Tự tử là một trong những tai nạn thương tích phổ biến hiện nay. Đây là hành vi tự xâm hại dẫn đến cái chết do cá nhân có hành vi cố ý gây ra để chống lại bản thân.
Một bệnh nhân tự tử được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu sống mới đây. Ảnh: H.Dung |
Tự tử đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Vì vậy, cần có biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm các dấu hiệu nhằm ngăn chặn các nguy cơ của hành vi tự tử.
* Sức khỏe tâm thần không ổn định
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân 31 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tự cầm dao đâm thấu tim, phổi. Nếu chậm trễ, bệnh nhân mất nhiều máu sẽ dẫn đến tử vong. Nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của nam bệnh nhân là do mâu thuẫn với người thân trong gia đình.
Cách đây hơn 1 năm, các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng đã kịp thời cứu sống một nam bệnh nhân 25 tuổi có ý định nhảy lầu tự tử.
BS CKI Huỳnh Phúc Hưng, Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân quê ở tỉnh Bình Định, làm công nhân và sinh sống tại TP.Biên Hòa. Bệnh nhân có tiền sử bệnh viêm gan B, trầm cảm. Khi đang điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng tại bệnh viện, bệnh nhân có cãi nhau với vợ rồi bước ra khỏi lan can lầu 10 để nhảy xuống.
Rất may, thời điểm đó có 2 điều dưỡng phát hiện được sự việc nên đã nắm lấy tay bệnh nhân, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của những người xung quanh. BS Hưng cùng 2 điều dưỡng sau đó đã kéo được bệnh nhân vào bên trong, ngăn được ý định nhảy lầu tự tử của bệnh nhân.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người trên thế giới tự kết liễu đời mình. Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), có gần 40 ngàn người Việt Nam tự tử mỗi năm. |
Trong khi đó, theo BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, thi thoảng khoa tiếp nhận và cấp cứu cho một số trường hợp tự tử. Có bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ paraquat, có trường hợp nhảy lầu, nhảy sông, cắt tay…
Theo BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, ý định tự tử thường gặp ở những người mắc các chứng bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, người mắc các bệnh mạn tính dai dẳng, ung thư, người có sử dụng các chất ma túy, bia rượu quá mức.
Ngoài ra, những người đang gặp khó khăn, bế tắc trong công việc, cuộc sống, trong học tập, tình yêu và tình cảm gia đình cũng là những đối tượng có nguy cơ có ý định tự tử. Đáng lưu ý, thời gian qua, trên cả nước có một số trường hợp trẻ vị thành niên chỉ vì những xung đột nhất thời trong gia đình, nhà trường, bạn bè, không làm chủ được hành vi đã nghĩ quẩn và ra đi mãi mãi.
* Tạo hy vọng thông qua hành động
Ngày thế giới Phòng, chống tự tử (10-9) năm nay có chủ đề Tạo hy vọng thông qua hành động nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về tác hại của hành vi tự tử, thúc đẩy các quốc gia hành động để ngăn chặn việc thực hiện hành vi này.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khi nghi ngờ một người có ý định tự tử, những người thân trong gia đình, bạn bè và những người xung quanh, người có liên quan cần tiếp cận đối tượng trao đổi để tìm hiểu về những khó khăn, bế tắc mà họ đang gặp phải.
Hãy điềm tĩnh, chấp nhận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói. Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.
Khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan như tham gia vào các hoạt động thể dục - thể thao, ăn ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích. Thường xuyên liên lạc và cung cấp cho họ những địa chỉ tư vấn tâm lý tin cậy để khi gặp khó khăn họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Cần loại bỏ những phương tiện mà đối tượng có khả năng dùng để tự tử, không cho họ đến gần những địa điểm nguy hiểm như: nhà cao tầng, cầu, sông, hồ.
Với học sinh và trẻ vị thành niên, khi gặp áp lực thì phụ huynh cần kiên nhẫn lắng nghe, quan tâm; thầy cô cần gần gũi bảo ban nhẹ nhàng để giúp các em vơi bớt ý nghĩ tiêu cực nhất thời.
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) lưu ý, tình trạng tự tử ở thanh, thiếu niên từ 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong 10 năm qua. Tại Việt Nam, thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng, trên thực tế con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.
Do đó, để ngăn ngừa ý định tự tử của trẻ, cha mẹ, nhà trường cần dạy cho con trẻ kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý, phòng ngừa xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích... Vì hiện nay, hầu hết học sinh bị thiếu kỹ năng nên khi tiếp cận với các yếu tố nguy cơ trên mạng xã hội sẽ không có kỹ năng để chọn lọc. Bên cạnh đó, cần giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học, đồng hành cùng con, tránh tạo ra những căng thẳng giữa cha mẹ và con.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin