Thực tế ở nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai cho thấy, việc cạnh tranh “tấm vé” vào trường công lập ngày càng khó khăn. Học sinh mỗi năm một đông nhưng số lượng trường lớp không theo kịp đã khiến cho các cuộc thi chuyển cấp diễn ra khá căng thẳng và áp lực.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đ. Công |
Ngay tại thủ đô Hà Nội, để có thể nộp hồ sơ cho con vào học một trường tiểu học ở Q.Hà Đông, hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng từ 19 giờ hôm trước, chờ đến 7-8 giờ sáng hôm sau. Tới khi nộp hồ sơ, phải chen lấn, xô đẩy nhau mà chưa chắc con mình được nhận do nhu cầu quá lớn, trong khi khả năng đáp ứng của nhà trường thì có hạn. Ai cũng muốn con mình vào học trường công có chất lượng tốt với chi phí rẻ nên sẵn sàng chờ đợi xuyên đêm, bất chấp cái nóng hầm hập của mùa hè.
Hay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vừa qua. Đây là kỳ thi quan trọng, có tỷ lệ “chọi” khá cao, nhất là đối với một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM. Do vậy, không chỉ học sinh mà phụ huynh rất lo lắng. Vì với những gia đình có điều kiện, đủ khả năng cho con học ở trường tư thục, không đậu trường công vẫn còn nhiều lựa chọn khác, nhưng với những gia đình còn khó khăn, đây quả thực là vấn đề không đơn giản. Trong khi đó, việc cho con học hệ giáo dục thường xuyên hay trường nghề vẫn chỉ được xem là phương án cuối cùng của nhiều phụ huynh.
Tại Đồng Nai, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay khá căng thẳng do có tỷ lệ thí sinh dự thi đông hơn năm trước khoảng 2 ngàn em, trong khi chỉ tiêu giao cho các trường không tăng. Vì vậy, ngoài Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, điểm chuẩn của các trường như: Ngô Quyền, Trấn Biên, Nam Hà đều tăng hơn năm ngoái. Ngay cả những trường trước đây thí sinh ít chọn nguyện vọng 1 thì năm nay thí sinh cũng đông hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội vào trường công ít đi. Hơn một nửa thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ phải tìm các cơ hội khác để tiếp tục học tập.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về trường lớp cho học sinh, các địa phương trong cả nước đã và đang tập trung rà soát quy hoạch đất đai, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp. Tuy nhiên, khả năng ngân sách có hạn nên xã hội hóa giáo dục được xem là giải pháp phù hợp, quan trọng nhất để có thêm trường lớp, phục vụ nhu cầu học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, việc phụ huynh ngày càng cởi mở hơn trong việc lựa chọn nơi học cho con, không nhất thiết phải là trường công lập cũng khiến cho hệ thống giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển. Ở nhiều địa phương trong cả nước, “vé” vào một số trường tư cũng khó khăn không kém vào trường công thuộc hàng tốp đầu.
Dù học trong môi trường nào, công hay tư thì điều mà cả học sinh, phụ huynh và xã hội đều mong muốn là chất lượng giáo dục luôn đảm bảo để mọi học sinh được bình đẳng học tập và phát triển.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin