nhiều