Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển kinh tế vùng sâu nhờ trồng dâu nuôi tằm

Tố Tâm
08:14, 15/09/2023

Nhiều năm trở lại đây, người dân xã Đak Lua (H.Tân Phú) đã tăng gia sản xuất bằng việc trồng dâu, nuôi tằm lấy kén. Với việc tận dụng lợi thế về địa hình trong trồng dâu, nuôi tằm, đời sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay, kinh tế dần ổn định. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, làm giàu với nguồn thu nhập hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Dâu tằm lúc nhỏ được người dân nuôi cẩn thận trong các nong. Ảnh: T.TÂM
Dâu tằm lúc nhỏ được người dân nuôi cẩn thận trong các nong. Ảnh: T.TÂM

* “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”

Chạy dọc theo những con đường vào xã Đak Lua sau cơn mưa chiều đầu tháng 9 có thể dễ dàng nhìn thấy những luống dâu xanh mướt trải dài hàng chục ha. Vào thời điểm này, nhiều gia đình tại xã Đak Lua trở nên bận rộn và nhộn nhịp hơn bởi tiếng gọi nhau đi nhặt tằm giúp hàng xóm. Hễ nhà nào cần người lựa tằm hoặc lên né (là tấm phên đan bằng tre, có những lỗ hổng vuông rộng mỗi bề độ mười phân cho tằm nằm nhả tơ) là những người hàng xóm khác chưa đến thời vụ sẽ qua phụ giúp một tay. Việc giúp qua giúp lại cũng thể hiện được sự gắn kết trong tình làng, nghĩa xóm của người dân nơi đây.

Chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Lý (ngụ ấp 2) đúng vào dịp tằm bắt đầu chín (tằm đạt độ lớn để nhả tơ) và chuẩn bị cho tằm lên né để tạo kén. Bà Lý kể, cách đây khoảng 6 năm, khi được một số thương lái về phổ biến việc nuôi tằm tại địa phương thì gia đình bà bắt đầu học nghề. Từ đó, gia đình bà mạnh dạn phá bỏ các loại cây trồng hoa màu để trồng dâu nuôi tằm và duy trì cho đến nay.

Anh Phạm Trọng Út (ngụ xã Đak Lua, H.Tân Phú) đang lựa bỏ kén hư, bệnh
Anh Phạm Trọng Út (ngụ xã Đak Lua, H.Tân Phú) đang lựa bỏ kén hư, bệnh

Theo bà Lý, nghề nuôi tằm lấy kén không phải ai cũng có thể làm được. Bởi lẽ, việc nuôi tằm đòi hỏi kỹ càng, tỉ mỉ, quy trình chặt chẽ và có kỹ thuật cao. Cụ thể, sau mỗi lần thu hoạch kén, cần vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ sạch sẽ, nhất là phải dành nhiều thời gian chăm sóc thì mới có thể tạo ra kén chất lượng.

Việc nuôi tằm được thực hiện quanh năm và mỗi năm sẽ nuôi được 4-6 lứa. Cứ đến lứa tằm mới, bà Lý sẽ mua nguồn giống tằm (nhỏ bằng que tăm), sau đó bỏ lên chiếc nong (được đan bằng tre) và băm lá dâu thật nhỏ rồi cho tằm ăn cho đến khi tằm được khoảng 15 ngày thì chín. Tằm vừa chín sẽ được cho lên né để tạo kén.

Chủ tịch UBND xã Đak Lua LÊ VĂN HẢI cho hay, trên địa bàn xã hiện có khoảng 200 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Hàng năm, chính quyền các cấp sẽ tiến hành hỗ trợ các hộ dân hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư nuôi tằm, giúp người dân có việc làm ổn định. Địa phương cũng hy vọng sẽ được chính quyền các cấp thường xuyên hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn kỹ thuật cho người dân nuôi tằm, giúp tăng năng suất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ xã Đak Lua) cho biết, tằm là một loài rất khó chăm sóc và đòi hỏi mọi thứ phải được vệ sinh rất sạch sẽ, lá dâu cho tằm ăn cũng phải đảm bảo sạch hoàn toàn mới có thể cho ra lứa tằm chất lượng để tạo kén. Ông Hoàng cho hay, việc nuôi tằm trải qua nhiều công đoạn, tính từ khi nuôi tằm con đến lúc tằm lớn và cho kén khoảng 18 ngày.

Câu nói dân gian “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” khá chuẩn. Khi đến thăm ông Hoàng thì cuộc nói chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng, bởi ông phải dành thời gian để kiểm tra tằm và cho tằm ăn. Cứ cách 2-3 tiếng, ông H. phải cho tằm ăn một lần và thường xuyên kiểm tra nhiệt độ hoặc không khí khu vực nuôi tằm.

* Nguồn lợi lớn từ nghề trồng dâu, nuôi tằm

So với nhiều loại cây trồng và ngành nghề khác thì trồng dâu, nuôi tằm tại xã Đak Lua đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ ngày làm nghề nuôi tằm, cuộc sống của nhiều người dân cũng trở nên ổn định.

Theo bà Lý, gia đình bà hiện có khoảng 1ha đất trồng dâu tằm. Mỗi lứa nuôi khoảng 4 tạ tằm (cứ khoảng 2,5 tạ tằm sẽ cho ra khoảng 1 tạ kén). Với chu trình nuôi tằm, cứ khoảng 20 ngày thì gia đình bà Lý sẽ có thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định từ nghề nuôi tằm, gia đình bà Lý đã có thể xây được căn nhà khang trang, mua thêm đất trồng dâu và mở rộng việc nuôi tằm.

Trong lúc nhiều nhà đang bắt đầu chuẩn bị lứa tằm mới thì gia đình anh Phạm Trọng Út (ngụ xã Đak Lua) đang thu hoạch kén để bán cho thương lái. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh Út nhanh tay nhặt những sản phẩm kén đã bị hư, bệnh ra khỏi né để đảm bảo kén bán ra đều đạt chất lượng, giá thành cao.

Người nuôi lựa tằm chín để chuẩn bị bỏ lên né cho tằm làm kén
Người nuôi lựa tằm chín để chuẩn bị bỏ lên né cho tằm làm kén

Cách nay khoảng 10 năm, gia đình anh Út là một trong những gia đình đầu tiên nuôi tằm trên địa bàn xã. Hiện gia đình anh nuôi mỗi lứa khoảng 3-4 hộp tằm nhỏ (mỗi hộp gần 50kg). Mỗi năm, gia đình anh nuôi được 5 lứa, mỗi lứa cho lợi nhuận gần 30 triệu đồng.

Theo anh Út, nếu nói về nguồn lợi trong chăn nuôi thì không có con vật nào cho nguồn thu nhập tốt như việc nuôi tằm. Thế nhưng, thời gian gần đây, do nhiều người dân chuyển đổi cây trồng và thường xuyên phun thuốc trừ sâu cho các loại hoa màu nên thuốc dễ theo chiều gió bay sang các rẫy dâu. Điều này đã làm cho chất lượng nuôi tằm của người dân nơi đây có phần bị ảnh hưởng. Cũng vì vậy mà có một số người dân bỏ nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Trưởng ấp 2, xã Đak Lua Tào Quang Luật cho hay, việc nuôi tằm trên địa bàn ấp thời gian vừa qua cho nguồn lợi kinh tế cao hơn tất cả các ngành nghề nông nghiệp khác. Tuy nhiên, việc nuôi tằm có đạt chất lượng, bội thu hay không còn tùy thuộc vào con giống, chất lượng cây dâu và công chăm sóc, kỹ thuật của từng hộ gia đình. Đặc biệt, trong năm nay, giá đầu ra của kén cũng ổn định với mức từ 150-180 ngàn đồng/kg (năm 2022 giá chỉ khoảng 80-90 ngàn đồng/kg) nên người dân rất phấn khởi.

Ông Luật cho biết thêm, việc nuôi tằm không phải ở địa bàn nào cũng thực hiện được. Chẳng hạn như tại xã Đak Lua thì chủ yếu người dân ở ấp 2 mới có thể trồng dâu, nuôi tằm đạt chất lượng, còn những khu vực khác chủ yếu là ruộng lúa nên không thể trồng dâu.

Trước sức hút từ giá cả thị trường ổn định, lợi nhuận khá cao mà kén tằm đem lại thì nhiều nông dân tại xã Đăk Lua đã cố gắng bám trụ với nghề, thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới, nâng cao tay nghề để tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng nguồn thu nhập, phát triển kinh tế ổn định hơn.

Tố Tâm

Tin xem nhiều