Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để học sinh phải chịu “áp lực kép”

Tường Vi
09:01, 30/09/2023

Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều hoặc vì lo lắng con không theo kịp “con nhà người ta” mà phải thúc ép con học ngày học đêm. Thầy cô giáo vì nhiệm vụ thành tích mà phải gắt gao với học trò. Đó là thực tế đang diễn ra ở không ít nơi, khiến cho học sinh phải chịu “áp lực kép” ngay từ đầu năm học.

Học sinh Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) được dạy võ vovinam trong giờ Giáo dục thể chất. Ảnh: T.Vi
Học sinh Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) được dạy võ vovinam trong giờ Giáo dục thể chất. Ảnh: T.Vi

Làm thế nào để giảm áp lực học tập đang là nỗi băn khoăn chung của nhiều phía: học sinh, phụ huynh và nhà trường. Trên thực tế, nhiều trường học và phụ huynh có mong muốn lớn nhất là trẻ được hạnh phúc mỗi ngày đến trường.

* Áp lực vì kỳ vọng của cha mẹ

Trên trang Confession của một trường THCS ở TP.Biên Hòa, một học sinh lớp 9 tâm sự: “Có bao giờ mọi người tự đặt câu hỏi tại sao cha mẹ lúc nào cũng kỳ vọng vào mình, lúc nào cũng muốn cho con mình là nhất, là phiên bản hoàn hảo không ạ? Có thể chúng ta sẽ có một câu trả lời khác nhau, nhưng không biết có ai luôn bị gia đình định đoạt cho tương lai mình và phải làm theo không nhỉ? Bản thân em là một người rất mê văn nhưng lúc nào cũng bị gia đình can ngăn, bắt buộc phải theo các môn khoa học tự nhiên. Cha mẹ em luôn nghĩ rằng con trai phải học tự nhiên cho mạnh mẽ, phải học tự nhiên mới kiếm được nhiều tiền và bắt em phải học những môn cần sự tư duy cao. Em không hề thích điều ấy chút nào, nhưng em cũng phải làm để không phụ lòng gia đình mình... Trong đầu em luôn nghĩ mình phải được điểm cao để cha mẹ luôn tự hào về mình...”.

Để không gây áp lực học tập cho con, phụ huynh cần phải làm bạn cùng con để thấu hiểu, chia sẻ và cùng con “gỡ rối” những khó khăn trong học tập, trong mối quan hệ bạn bè, thầy cô.

Những dòng tâm sự dường như nói lên tâm trạng chung của rất nhiều học trò, nhất là những học sinh cuối cấp. Vì lo cho tương lai của con, sợ con không theo kịp bạn bè, bị hổng kiến thức…, nhiều phụ huynh buộc lòng phải tìm đủ các lớp học thêm cho con. Không chỉ học các môn chính trong chương trình, trẻ còn phải học thêm các môn kỹ năng, năng khiếu để “có vốn sống” cho sau này. Lịch học kín mít khiến trẻ không còn thời gian để vui chơi.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ dù không bị cha mẹ thúc ép, áp đặt chuyện học hành nhưng vì hiểu được lo lắng của cha mẹ lại tự tạo áp lực cho chính mình.

Chị Lê Thị Thuận (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) kể: “Con tôi học thuộc bài rất chậm, học trước quên sau nên có lần tôi phải đưa con đi bệnh viện khám. Buổi tối, tôi cùng con ngồi học bài, dò bài cho con. Khi cha mẹ đi vắng, con có ý thức tự ngồi vào bàn học nhưng lại không tập trung được. Có hôm tôi đang đi làm, con gọi điện cho tôi và khóc vì bất lực, không học bài được. Thương con nhưng tôi không biết làm cách nào để giúp con được”.

Thực tế, học sinh đang phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía: gánh nặng trong thi cử, kiểm tra - đánh giá thường xuyên, áp lực về điểm số, áp lực vì sự kỳ vọng của cha mẹ, áp lực vì không tìm được phương pháp học tập phù hợp để tiến bộ như mong muốn… Chính những điều này có thể khiến cho học sinh rơi vào trạng thái stress, thậm chí trầm cảm. Đây là điều không ai mong muốn.

* Thay đổi để giải tỏa áp lực cho học sinh

Khi được hỏi có bị áp lực, lo lắng trong học tập hay không, em Bùi Đàm Đạo, học sinh lớp 6/2, Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) vui vẻ cho biết: “Năm nay lên lớp 6, những ngày đầu năm học, em cảm thấy rất vui vì quen được nhiều bạn mới. Thầy cô vui vẻ với học trò, các thầy cô không kiểm tra bài như bình thường mà cho kiểm tra kiến thức thông qua các trò chơi, gameshow mini. Những trò chơi này được trình chiếu trên màn hình tivi của lớp để cả lớp cùng chơi”.

Có thể thấy, những thay đổi của giáo viên trong dạy học, kiểm tra đánh giá là yếu tố quan trọng giúp học sinh giải tỏa áp lực, tiếp thu kiến thức tốt hơn. Đây cũng là điều mà nhiều trường học đang hướng đến.

Hiệu trưởng Trường THCS Quyết Thắng Mai Thị Hà chia sẻ, trong các cuộc họp hội đồng đầu năm học và trong các cuộc họp chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường luôn chỉ đạo giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực, tránh gây áp lực cho học sinh. Trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài lớp học để học sinh có thể phát huy được tính tích cực, chủ động, có sự hứng khởi trong học tập.

“Đặc biệt, trường thực hiện đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, nhất là trong kiểm tra thường xuyên. Giáo viên được khuyến khích không thực hiện kiểm tra miệng vấn đáp 15 phút đầu giờ như trước đây nữa, mà có thể ghi nhận sự cố gắng của học sinh trong giờ học. Ví dụ, khi học sinh tích cực phát biểu trong giờ học thì cũng có thể được điểm; hoặc học sinh tham gia làm bài thuyết trình, làm dự án… đều có thể được chấm điểm” - cô Hà cho hay.

Cô Hoàng Thị Thu Thủy, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của Trường THCS Quyết Thắng cho biết, ngoài nội dung Giáo dục thể chất theo phân phối chương trình, cô còn dạy võ vovinam cho học sinh để các em tập trong giờ ra chơi hoặc đồng diễn đầu giờ vào lớp, giúp học sinh có tinh thần thoải mái, sảng khoái hơn trước khi bắt đầu những tiết học trong lớp, góp phần hạn chế áp lực tinh thần cho học sinh.

Tường Vi

Tin xem nhiều