Giữ gìn tiếng nói, chữ viết là vấn đề quan trọng của mỗi dân tộc. Tại Đồng Nai, các dân tộc thiểu số (DTTS) được tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát triển văn hóa.
Học sinh theo học lớp dạy tiếng Hoa tại Trung tâm Ngoại ngữ Hoa văn Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom). Ảnh: S.THAO |
Mỗi tuần 3 buổi, em Hỷ Tuyết Linh (xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) lại có mặt tại Trung tâm Ngoại ngữ Hoa văn Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) học tiếng Hoa. Tuyết Linh cho hay: “Ngoài học ở trường phổ thông em còn học ở trung tâm để được dạy viết, đọc tiếng Hoa. Khi được học ngôn ngữ của dân tộc mình em rất vui”.
* Chủ động gìn giữ
Tuyết Linh là một trong số 450 học sinh đang theo học tại Trung tâm Ngoại ngữ Hoa văn Thanh Bình. Theo ông Lìu Chỉ Khìn, Giám đốc trung tâm, khu vực xã Thanh Bình, Cây Gáo, Sông Thao, Bàu Hàm của H.Trảng Bom tập trung đông đồng bào dân tộc Tày, Hoa, Nùng sinh sống. Được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, thời gian qua, việc dạy và học tiếng Hoa trong cộng đồng có nhiều thuận lợi. Phụ huynh rất quan tâm đến việc cho con em theo học, trước hết là tự bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng, sau nữa là ngày càng có nhiều doanh nghiệp cần nhân lực có ngoại ngữ, nhu cầu đi du học...
Tương tự, thời gian qua, cộng đồng Hồi giáo tại xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) và xã Bình Sơn (H.Long Thành) đã duy trì đều đặn các lớp dạy ngôn ngữ trong cộng đồng.
Người có uy tín trong đồng bào DTTS Ab Do Ha Mit, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo tại xã Xuân Hưng cho biết, lớp dạy tiếng Chăm của cộng đồng được duy trì từ nhiều năm qua đã góp phần bảo tồn văn hóa của cộng đồng.
Còn theo người có uy tín trong đồng bào DTTS Đô Hô Sên, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo tại xã Bình Sơn, vào mỗi buổi tối, thánh đường lại vang lên tiếng đọc của 20 trẻ em trong cộng đồng. Các em đến đây được dạy đọc, viết.
Ông Đô Hô Sên cho hay, xã có 160 hộ dân tộc Chăm với hơn 400 người. Ban ngày, con em trong đồng bào đi học tại các trường phổ thông như bao trẻ em khác. Tối đến, sau khi cơm nước, hoàn thành bài vở ở trường thì các em đến lớp. Những người trực tiếp giảng dạy là thành viên Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo và hoàn toàn từ tinh thần tự nguyện. Mong muốn của cả người dạy lẫn người học là làm sao để mỗi đứa trẻ trong cộng đồng biết ngôn ngữ của dân tộc mình.
Già làng Nguyễn Văn Long, người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) nói: “Người Chơro có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Tuy nhiên, từ ý thức của cộng đồng, sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên tiếng nói của đồng bào không mất đi mà lưu truyền bền vững. Để giữ gìn tiếng nói, trước hết mỗi gia đình có trách nhiệm dạy cho chính con cháu trong nhà. Khi Nhà nước xây dựng các nhà văn hóa dân tộc, bà con lại có thêm thuận lợi để tổ chức dạy ngôn ngữ trong cộng đồng”.
* Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng nói, chữ viết
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS, thời gian qua, nhiều chương trình phối hợp giữa chính quyền địa phương với cộng đồng các DTTS đã được thực hiện.
Trong đó, nhiều năm qua Đài PT-TH Đồng Nai đã duy trì thực hiện chương trình thời sự tiếng dân tộc: Chơro và Hoa.
Ban Dân tộc tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 199 ngàn người DTTS thuộc 50 DTTS. |
Để ngôn ngữ của đồng bào trở nên dễ học, thời gian qua nhiều cá nhân trong đồng bào DTTS được chính quyền địa phương tạo điều kiện “mượn” tiếng Việt để phiên âm tiếng Chơro. Già làng Nguyễn Văn Long cho hay, một số nhạc sĩ Đồng Nai đã phiên âm các bài hát Chơro ra tiếng Việt bằng những bài hát song ngữ Việt - Chơro. Rồi nhiều cá nhân đã phiên âm tiếng Chơro ra tiếng Việt để thống nhất cách phát âm trong cộng đồng.
Giáo cả Đô Hô Sên cho hay, ngoài nỗ lực của cộng đồng, cuối năm 2022, cộng đồng Hồi giáo tại xã rất vui khi được sự quan tâm của chính quyền các cấp hỗ trợ xây dựng phòng đọc và phòng học tiếng Chăm. Nhờ vậy mà việc học trong cộng đồng ngày càng thuận lợi.
Riêng đối với cộng đồng người Khmer, những lớp học dạy tiếng nói, chữ viết đang được chuẩn bị để chính thức khai giảng là mong mỏi của 23,5 ngàn đồng bào đang sinh sống tại tỉnh. Thượng tọa Thích Pháp Tân, trụ trì chùa Thái Hòa (H.Định Quán) cho hay, còn rất nhiều người Khmer không biết chữ của dân tộc mình. Từ thực tế đó, thời gian qua Phòng Dân tộc huyện đang phối hợp với chức sắc, người uy tín trong cộng đồng thống nhất địa điểm, tìm kiếm và mời giáo viên về dạy chữ cho đồng bào. Đây là tin vui và được đồng bào chờ đợi.
Điểm đáng chú ý là các lớp dạy ngôn ngữ DTTS không chỉ có người trong cộng đồng mà còn thu hút các đối tượng khác có nhu cầu. Ông Vòng Nhì Sập, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, nhiều năm qua, ông cùng các thành viên khác trong cộng đồng người Hoa đã mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho thanh thiếu niên ở địa phương. Ngoài những học sinh dân tộc Hoa, nhiều nam nữ thanh niên những dân tộc khác trong cộng đồng cũng tìm đến theo học để trang bị thêm khả năng về ngoại ngữ khi tìm việc làm, du học.
Theo ông Điểu Toa (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất), hiện ông đang hoàn thiện sách phiên âm tiếng Chơro ra tiếng Việt. Trong quá trình thực hiện dự án của mình, ông nhận thấy vì tâm lý nên nhiều em ngại thể hiện ngôn ngữ của dân tộc mình. Do vậy, để ngôn ngữ được duy trì và phát triển thì đồng bào, nhất là người trẻ phải chủ động giữ gìn chính bản sắc văn hóa của dân tộc, bởi không ai làm thay việc của chính cộng đồng mình.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin