Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người

Hạnh Dung
09:01, 09/09/2023

Cho đến nay, thế giới đã ghi nhận khoảng 200 bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người với nhiều tác nhân khác nhau. Trong đó, có những bệnh trở thành đại dịch toàn cầu, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần biết, hiểu được cơ chế lây truyền các loại dịch bệnh từ động vật sang người. Từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

* Những bệnh nguy hiểm thường gặp

Bệnh Covid-19 xuất hiện vào năm 2019, xuất phát từ TP.Vũ Hán (Trung Quốc), nghi ngờ có nguồn gốc từ loài dơi hoặc có thể là chủng lai giữa các virus corona tồn tại ở loài dơi và rắn, lây truyền thông qua giọt bắn trong không khí.

Bệnh dại do chó, dơi, khỉ gây ra, lây qua nước bọt của con vật bị nhiễm bệnh cắn, cào vào cơ thể người.

Bệnh than có nguồn gốc từ các loài động vật ăn cỏ như: dê, lạc đà, ngựa, heo. Con người nhiễm bệnh do ăn hoặc hít phải, da tiếp xúc với bào tử của vi khuẩn, thường xuất hiện trong các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn có nguyên nhân do người ăn tiết canh, thịt lợn, phủ tạng lợn chưa được nấu chín; tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết dengue do muỗi vằn đốt. Bệnh sốt rét do muỗi mang mầm bệnh ký sinh trùng đốt, lây từ người bệnh sang người lành.

Bệnh dịch hạch có nguồn gốc từ chuột cống và một số loại thú gặm nhấm. Mầm bệnh có ở loài bọ chét ký sinh trên chuột, loài gặm nhấm, truyền qua vết bọ chét đốt máu.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khoảng 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, có 15 bệnh nguy hiểm thường gặp, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhiều người dân trên thế giới.

Bệnh viêm não có tác nhân là chuột và các loài gặm nhấm, trung gian truyền bệnh là muỗi, ve.

Tại Đồng Nai, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch bệnh Covid-19 hiện đã được kiểm soát tốt. Những tuần gần đây, cả tỉnh không ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2,5 ngàn ca mắc Covid-19, trong đó có 2 ca tử vong.

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm lưu hành hàng năm. Năm nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và tử vong do dịch bệnh này giảm mạnh so với năm ngoái do không phải là năm chu kỳ của dịch bệnh. Ngoài ra, người dân cũng đã có ý thức hơn trong phòng bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh và bùng thành dịch lớn.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất trong số các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người hiện nay trên địa bàn tỉnh là dịch bệnh dại. Sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh dại trên người, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 ca tử vong ở H.Trảng Bom và H.Thống Nhất do bị chó dại cắn, cào. Do thiếu hiểu biết và chủ quan cùng nhiều nguyên nhân khác mà 2 trường hợp này đã không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

* Chủ động phòng bệnh

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về đường lây, hậu quả của bệnh và cách phòng tránh.

Đối với những loại bệnh đã có vaccine phòng bệnh cho vật nuôi, chủ nuôi động vật cần phối hợp với cơ quan chức năng để tiêm phòng cho vật nuôi. Với những bệnh có vaccine cho người trước và sau phơi nhiễm, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vaccine khi có nguy cơ và để phòng bệnh.

Đối với những loại bệnh chưa có vaccine như sốt xuất huyết, sốt rét, cách tốt nhất là người dân không nên để cho muỗi đốt. Người dân cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn chín, uống chín, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng…

Với mục tiêu giảm nguy cơ lây truyền virus lan truyền dịch bệnh từ động vật sang người, từ năm 2021-2025, dự án Chiến lược dự phòng tác nhân lan truyền dịch bệnh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua Trường đại học Tufts (Mỹ), Mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam, Trường đại học Y tế công cộng được triển khai tại Đồng Nai.

PGS-TS Lã Ngọc Quang, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng cho biết, đến nay dự án đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hướng tới đối tượng chính là các hộ gia đình nuôi nhốt động vật hoang dã (cầy hương, dúi, nhím, nai) trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu và các cơ quan kiểm lâm, y tế, thú y.

Qua đó, nhằm nâng cao kiến thức, thực hành của người dân để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình nuôi nhốt động vật hoang dã, tăng cường mối liên kết giữa người chăn nuôi, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn về sức khỏe con người, vật nuôi. Đặc biệt, giảm thiểu tác nhân lây truyền các loại bệnh từ động vật sang người, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe của người dân.            

Hạnh Dung

Tin xem nhiều